Điện thoại di động ra đời khiến cho chiếc điện thoại cố định cồng kềnh
ngày càng trở thành bất tiện và thừa thãi. Rồi điện thoại thông minh ra đời với
quá nhiều tính năng khiến chiếc điện thoại di động trở thành lạc hậu. Liệu đến
khi nào điện thoại thông minh (smartphone) sẽ trở thành đồ cổ? Và cái gì sẽ
thay thế nó? Dường như Mark Zuckerberg và Facebook đang tìm ra câu trả lời.
Facebook sắp ra mắt Oculus Quest 2, thế hệ mới của VR tất-cả-trong-1
Chúng ta quá quen thuộc với Facebook như là một mạng xã hội và đi kèm với nó là các ứng dụng như Instagram, Whatsapp… khiến nhiều người không để ý rằng Facebook còn sản xuất thiết bị phần cứng. Oculus là một thương hiệu của Facebook Technology, LLC, một công ty con của Facebook, chuyên sản xuất kính - tai nghe thực tế ảo, bao gồm các dòng Oculus Rift và Oculus Quest. Tuần trước, Facebook vừa giới thiệu Oculus Quest 2, sắp ra mắt vào 13-10 năm nay.
Facebook giới thiệu rằng Oculus Quest 2 là thế hệ mới của thiết
bị thực tế ảo tất-cả-trong-1 (All-in-One VR). Oculus Quest đã thay đổi cuộc
chơi cho VR (virtual reality: thực tế ảo) không dây. Nó mang lại trải nghiệm
mới cho những người đam mê và cơ hội mới cho các nhà phát triển, đồng thời giới
thiệu trò chơi nhập vai cho những người mới trên toàn cầu. Quest 2 có bộ điều
khiển cảm ứng mới và màn hình có độ phân giải cao nhất từ trước đến nay. Quest
2 có giá khởi điểm 299 USD - thấp hơn 100 USD so với Quest 1.
Quest 2 có một loạt các cải tiến để cung cấp sức mạnh cho
thế hệ trò chơi và trải nghiệm VR tiếp theo. Với Quest 1, Oculus đã ra mắt một dạng
thức All-in-One mang tính cách mạng được hỗ trợ bởi những cải tiến như hệ thống
theo dõi Oculus Insight. Với Quest 2, Oculus còn tiến xa hơn nữa, bắt đầu bằng
bước nhảy vọt về sức mạnh xử lý của nhiều thế hệ với nền tảng Qualcomm®
Snapdragon ™ XR2 hiện đại cung cấp khả năng AI (trí tuệ nhân tạo) cao hơn và
6GB RAM. Màn hình mới có độ phân giải 1832 x 1920 pixel mỗi mắt (màn hình có độ
phân giải cao nhất hiện nay của Oculus). Với số pixel nhiều hơn 50% so với Quest
1, mọi thứ từ trò chơi nhiều người chơi và ứng dụng năng suất đến video 360°
trông đẹp hơn bao giờ hết.
Oculus là gì? Tại sao Facebook lại thâu tóm Oculus?
Oculus là một công ty được thành lập vào tháng 7-2012 tại
Irvine, California. Công ty này cung cấp kính - tai nghe thực tế ảo (VR
headset, dịch là tai nghe theo thói quen tại Việt Nam, thực chất đây là thiết bị
đeo vào đầu vừa là tai nghe vừa là kính đeo mắt) được thiết kế cho trò chơi
video. Tháng 3-2014, Facebook đã mua lại Oculus VR với giá 2,3 tỷ USD, một cái
giá khá cao ở thời điểm đó.
Zuckerberg có kế hoạch gì khi mua Oculus VR? Ta quay lại một
chút về thời điểm cuối năm 2016, đầu năm 2017, khi ấy công ty Zenimax đâm đơn
kiện Oculus VR đã đánh cắp công nghệ của họ. Vì khi ấy Facebook đã sở hữu
Oculus nên Mark Zuckerberg phải ra hầu tòa tại Dallas, Texas để làm chứng cho Oculus.
Một số câu trả lời của Mark trước tòa đã cho thấy mục đích của Facebook khi thâu
tóm Oculus.
Khi được hỏi tại sao Facebook không tham gia vào cuộc đua
smartphone, vì Facebook được thành lập vào 2004, thời điểm mà smartphone đang
tạo ra một làn sóng mới trong giới công nghệ, Mark Zuckerberg trả lời: “Chính
vì thời điểm được thành lập, Facebook quyết định không theo đuổi việc phát
triển hệ điều hành và smartphone. Các công ty như Google và Apple đã làm điều
này trước chúng tôi. Ở một khía cạnh nào đó, điều này ngăn cản chúng tôi đem
lại trải nghiệm tốt nhất tới người dùng.”
Điều mà Zuckerberg muốn nói chính là: dù smartphone đang phát
triển rất mạnh và đem lại doanh thu quảng cáo rất lớn cho Facebook, nhưng làn sóng
này bị những công ty như Apple, Google, Samsung kiểm soát chứ không phải
Facebook. Apple và Google mới là chủ nhà, Facebook chỉ là một vị khách.
Do đó, Facebook đang đánh cược cả tương lai của mình vào
thực tế ảo và thực tế tăng cường (VR và AR). Công nghệ này cho phép gắn các
thông tin ảo lên đồ vật ngoài thế giới thật và giúp con người tương tác với
chúng. Đích đến cuối cùng của Facebook chính là thay thế hoàn toàn smartphone
bằng các loại kính và kính áp tròng có tích hợp công nghệ VR, AR.
Tại sao phải dí mắt vào màn hình nhỏ xíu của smart phone?
Mới đây, khi trò chuyện với blogger công nghệ Marques
Brownlee, Mark Zuckerberg đã bộc lộ ý tưởng:
Những chiếc điện thoại trong túi chúng ta đã khá tuyệt.
Smartphone giờ đây như một chiếc máy tính cực mạnh, nhưng nó chưa phải tất cả.
Điện thoại kéo người dùng ra khỏi thế giới thực bằng những trải nghiệm sống
động. Tất cả đều xoay quanh một màn hình tương đối nhỏ.
Hạn chế của điện thoại, máy tính bảng hay màn hình TV là
người dùng phải thuyết phục não bộ rằng mình đang đứng trước một khung cảnh
được “tái hiện” chứ họ không thật sự “hiện diện” tại đó. Nhưng với VR và AR,
hạn chế này sẽ khắc phục. Bản chất của thực tế ảo và thực tế tăng cường là mang
lại cho người dùng cảm giác họ thật sự hiện diện ở đó cùng những người khác với
những xúc cảm hoàn toàn bình thường.
VR và AR sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới
đắm chìm hơn so với việc tập trung vào màn hình hiện sẵn. Công nghệ mới sẽ cho
phép tâm trí người dùng tin rằng họ đang thực sự ở một không gian khác. Các
thiết bị thực tế ảo có thể trình chiếu các bối cảnh, con người, đồ vật trong
thời gian thực và cho phép các giác quan cảm nhận trực tiếp, bao gồm cả âm
thanh và xúc giác.
Horizon, trải nghiệm thực tế ảo của Facebook
Tháng trước, Facebook vừa giới thiệu Horizon, nền tảng trải
nghiệm thực tế ảo của mình. Người dùng đeo kính Oculus và sử dụng Horizon sẽ cảm
nhận, tiếp xúc với những người khác qua môi trường ảo. Hàng loạt vấn đề như tiếp
thị, hội thảo, học tập, du lịch… sẽ được xử lý trong khung cảnh như thật, xúc cảm
như thật, âm thanh như thật…
Như vậy, với sự ra mắt của Oculus Quest 2 cùng Horizon, dường
như Facebook đang đi từng bước tiến đến việc loại bỏ smartphone để thay bằng các
thiết bị thực tế ảo như dự đoán của Zuckerberg. Sẽ đến một ngày người ta không
phải dùng đến smartphone nữa, tức là không phải nhìn vào màn hình bé nhỏ của nó,
không phải áp vào tai để nghe nữa mà người ta sẽ đeo các kính – tai nghe VR để
nhìn thấy người đối thoại như đang ở trước mặt, nói chuyện trực tiếp và bắt tay,
chào hỏi…
Chưa biết còn bao lâu điều này sẽ biến thành sự thực, nhưng
chắc chắn sẽ có một ngày chiếc điện thoại thông minh của chùng ta sẽ trở thành…
ngu đần và là món đồ cổ không còn giá trị sử dụng.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 28/09/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét