Những năm gần đây, công nghệ số phát triển dẫn đến sự phát triển của một
mô hình kinh tế mới: nền kinh tế chia sẻ. Đi cùng với mô hình kinh tế chia sẻ là
một mô hình kinh tế khác, ít được nhắc đến hơn, nhưng đóng một vai trò vô cùng quan
trọng và có khả năng biến đổi bộ mặt kinh tế xã hội toàn cầu: nền kinh tế Gig (Gig
Economy).
Sự phát triển công nghệ
số giúp cho người ta có thể dễ dàng tuyển dụng và tìm việc qua mạng với nhiều
ngành nghề khác nhau, từ đó hình thành nền kinh tế Gig.
Nền kinh tế Gig là gì?
Trong một nền kinh tế truyền thống, người ta thường hỏi
nhau: Bạn đang làm việc gì, ở công ty nào? Câu trả lời thường là một nghề nghiệp
nào đó, ở một công ty hay tổ chức nhất định. Họ là những người lao động toàn
thời gian, ít khi thay đổi vị trí và tập trung vào sự nghiệp lâu dài.
Trong một nền kinh tế Gig, người ta thường làm việc trong
những vị trí tạm thời và linh hoạt, còn các công ty có xu hướng thuê những
người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian. Trên thực tế,
dạng làm việc độc lập, không thuộc một tổ chức nhất định nào như thế đã tồn tại
từ xưa rồi, ta thường gọi là làm nghề tự do (tiếng Anh gọi là freelance).
Trước nay, lực lượng này bao gồm các nhân viên làm việc theo hợp đồng ngắn hạn,
nhân viên thời vụ. Tuy nhiên, thành phần làm việc như thế chiếm tỷ lệ nhỏ và đóng
góp phần không đáng kể vào nền kinh tế chung. Tình hình thay đổi khi công nghệ
số phát triển. Người ta có thể làm việc trực tuyến mà không cần đến cơ quan, từ
đó dẫn đến việc không cần là nhân viên cố định cho một công ty và nếu có khả năng
có thể cộng tác với nhiều công ty cùng lúc. Tiến hơn một bước nữa, với sự phát
triển của mô hình kinh tế chia sẻ, các công ty đại diện cho mô hình này như
Uber, Grab, Airbnb… đã tạo nên một loạt các người lao động không phải là nhân
viên chính thức của mình. Lực lượng lao động tham gia nền kinh tế Gig phát triển
lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Tham gia nền kinh tế Gig còn phải kể đến lực lượng chuyên
gia cộng tác bán thời gian với các tổ chức, không hề là nhân viên chính thức. Có
thể kể đến các giảng viên thỉnh giảng của các trường đại học, các cộng tác viên
các tờ báo, các nhà cố vấn chuyên môn… Khi xét thêm lực lượng này, rõ ràng là nền
kinh tế Gig đã đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế chung không chỉ theo chiều
rộng mà cả chiều sâu nữa.
Ưu điểm của nền kinh tế Gig
Với sự phát triển của công nghệ số, người lao động làm việc
tự do (tham gia nền kinh tế Gig) không cần phải đến văn phòng công ty, các liên
lạc với công ty chủ yếu thông qua phương tiện kỹ thuật số. Do đó họ được linh động
về thời gian, nếu thích và đủ điều kiện có thể đồng thời làm việc cho nhiều công
ty khác nhau để tăng thêm thu nhập.
Về phía nhà tuyển dụng, họ có nhiều ứng viên hơn để lựa chọn,
không bị ràng buộc về điều kiện ứng viên đó đang làm việc với đơn vị khác. Công
nghệ số còn giúp họ sử dụng những người lao động ở những địa điểm cách xa trụ sở
công ty, làm việc vào thời điểm bất kỳ.
Một điểm quan trọng dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế
Gig là lý do về tài chính. Người sử dụng lao động không đủ khả năng thuê nhân
viên toàn thời gian cho mọi công việc cần thiết, vì vậy họ thuê nhân viên bán
thời gian hoặc nhân viên tạm thời cho những thời điểm bận rộn hơn hoặc các dự
án cụ thể.
Về tâm lý làm việc, người làm việc có thể có xu hướng thay đổi
địa bàn làm việc, hoặc hơn nữa là thay đổi nghề nghiệp. Trong trường hợp đó, rõ
ràng nền kinh tế Gig đáp ứng nhu cầu của người lao động tốt hơn hẵn nền kinh tế
truyền thống.
Hạn chế của nền kinh tế Gig
Do bản chất thời vụ của nền kinh tế Gig nên công ăn việc làm
của người lao động không bền vững. Họ khó xác định được tương lai lâu dài và chắc
chắn. Tính linh hoạt trong nền kinh tế Gig đồng nghĩa với việc người lao động
phải sẵn sàng bất cứ khi nào có hợp đồng tạm thời và luôn phải săn lùng hợp
đồng tiếp theo. Ở phía còn lại, xu hướng phát triển nền kinh tế Gig có thể
khiến nhân viên toàn thời gian của nền kinh tế truyền thống sẽ bấp bênh hơn
trong công việc vì nhân viên tạm thời thường nhận lương rẻ hơn, và linh hoạt
hơn về khả năng tuyển dụng, từ đó họ cũng khó phát triển toàn diện trong sự
nghiệp.
Người lao động trong nền kinh tế Gig phải gánh chịu nhiều
hơn rủi ro thị trường đối với những thăng trầm kinh tế, xu hướng thay đổi và sở
thích của người tiêu dùng. Họ không có sự an toàn của một công việc có lương
thưởng ổn định, không có các thói quen hàng ngày đặc trưng cho công việc.
Do tính chất lỏng lẻo của các giao dịch và mối quan hệ kinh
tế, mối quan hệ lâu dài giữa người lao động, người sử dụng lao động, khách hàng
và nhà cung cấp bị xói mòn. Điều này làm mất đi lợi ích từ việc xây dựng niềm
tin lâu dài, thông lệ và sự quen thuộc với khách hàng và nhà tuyển dụng.
Nền kinh tế Gig đang bùng phát hay sắp lụi tàn?
Hiện nay, có hai luồng ý kiến đang tranh cãi nhau rằng nền
kinh tế Gig đang bùng phát hay sắp lụi tàn. Mỗi bên dựa vào ưu điểm hay nhược điểm
của nền kinh tế Gig như nêu trên để bảo vệ quan điểm của mình. Chuyên gia nghề nghiệp
Maciej Duszyński nêu ra những số liệu thống kê sau về nền kinh tế Gig tại Mỹ để
chúng ta tham khảo và có nhận định của mình.
-
Hiện có 57,3 triệu người làm việc tự do (Gig) ở Mỹ. Ước
tính rằng đến năm 2027 sẽ có 86,5 triệu người làm việc tự do. (theo Upwork)
-
36% công nhân Mỹ tham gia vào nền kinh tế Gig, thông
qua công việc của họ cho dù là nghề nghiệp chính hay phụ (theo Gallup)
-
Đối với 44% người lao động Gig, công việc trong nền
kinh tế Gig là nguồn thu nhập chính của họ (theo Edison Research)
-
Đối với 53% người lao động Gig trong độ tuổi 18-34, công
việc trong nền kinh tế Gig chính là nguồn thu nhập chính của họ (theo Edison
Research)
-
Người lao động Gig thường là trẻ, 38% người trong độ tuổi
18-34 có tham gia nền kinh tế Gig (theo Edison Research)
-
Cứ 6 người lao động
trong nền kinh tế truyền thống thì có 1 người muốn trở thành người kiếm tiền độc
lập, không phải là nhân viên công ty nào (theo McKinsey)
-
Người lao động trong nền kinh tế Gig được cho là đã đóng
góp 1,4 tỷ USD vào tổng thu nhập của nước Mỹ năm 2018. (theo PYMNTS)
-
19% người lao động Gig nói rằng lý do chính để họ có một
công việc Gig là để kiếm được nhiều tiền hơn hoặc để trang trải các khoản chi
tiêu hàng ngày (theo PYMNTS)
-
Tỷ lệ lớn nhất người lao động tham gia nền kinh tế Gig
thuộc về các ngành nghệ thuật, thiết kế, giải trí, thể thao và truyền thông,
chiếm 14%. Tiếp theo là nghề bán hàng, chiếm 10%. (theo PYMNTS)
-
55% số người lao động Gig cũng có làm công việc toàn thời
gian hoặc làm việc bình thường. (theo PYMNTS)
Qua những số liệu trên, ta nhận thấy nền kinh tế Gig tại Mỹ đang
phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng, dù rằng vẫn đang chiếm tỷ lệ
nhỏ hơn so với nền kinh tế truyền thống.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu điều tra cụ thể, khái
niệm về nền kinh tế Gig cũng chưa được phổ biến. Tuy vậy, có thể thấy rõ là lực
lượng lao động tham gia nền kinh tế Gig đang ngày một đông đảo, nhất là từ khi
có sự xuất hiện của những mô hình kinh tế chia sẻ như Grab, Uber… Cùng với sự
phát triển của công nghệ số, khả năng làm việc online ngày càng thuận tiện hơn
chắc chắn cũng sẽ dẫn đến việc nhiều người tham gia làm việc theo phương thức này,
đồng nghĩa với việc tham gia nền kinh tế Gig. Như vậy, nền kinh tế Gig sẽ góp
phần không nhỏ vào nền kinh tế chung. Do đó, việc nghiên cứu để đưa ra những chính
sách nhằm quản lý tốt hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động Gig là rất
cần thiết.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 16/02/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét