Ngày 7-10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi các Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an về việc
nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí,
giật gân nhằm kiếm tiền.
Video nhảm nhí tràn lan trên mạng xã hội, chủ yếu là
YouTube
Tình trạng video nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng đã có
từ lâu và đã từng được các cơ quan chức năng ra tay “dọn dẹp” như trường hợp các
kênh YouTube của Khá Bảnh, Dương Minh Tuyến… đã bị xử lý hồi giữa năm 2019. Sau
một thời gian tạm lắng, các video dạng này lại bùng phát mạnh mẽ. Đáng chú ý là
có vài kênh lúc đầu khá thu hút người xem và nội dung không có gì đáng chê trách,
nhưng khi đã có lượng khán giả đủ lớn (và tương ứng là thu tiền quảng cáo khá
nhiều) và nội dung cạn kiệt thì lại phát triển theo chiều hướng nhảm nhí để tiếp
tục thu hút người xem, như kênh Bà Tân Vlog. Gần đây nhất, kênh Hưng Vlog, do
Nguyễn văn Hưng – con trai của bà Tân Vlog – làm chủ, đã bị xử phạt vi phạm hành
chính liên tiếp 2 lần về hành vi chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ
tục.
Vì đâu nhiều người làm video nhảm nhí?
Mặc dù trong chỉ đạo của Thủ tướng nêu một cách chung nhất là
“Trên mạng xã hội tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân”, nhưng mọi
người đều hiểu các video này được tải lên và được xem nhiều nhất trên YouTube.
Việc xử lý tình trạng này đã được chính phủ giao cho bộ Thông tin & Truyền
thông và bộ Công An và chúng ta chờ đợi các cơ quan này có những giải pháp tích
cực. Bên cạnh đó, ta cần tìm hiểu nguyên nhân và cơ chế dẫn đến tình trạng lan
truyền video nhảm nhí này để có thái độ phù hợp.
Chung quy lại, nguyên nhân khiến người ta làm ra video nhảm
nhí là vì TIỀN. Video càng có nhiều người xem thì càng thu hút quảng cáo, càng
có nhiều quảng cảo thì người đăng video càng được chia nhiều tiền. Cơ chế thanh
toán tiền quảng cáo trên YouTube thể hiện theo sơ đồ sau:
-
YouTube căn cứ theo đặc điểm và lượng người xem của các
video được đăng trên nền tảng của mình để quyết định phân bổ các quảng cáo đó vào
video nào (bằng chương trình tự động).
-
Quảng cáo xuất hiện trên kênh của nhà sáng tạo, và khi
người dùng có tương tác với quảng cáo đó thì chi phí được tính cho nhà quảng cáo.
-
YouTube thanh toán cho nhà sáng tạo một tỷ lệ % từ số
tiền được hưởng, tùy theo số lượng tương tác của người xem với quảng cáo trên
video của nhà sáng tạo.
Như vậy vai trò của YouTube rất quan trọng, vì họ nắm túi tiền
của nhà sáng tạo nội dung. Nếu YouTube không chi tiền, nhà sáng tạo nội dung sẽ
không còn động lực phát hành video nhảm nhí nữa.
YouTube đã và sẽ làm gì?
YouTube có quy định các nguyên tắc cộng đồng, trong đó nêu rõ
những nội dung sau đây không được đăng trên YouTube:
- Ảnh khỏa thân hoặc nội
dung khiêu dâm
- Nội dung gây hại hoặc nguy
hiểm
- Nội dung kích động thù
địch
- Nội dung bạo lực hoặc đẫm
máu
- Quấy rối và đe dọa trên
mạng
- Spam, siêu dữ liệu gây
hiểu lầm và lừa đảo
- Đe dọa
- Các nội dung vi phạm bản
quyền, vi phạm tính bảo mật, mạo danh…
Có vài vấn đề cần bàn đối với những quy định này.
Thứ nhất, với hàng triệu video được tải lên mỗi ngày,
YouTube không thể nào kiểm soát được 100% các nội dung vi phạm nêu trên.
Thứ hai, trong các nội dung bị cấm không có nội dung nhảm
nhí. Các nội dung nhảm nhí chỉ bị cấm khi nó gây hại và nguy hiểm thôi,
và điều này dựa phần lớn vào phản ánh của dư luận. Nếu bạn phát hiện nội dung
vi phạm chính sách này, việc cần làm là báo cho YouTube về nội dung đó để họ
xem xét.
Đối với các video, kênh video vi phạm, biện pháp của YouTube
là khóa video, kênh video đó, nghĩa là không cho phát trên nền tảng YouTube nữa.
Ngoài ra còn một biện pháp “nhẹ nhàng” hơn, đó là khóa tính năng Kiếm tiền. Như
đã nói trên, video kiếm tiền nhờ YouTube đưa các quảng cáo lên đó. Muốn được phân
bổ các quảng cáo thì video phải được bật tính năng Kiếm tiền. Nếu bị khóa tính
năng Kiếm tiền thì người tạo video sẽ… không còn động lực để tạo video nữa!
Vai trò của nhà trung gian: Mạng đa kênh (MCN: Multi
Channel Network)
Có thể xem nhà sáng tạo nội dung video như người bán lẻ,
YouTube là nhà sản xuất chính, còn các MCN là các đại lý. Đại lý (MCN) nhận
hàng hóa (là các mẫu quảng cáo) từ nhà sản xuất (YouTube) và phân phối chúng
đến các nhà bán lẻ của mình (các nhà sáng tạo nội dung). MCN sẽ nhận đủ số tiền
quảng cáo do YouTube chi ra và sau đó họ chi lại cho người tạo nội dung từ 70 –
95% số tiền này. Như vậy, một YouTuber đăng ký qua MCN sẽ nhận được tiền ít hơn
so với đăng ký trực tiếp qua YouTube. Tuy nhiên, nhiều YouTuber vẫn chọn đăng
ký qua MCN vì nhiều lý do:
-
Họ không thể đăng ký trực tiếp qua YouTube.
-
Họ được các MCN bảo vệ quyền lợi về bản quyền, như ngăn
chặn việc người khác tải lại video của họ.
-
MCN có thể chủ động đưa thêm các quảng cáo vào video,
giúp tăng doanh thu.
Tại Việt Nam chỉ có khoảng 5 MCN mà thôi, và trừ các kênh
video lớn làm việc trực tiếp với YouTube đa số đều làm việc thông qua các MCN.
Ví dụ Hưng Vlog nói trên tham gia YouTube thông qua MCN là Điền Quân Network. Thông
qua các MCN này ta có thể kiểm soát nội dung các video đưa lên YouTube thuận tiện
hơn chính YouTube kiểm soát.
Vai trò quan trọng nhất: Người xem
YouTube hay MCN có quyền kiểm soát nội dung video đưa lên
YouTube nhưng họ vẫn có thể bỏ sót, và điều này mới quan trọng: cho dù là khóa
hẳn video hay khóa tính năng Kiếm tiền thì hậu quả chung vẫn là YouTube hay MCN
mất khoản thu từ nhà quảng cáo. Điều đó khiến họ không mạnh tay trong việc dẹp
bỏ các video nhảm nhí.
Vai trò quan trọng nhất còn lại chính là người xem. Nếu người
xem không xem thì video sẽ không có quảng cáo, người tạo nội dung sẽ không có
doanh thu từ video của mình và như vậy mục đích của họ khi tạo các video nhảm
nhí này không đạt được. Họ sẽ không còn động lực tạo video như thế nữa và nó sẽ
tự triệt tiêu thôi.
Nếu chủ động hơn nữa, khi phát hiện ra video vi phạm, người
xem báo cáo ngay với YouTube (xem phần trên), điều đó sẽ góp thêm phần đẩy lùi
các video nhảm nhí này.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 12/10/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét