Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

AR (thực tế tăng cường) ngày càng đi vào đời sống

Những năm gần đây thuật ngữ Thực tế tăng cường (AR: Augmented Reality) dần trở nên quen thuộc với mọi người. Từ chỗ là một công nghệ cao cấp chỉ ứng dụng trong các nghiên cứu khoa học hay các lĩnh vực công nghệ phức tạp thì giờ đây AR đã hiện diện trong rất nhiều mặt của cuộc sống. Ai cũng có thể tiếp cận AR, chỉ với chiếc smartphone nhỏ gọn của mình.

AR (Augmented Reality, thực tế tăng cường) và VR (Vitual Realty, thực tế ảo) khác nhau thế nào?

VR là công nghệ ra đời cách nay khá lâu, nó sẽ đưa bạn vào một thế giới hoàn toàn ảo do máy tính tạo ra. Trong các ứng dụng phổ biến, thế giới này có thể là một nhà bảo tàng, một phòng triển lãm hay một khu du lịch. Khi bạn đeo vào một chiếc kính đặc biệt VR bạn sẽ thấy được môi trường do máy tính tạo ra chung quanh mình, giống như bạn đang sống trong đó. Với VR, bạn có thể tham quan, khám phá các điểm đến ở rất xa trong khi chỉ ngồi yên một chỗ trong phòng của mình. Nếu có thêm những thiết bị chuyên dụng, như tay cầm chơi game, bạn có thể hoạt động trong môi trường ảo đó. Đây chính là các ứng dụng chơi game thực tế ảo.

AR là công nghệ được phát triển từ VR. Với AR, thế giới ảo do máy tính tạo ra sẽ được lồng vào thế giới thật đang ở trước mắt, ở xung quanh bạn. Các hình ảnh thực tế trước mắt bạn được “tăng cường” hoặc bổ sung thêm các thông tin ảo (khác với VR với môi trường hoàn toàn do máy tính tạo ra). Bạn không cần thiết bị hỗ trợ (như kính chuyên dụng) mà vẫn hoàn toàn có thể xem các hiệu ứng AR trên màn hình hiển thị của thiết bị mình. Ví dụ như bạn đang đắm mình trong bồn tắm tại nhà bỗng thấy có một chú cá heo tung tăng bơi trong đó (tất nhiên là trên màn hình thiết bị, bạn cũng có thể thay cá heo bằng nàng tiên cá, nếu ứng dụng bạn đang dùng có cài sẵn).

So sánh ví von, nếu như thực tế ảo đưa bạn đến một thế giới khác, thế giới trong mơ xa rời thực tại thì thực tế tăng cường mang cái thế giới ảo ấy đến ngay với hiện thực tại vị trí, tại thời điểm bạn đang sống với tất cả môi trường thực tế xung quanh hiện có.

Tuy nhiên, nếu muốn hòa nhập vào môi trường AR, bạn cần phải có chiếc kính chuyên dùng gọi là kính AR (ví dụ như kính Hololens của Microsoft), khi ấy bạn có thể trải nghiệm thực tế ảo ở cấp độ cao hơn với công nghệ MR (Mixed Reality) – thực tế hỗn hợp.

Những ứng dụng đời thường của AR

Có lẽ ứng dụng AR nổi tiếng nhất chính là trò chơi Pokemon Go từng nổi đình nổi đám trên toàn thế giới ra đời năm 2016. Trò chơi này sử dụng GPS và camera của thiết bị để tạo ra các con Pokemon ảo nằm lẩn khuất đâu đó trong thế giới thực của người chơi. Người chơi sẽ bắt, giao đấu, huấn luyện và trao đổi Pokemon ở thế giới thực. Pokemon Go được tải hơn 1 tỷ lần, tạo ra doanh thu trung bình 200.000 USD/ngày trong tháng 4-2019 và đạt được 800 triệu USD trong năm 2018.

Một ứng dụng thú vị và hữu ích của AR là mua đồ trang trí nội thất. Khi mua một món đồ nội thất như bàn ghế, điều khó khăn là bạn không biết món đồ ấy đặt trong phòng sẽ nhìn như thế nào. Ví dụ như công ty cung cấp đồ nội thất nổi tiếng IKEA của Thụy Điển (hiện đã có chi nhánh tại Việt Nam) đã cung cấp ứng dụng để giải quyết việc này. Bạn chỉ cần chạy ứng dụng, chọn loại sản phẩm (màu sắc, kiểu dáng…) rồi giơ điện thoại lên tìm chỗ thích hợp trong phòng, dùng ngón tay xoay tới xoay lui hình ảnh để xem xét vị trí thích hợp nhất, chụp ảnh lại nếu cần.


Chọn xem thử đồ nội thất và cách bố trí trong phòng nhờ AR. Ảnh chụp từ video clip của IKEA

Google có lẽ là nhà tiên phong trong việc ứng dụng AR vào đời sống, một phần là vì hiện nay ta sử dụng quá nhiều ứng dụng của Google như Google Tìm kiếm, Google Maps, Google Photos, Google Dịch…

Với Google Maps, thông tin thực tế là bạn đang đi trên đường, thông tin “tăng cường” là những thông tin chỉ đường xuất hiện ngay khi bạn đang di chuyển giúp bạn xử lý hành trình hiệu quả hơn.

Với Google Tìm kiếm, việc ứng dụng công nghệ AR không chỉ mang lại tiện lợi về thông tin hình ảnh trực quan cho người dùng mà còn thúc đẩy họ nghiên cứu khám phá thêm về những nội dung đó. Ví dụ như các nội dung AR trên Google Tìm kiếm về cơ thể người, hiển thị những bộ phận cơ thể rất trực quan để người dùng tương tác, từ bộ phận tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ thần kinh, hệ xương, hệ cơ cho đến hệ sinh sản nữ…hay  mặt cắt của tế bào động vật hoặc bộ đồ chuyên dụng của phi hành gia Neil Armstrong hay khoang điều khiển phi thuyền Apollo 11 giúp các sinh viên hay nhà nghiên cứu nắm được các kiến thức cần thiết ngay trên chiếc smartphone của mình. Mới đây, trên Google Tìm kiếm, phụ huynh có thể tìm kiếm một số loài động vật hoang dã và cho chúng xuất hiện ngay trong nhà của mình, gần hơn nữa là tìm kiếm hàng loạt khủng long kỷ Jura, tạo nên sự giải trí thích thú cho trẻ em.

Dùng Google Tìm kiếm để làm khủng long xuất hiện ngay trong vườn nhà. Ảnh: Android Headlines

Với Google Lens (có trên hầu hết smartphone Android và iOS) chỉ cần giơ máy về hướng đối tượng nào là ta sẽ có ngay thông tin về đối tượng đó. Với tính năng Dịch trong Google Lens, giơ máy về hướng đối tượng có tiếng nước ngoài (bất kể tiếng gì) thì hình ảnh đối tượng đó hiện trên màn hình với những dòng chữ là tiếng Việt.

Công nghệ AR sẽ ngày càng phát triển và gần gũi với cuộc sống hơn

Khách du lịch giơ máy ảnh lên và AR sẽ cung cấp ngay thông tin về những đối tượng trong ảnh để khách dễ dàng xử trí. (Ảnh: towardsdatascience.com)

Trên đây là một số ứng dụng công nghệ AR đã đi vào thực tiễn. Công nghệ này được dự báo là sẽ ngày càng phát triển vào nhiều lĩnh vực đời sống, hướng đến một thị trường có tiềm năng to lớn. Cổng thông tin thống kê Statista (Đức) ước tính trị giá thị trường này là 18 tỷ USD năm 2023, còn công ty nghiên cứu thị trường Markets and Markets thì dự báo thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh theo năm, dự kiến giá trị thị trường có thể đạt đến 72,7 tỷ USD vào năm 2024 với các tên tuổi đầu ngành như Google, Microsoft, Apple, Facebook, Samsung Electronics,…

Phạm Hoài Nhân
Đồng Nai Cuối tuần - 26/07/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét