Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Dùng Google để tìm khủng long trong nhà bạn


Cuối quý 1 năm nay, người sử dụng smartphone đã hết sức hào hứng với ứng dụng Google 3D Animals, qua đó người sử dụng có thể cho “xuất hiện” và tương tác với rất nhiều loại động vật ngay trong nhà của mình, như hổ, cá sấu, chó… Google vừa bổ sung vào danh sách các loài thú này hàng chục loại động vật độc đáo, đó là loài khủng long. Lần này công nghệ được cải tiến để mang lại những cảm giác thật hơn nữa.

Một số loài khủng long và cảnh tái hiện chúng trên bờ biển, cánh đồng, đường phố


Dùng công nghệ thực tế tăng cường đưa loài khủng long tiền sử về thế giới hiện tại

Khủng long từng là sinh vật thống trị trái đất nhưng đã tuyệt chủng hàng chục triệu năm qua. Hình ảnh những con thú khổng lồ hung tợn luôn kích thích trí tưởng tượng và óc tò mò của biết bao người, nhất là trẻ em. Được đến gần, sống chung với khủng long và chụp ảnh, quay phim với chúng quả là trải nghiệm đầy phấn khích! Điều đó đã có thể thực hiện, chỉ cần trên smartphone của bạn có thể tìm kiếm bằng Google. Với công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality: AR) được ứng dụng trong Google Tìm Kiếm, giờ đây mọi người có thể du hành về thời tiền sử và biến khu vườn của mình thành Công viên Kỷ Jura.

Google đã kết hợp với Bộ phận Phát triển Thương hiệu Universal, Amblin Entertainment và game studio Ludia, dùng công nghệ AR để mang 10 loài khủng long từ bộ phim Thế giới Kỷ Jura ra ngoài đời thật. Từ những thông tin khám phá về loài khủng long của các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã phác thảo ra những hình ảnh tĩnh của từng chủng loài khủng long. Các chuyên gia đồ họa tạo nên hình ảnh 3D động, mỗi ảnh được kết hợp từ hàng trăm ảnh tĩnh, cùng hàng chục ngàn đa giác lưới để tạo nên một khuôn mẫu khủng long 3 chiều gần với thực tế. Tất cả kết hợp lại thành một bộ sưu tập “công viên khủng long” hoành tráng trong Google Tìm kiếm, với công nghệ AR sẽ đem đến sự tương tác tuyệt vời giữa các ảnh đồ họa động 3 chiều (3D) gắn kết với hình ảnh môi trường thực tế xung quanh.

Bạn sẽ giật mình khi nghe tiếng dậm chân thình thịch và rồi một con khủng long bạo chúa T-Rex khổng lồ thò đầu vào phòng khách nhà mình; hoặc hoảng hốt ngẩng đầu lên thấy một con Brachiosaurus cao sừng sững vươn lên khỏi những cây cối quanh khu vườn nhà.

Cách xem các loài khủng long trên thiết bị di động

Dùng Google tìm kiếm đúng với từ khóa cần thiết, ở kết quả tìm kiếm hãy nhấn vào “Xem ở chế độ 3D”

Trên Google Tìm kiếm bạn chỉ cần nhập đúng tên loài khủng long bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh rồi xem trong Kết quả tìm kiếm, nhấn vào “Xem ở chế độ 3D”. Hiện nay có 10 loại khủng long có thể xem ở chế độ AR như sau: Dinausaur hoặc Tyrannosaurus hoặc T-Rex (khủng long, khủng long bạo chúa), Velociraptor (khủng long raptor), Triceratops (khủng long ba sừng), Spinosaurus (khủng long thằn lằn gai), Stegosaurus (khủng long thằn lằn mái nhà), Brachiosaurus (khủng long lôi long), Ankylosaurus (khủng long thằn lằn hợp nhất), Dilophosaurus (khủng long hai mào), Pteranodon (thằn lằn bay không răng) và Parasaurolophus (thằn lằn mào gần). Đây cũng là những loài khủng long được người Việt tìm kiếm trên Google nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây, dẫn đầu là loài khủng long bạo chúa Tyrannosaurus (T-Rex)

Khi Xem ở chế độ 3D bạn có thể xoay hoặc phóng to và xem cận cảnh từng chi tiết từ làn da sần sùi đến từng nếp gấp trên cơ thể những con khủng long khổng lồ. Bạn cũng có thể mang những chú khủng long này ra không gian xung quanh với công nghệ AR và điều chỉnh kích thước mô hình để thấy được tỷ lệ cơ thể của chúng so với cảnh vật xung quanh mình. Để tận hưởng cảm giác thật hơn nữa, hãy mở loa ngoài của điện thoại và nghe âm thanh của những tiếng dậm chân ầm ầm hay tiếng gầm vang dội của từng loài khủng long.

Bạn có thể xem nội dung 3D trên các thiết bị có Android 7 Plus trở lên và bạn có thể thấy nội dung AR trên các thiết bị hỗ trợ ARCore. Nhìn chung thì đây là hầu hết các loại smartphone đang có trên thị trường nhưng… không phải là tất cả, nhất là tính năng hỗ trợ ARCore. Để biết thiết bị của mình có hỗ trợ ARCore hay không bạn có thể vào xem danh sách thiết bị hỗ trợ ARCore tại: https://developers.google.com/ar/discover/supported-devices

Bạn cũng có thể tạo các video AR bằng cách nhấn và giữ nút chụp (nút tròn màu trắng trên màn hình). Khi đó, hệ thống sẽ quay video và vệt màu đỏ sẽ di chuyển dần theo vòng màu trắng trong khi quay cho tới hết vòng tròn là xong một clip dài 30 giây. Bạn có thể post clip lên Facebook hay YouTube.

Nhìn qua smartphone, bạn sẽ thấy có một khủng long đang xuất hiện trong nhà mình. Bạn có thể chụp ảnh, quay phim lại để post lên Facebook, YouTube.

Những mô hình khủng long được tạo ra như thế nào

Những mẫu khủng long được Google cung cấp là những mô hình khủng long AR thật nhất hiện có, lấy công nghệ từ trò chơi Jurassic World Alive của studio Ludia. 

Camilo Sanin, Trưởng bộ phận Sáng tạo Nhân vật của Ludia cho biết: “Để tạo ra những chú khủng long 3D, trước tiên các nghệ sĩ hình tượng của chúng tôi nghiên cứu sơ bộ để tìm hiểu thông tin về từng loài. Chúng tôi không chỉ tìm tòi từ nhiều thể loại văn học khác nhau, các nghệ sĩ của chúng tôi còn làm việc với các nhà cổ sinh vật học và đội ngũ của Jurassic World để thử nghiệm và tạo ra các hình ảnh chính xác và thực tế nhất có thể. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn như tính không đồng nhất của màu da và kết cấu bề mặt trên da, đều quan trọng.”

Khác với một số động vật 3D đã xuất hiện trên Google Tìm kiếm vài tháng trước như chó, sư tử, hổ…, khủng long AR có điều khác biệt, đó là kích thước khổng lồ của chúng. Vì vậy, Google đã bổ sung tính năng Tự động cân chỉnh Kích thước để tự động tính toán khoảng cách giữa smartphone của bạn và bề mặt trong không gian của bạn để thay đổi kích thước khủng long sao cho vừa với màn hình điện thoại. Nếu chọn “Xem kích thước thực tế”, công nghệ theo dõi AR sẽ tự động đặt lại vị trí mô hình khủng long trong không gian của bạn để chú khủng long có đủ chỗ vẫy vùng.

Thái Thư
Biên tập lại từ bài viết Travel back in time with AR dinosaurs in Search của Archana Kanna trên Google Blog, hình ảnh của Google.
Báo Đồng Nai - 06/07/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét