Trong thời buổi dịch SARS-CoV-2, hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào hoàn
cảnh khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp không cầm cự nổi dẫn đến phá sản. Thế mà
có một công ty chẳng những duy trì hoạt động mà còn phát triển vượt bậc, đó là
ZOOM.
Zoom đang trở thành ứng
dụng Hội thảo trực tuyến thịnh hành nhất thế giới trong vài tháng qua
Ông chủ của Zoom có thêm 4 tỷ USD sau 3 tháng bùng phát đại
dịch
Khi bệnh dịch do COVID-19 gây ra bùng phát vào đầu năm nay,
trường học đóng cửa, nhiều cơ quan phải cho nhân viên làm việc tại nhà. Học tập,
làm việc, hội họp từ xa trước nay vẫn được nhắc đến như một giải pháp tiên tiến
nên thực hiện thì bây giờ trở nên một nhu cầu bức thiết. Để có thể thực hiện
nhanh điều này nhằm đáp ứng tình hình bức thiết, các cơ quan, trường học phải
chọn ngay một ứng dụng hội họp, học tập trực tuyến đang có sẵn trên thị trường.
Có một ứng dụng như vậy, đó là Zoom.
Từ tháng 12-2019 đến cuối tháng 3-2020, nhu cầu sử dụng Zoom
trên toàn cầu đã tăng 1.900%. Zoom đã đạt được hơn 2,22 triệu người dùng trong
những tháng đầu năm 2020, con số này nhiều hơn tổng số người dùng đã tích lũy
trong toàn bộ năm 2019. Đến tháng 3-2020, cổ phiếu Zoom đã tăng lên 160,98 USD/cổ
phiếu, tăng 263% so với giá cổ phiếu ban đầu khi Zoom lần đầu tiên được công
khai. Điều này dẫn đến sự kiện là: Eric Yuan, ông chủ của Zoom và là người sở hữu
19% cổ phần Zoom có số tiền tăng thêm hơn 4 tỷ USD!
Zoom là gì?
Zoom có tên đầy đủ là Zoom Video Communications, là một công
ty dịch vụ hội nghị từ xa của Mỹ có trụ sở tại San Jose, California. Zoom cung
cấp dịch vụ hội nghị từ xa kết hợp hội nghị video, các cuộc họp trực tuyến, trò
chuyện và cộng tác trên thiết bị di động.
Zoom được Eric Yuan - một kỹ sư trưởng của Cisco Systems - thành
lập vào năm 2011. Nghe nói ý tưởng về một phần mềm làm việc trực tuyến đã được
ông ấp ủ từ khi còn học đại học vì muốn liên lạc với bạn gái ở xa (sau này, hai
người đã kết hôn). Dịch vụ này bắt đầu vào tháng 1-2013 và đến tháng 5-2013, nó
đã có một triệu người tham gia. Đến tháng 6-2014, Zoom đã có 10 triệu người
dùng. Vào tháng 2-2015, số lượng người tham gia sử dụng sản phẩm chính của Zoom
là Zoom Meeting đã đạt 40 triệu người, với 65.000 tổ chức đăng ký. Công ty đã
tổ chức tổng cộng 1 tỷ phút họp kể từ khi thành lập.
Zoom có đại lý chính thức tại Việt Nam, công ty này cung cấp
các gói dịch vụ tùy theo nhu cầu như: Doanh nghiệp nhỏ 360.000 đ/tháng/máy chủ,
Doanh nghiệp vừa hoặc lớn 470.000 đ/tháng/máy chủ,… Đáng chú ý gói dành cho cá
nhân là miễn phí. Dù miễn phí, gói dịch vụ này có những tính năng rất tốt: Lưu
trữ tối đa 100 người tham gia, không giới hạn các cuộc họp 1 – 1, giới hạn 40
phút cho các cuộc họp nhóm, không giới hạn số lượng cuộc họp. Đây là một trong
những yếu tố quan trọng khiến Zoom được sử dụng nhiều.
Eric Yuan, người sáng
lập và CEO của Zoom, ở giữa, trong đợt chào bán cổ phiếu ban đầu của công ty năm
2019 tại New York. Ảnh: Bloomberg
Tại sao lại là Zoom?
Zoom không phải là phần mềm họp trực tuyến duy nhất. Trước
nay vẫn có những phần mềm họp trực tuyến của các hãng nổi tiếng trên thế giới,
như: Skype, Google Hangouts và Microsoft Teams... thế nhưng vì sao Zoom vẫn là
chọn lựa số một trong thời điểm đại dịch này?
Trước hết, một chi tiết tưởng như tầm thường nhưng lại đóng
vai trò quan trọng, đó là cái tên Zoom. Ngắn gọn, dễ nhớ, dễ đọc!
Kế đến, đây là một ứng dụng miễn phí tuyệt vời. Như đã nêu ở
phần trên, ngay ở phiên bản miễn phí Zoom cũng đã cho phép người dùng thực hiện
các cuộc họp online với số lượng người tham gia lên tới 100 người, thời lượng lên
tới 40 phút. Còn hơn thế nữa, để hỗ trợ trường học, tổ chức trong khủng hoảng, hôm
13/3, Zoom bắt đầu gỡ bỏ hạn chế gọi 40 phút cho tài khoản miễn phí tại hàng chục
ngàn trường học ở Mỹ và các nước khác. Nếu bạn đang cần tổ chức một cuộc họp
thực sự lớn với số người tham gia vượt quá 100 người thì Zoom sẽ gợi ý cho bạn
một số gói trả phí cho phép bạn thực hiện được điều này.
Zoom tích hợp trên mọi thiết bị, giúp người dùng dễ dàng kết
nối với cuộc họp mọi lúc mọi nơi mà không cần quá nhiều thời gian cài đặt. Zoom
có thể cài trên bất cứ thiết bị nào từ hệ điều hành Android đến máy tính xách
tay.
Về mặt tính năng, Zoom có độ tin cậy cao, không bị mất kết
nối quá lâu khiến người dùng phải đăng nhập lại và không bị giật (lag) khi có
những cuộc hội thoại kéo dài. Ứng dụng này cũng được thiết kế với những tính
năng công nghệ vượt trội, người dùng có thể bắt đầu cuộc trò chuyện video miễn
phí bất cứ khi nào trong khoảng thời gian 40 phút và dưới 100 người tham dự. Bên
cạnh đó, Zoom còn được thiết kế một số tính năng giải trí hấp dẫn. Khi sử dụng
Zoom, bạn có thể đăng ảnh hoặc video làm hình nền đại diện.
Lợi thế lớn nhất của Zoom là công ty này chỉ tập trung phát
triển các ứng dụng gọi video và tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của người
dùng.
Và tại sao… không nên dùng Zoom?
Theo báo cáo vừa công bố ngày 3-4 của Citizen Lab, mặc dù
Zoom đặt trụ sở ở Mỹ, lên sàn NASDAQ, nhưng ứng dụng Zoom có vẻ được phát triển
bởi 3 công ty của Trung Quốc, tất cả dùng nhãn hiệu Ruanshi Software. Hai trong
ba công ty này do Zoom sở hữu, còn một công ty nằm trong tay của một đơn vị có
tên American Cloud Video Software Technology Co., Ltd. Hồ sơ chính thức của
Zoom cho biết công ty thuê ít nhất 700 nhân viên ở Trung Quốc làm trong lĩnh
vực nghiên cứu và phát triển. Citizen Lab nói việc hoạt động ở Trung Quốc có thể
giúp Zoom trả lương thấp, tăng lợi nhuận, nhưng bên cạnh đó người ta cũng lưu ý
rằng người sáng lập và CEO của Zoom Eric Yuan là người gốc Trung quốc.
Những ngày qua, nhiều lỗ hổng bảo mật của Zoom đã bị lộ ra. Mới
nhất, Zoom thừa nhận họ đã “vô tình” chuyển một số dữ liệu người dùng qua hai
trung tâm dữ liệu đặt ở Trung Quốc. Zoom nói họ đã sửa chữa lỗi kỹ thuật này.
Với lượng người dùng tăng đột biến, Zoom đang đối mặt các cuộc
tấn công mạng, được gọi là “Zoombombing”. Tuần trước, Cục Điều tra Liên bang Mỹ
FBI cảnh báo về nhiều trường hợp phòng họp và lớp học ảo trên Zoom bị chen
ngang bởi tuyên bố đe dọa, phân biệt chủng tộc và hình ảnh khiêu dâm. Sở Giáo dục
thành phố New York khuyến cáo các giáo viên không nên sử dụng Zoom cho dạy học
trực tuyến. Trước đó, Elon Musk cũng đã cấm nhân viên SpaceX sử dụng phần mềm
này do lo ngại về rủi ro bảo mật. Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA)
cũng có động thái tương tự.
Về phía Zoom, Giám đốc điều hành Eric Yuan thừa nhận đã
không đánh giá đầy đủ tính bảo mật và quyền riêng tư cho ứng dụng họp trực
tuyến của mình. Ông nói: “Chúng tôi đã nhận được cho mình những bài học. Giờ
đây, chúng tôi sẽ lùi một bước để tập trung vào quyền riêng tư và bảo mật”.
Về phía Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo: Trong thời điểm
này khi Zoom đang tràn ngập thông tin về vi phạm quyền riêng tư và lỗi bảo mật
và thậm chí có thể còn đang bị điều tra thì người dùng Việt nên tạm ngừng sử
dụng ứng dụng này để họp và học trực tuyến. Khi lượng người dùng Zoom đang tăng
cao đột biến, tin tặc cũng đánh hơi thấy và càng tập trung để tấn công lấy cắp
dữ liệu các cuộc họp. Mặt khác, lượng người dùng đang tăng thì Zoom cũng không
thể một lúc xoay sở đủ nhân lực đáp ứng xử lý các vấn đề về bảo mật trong một thời
gian ngắn.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 12/04/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét