Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Khám phá thế giới văn hóa - nghệ thuật với Google Art & Culture

Nếu bạn làm người mẫu cho danh họa Vincent Van Gogh vẽ tranh thì bức tranh ấy sẽ ra sao? Nếu bạn đeo một chiếc vòng cổ Ai Cập thời cổ đại thì trông thế nào? Cài đặt ứng dụng Google Art & Culture trên smartphone sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi trên.

Google Art & Culture là gì?

Google Arts & Culture (trước đây là Google Art Project) là một nền tảng trực tuyến mà qua đó công chúng có thể xem các hình ảnh và video có độ phân giải cao về các tác phẩm nghệ thuật và hiện vật văn hóa từ các tổ chức văn hóa trên khắp thế giới. Đây là một sáng kiến phi lợi nhuận được Viện Văn hóa Google, trực thuộc tập đoàn Google, phát triển và ra mắt từ tháng 2-2011.

Google Arts & Culture hợp tác với các tổ chức văn hóa và các nghệ sĩ trên khắp thế giới với sứ mệnh là bảo tồn và đưa các tác phẩm văn hóa nghệ thuật lên mạng để mọi người có thể truy cập bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Điều độc đáo là Google Arts & Culture luôn ứng dụng những công nghệ mới nhất như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) giúp người xem có thể tiếp cận được văn hóa nghệ thuật theo một cách thức mới mẻ, có khi còn thú vị hơn cả đi tham quan ngoài thực tế.

Người dùng có thể truy cập vào website Google Arts & Culture, hoặc tải về thiết bị di động của mình ứng dụng Google Arts & Culture, có sẵn trên kho ứng dụng Android lẫn iOS. Tất cả đều miễn phí.

Khám phá những gì trên Google Arts & Culture?

Trang chủ Google Arts & Culture trên máy tính

Vào trang Google Arts & Culture (trên máy tính) hay mở ứng dụng (trên thiết bị di động) người xem có thể tìm hiểu vô số vấn đề về văn hóa, nghệ thuật. Hiện giờ, trên Google Arts & Culture có:

-        Hình ảnh và thông tin của trên 100.000 tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm (tranh, tượng điêu khắc, công trình kiến trúc…) được chụp/quay video với độ phân giải cao, mỗi tác phẩm đều đi kèm với diễn giải chi tiết. Nhiều tác phẩm trong số đó – nhất là các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc – được xử lý dưới dạng 3D giúp người xem có thể xoay và tìm hiểu nhiều góc cạnh (lăng Tự Đức của Việt Nam nằm trong số này). Đặc biệt một số tranh còn đi kèm… âm thanh, giúp người xem cảm nhận sâu sắc hơn khung cảnh của tranh. Ví dụ: Bức tranh vẽ công viên bên bờ sông có thể kèm theo tiếng sóng vỗ, tiếng mái chèo khua nước, tiếng kèn của người nhạc công chơi nhạc bên sông…

-        Hình ảnh và thông tin của trên 2.000 bảo tàng trên khắp thế giới. Một số bảo tàng có đủ thông tin thực tế ảo để người xem có thể làm một chuyến tham quan ảo, giống như đang tham quan bảo tàng ngoải đời thực.

-        Hơn 10.000 hình ảnh 3D của các phong cảnh đường phố của các địa điểm nổi tiếng trên thế giới.

Tham quan bảo tàng Hermitage ở St. Peterbourg (Nga) bằng công nghệ thực tế ảo.

Google Arts & Culture còn có thêm những tính năng giải trí thú vị như:

-        Art transfer: Chọn một bức ảnh của bạn và chuyển nó thành tranh cổ điển

-        Art  selfie: Chụp ảnh selfie của bạn và xem nó giống với những bức tranh chân dung nổi tiếng nào trên thế giới.

-        Các câu đố giúp bạn tìm hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật…

Chơi đùa với Art Filter để tìm hiểu về văn hóa

Tuần trước ứng dụng Google Arts & Culture trên thiết bị di động vừa ra mắt một tính năng mới rất thú vị mang tên Art Filter (tạm dịch Bộ lọc nghệ thuật).

Tham quan các viện bảo tàng, bạn có thể chiêm ngưỡng các cổ vật cực kỳ quý hiếm như chiếc vòng đeo cổ Ai Cập Faience có niên đại hơn 1.000 năm trước công nguyên, chiếc mũ sắt của chiến binh Samurai Nhật Bản, chân dung tự họa của danh họa Vincent Van Gogh… Những cổ vật ấy bạn chỉ được nhìn chứ không được chạm tới, đừng nói chi tới việc cầm lên xem. Thế nhưng với Art Filter bạn thậm chí có thể đeo chiếc vòng Faience lên cổ, đội chiếc mũ Samurai lên đầu hay thay nhân vật trong bức tranh tự họa của Van Gogh bằng chính bạn với phong cách vẽ của Van Gogh. Bạn có thể quay lại những clip ngắn hay chụp ảnh về trải nghiệm ấy để khoe với bạn bè.

Hiện giờ, Google Arts & Culture chỉ mới tạo được 5 bộ lọc là vòng đeo cổ Ai Cập Faience (1352-1327 trước công nguyên), mũ sắt Samurai Nhật Bản (thế kỷ 19), chân dung tự họa của Van Gogh (1889), chân dung tự họa của Frida Kahlo (1938), tranh cô gái đeo ngọc trai của Johannes Vermeer (1665).

Việc sử dụng Art Filter gần giống như bạn chụp ảnh selfie. Trước hết, bạn mở ứng dụng Google Arts & Culture trên thiết bị di động (tính năng này không dùng được trên máy tính), nhấp vào nút tròn ở phía dưới màn hình rồi chọn Art Filter. Chọn 1 trong 5 bộ lọc hiện ra ở phía dưới màn hình. Bây giờ trên màn hình sẽ hiện ra hình ảnh selfie của bạn, nhưng thay vì là ảnh selfie bình thường thì là ảnh bạn đang mang những cổ vật hay được thể hiện với phong cách vẽ của những danh họa nổi tiếng ngày xưa. Bạn có thể lưu lại clip hay ảnh để sử dụng sau này.

Trong trải nghiệm mới lạ này, mỗi bộ lọc đều được thiết kế cẩn thận để bạn có thể khám phá các hiện vật với chi tiết chất lượng cao từ mọi góc độ. Trước khi thử bộ lọc, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về bộ lọc như lịch sử, đặc điểm... Art Filter áp dụng trí tuệ nhân tạo để tạo nên sự liên kết giữa nội dung ảo với thế giới thực. Thông qua cách tiếp cận này, các hiện vật có thể tự định vị một cách hữu cơ và thuận lợi trên đầu của bạn hoặc phản ứng với nét mặt của bạn.

Bật tính năng Art Filter và chọn một Filter (ở đây là chân dung tự họa của Van Gogh), ảnh/clip của bạn sẽ hiện trên màn hình thông qua bộ lọc đó.

Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai cuối tuần - 18/10/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét