Giữa lúc cả nước xót thương và đau lòng cho đồng bào hoạn nạn trong cảnh lũ lụt thì có một số người lợi dụng tâm trạng ấy tải lên những bức ảnh không đúng với sự thật để khơi gợi sự thương tâm của cộng đồng. Không ít người bị “mắc lừa” và vô tình tiếp tay lan truyền những điều sai lệch ấy. Làm sao để ta có thể nhận ra những ảnh ấy không đúng sự thật và không tiếp tay lan truyền chúng một cách ngờ nghệch?
Ảnh không lừa dối, nhưng người lừa dối và… mắc lừa
Có lẽ phổ biến nhất là 2 bức ảnh trên. Ảnh 1 được chú thích
là tình cảnh khốn khó của một cháu bé ở vùng lũ lụt của Việt Nam hiện giờ, nhưng
thực chất là ảnh một chú bé Thái Lan nghịch bùn bị dính bùn đầy người, chụp cách
đây 4 tháng. Ảnh 2 được chú thích là người mẹ ôm con chết trong nạn lũ làm sập
nhà ở Quảng Trị mới đây, nhưng thực chất là tác phẩm điêu khắc tưởng niệm một tai
nạn động đất xảy ra ở Trung quốc năm 2010.
Đọc những lời chú thích đầy thương cảm (bịa đặt) của kẻ đăng
ảnh, nhiều người – trong đó có cả những người nổi tiếng, có uy tín trong cộng đồng
- đã xúc động và tiếp tục lan truyền ảnh đi với nội dung bịa đặt ấy mà không hề
biết mình bị lừa. Thậm chí, có người còn… làm thơ để bày tỏ tình cảm. Tiếp tục,
người xem bức ảnh thấy rằng nó do người có uy tín chia sẻ càng tin ngay là thật
và vội vàng chia sẻ tiếp mà không cần kiểm chứng.
Bài viết này không đi sâu phân tích hay phê phán hành vi phát
tán thông tin sai lệch, cũng không nêu lên tác hại của hành vi này, mà chỉ trả
lời câu hỏi: Làm sao biết đó là thông tin không đúng sự thật để khỏi mắc lừa?
Làm sao biết đó là thông tin không đúng sự thật?
Khi xúc động thì khả năng suy xét của chúng ta giảm xuống và
dễ tin. Đó là lý do các hình ảnh đau thương, gây mủi lòng dễ được chấp nhận là
thật mà không cần suy xét. Nếu chúng ta giữ bình tĩnh, không vội vã và phân tích
kỹ thì có thể phát hiện ra điểm vô lý. Ví dụ: ở ảnh 1, nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy mặt
đất khô ran, lá bắp (ngô) sau lưng cậu bé sạch trơn, như vậy nếu nói đây là cảnh
nơi lũ dữ đang hay vừa mới hoành hành là điều vô lý. Ở ảnh 2 còn dễ phát hiện hơn
nữa, góc dưới bên phải ảnh vẫn còn nguyên hàng chữ tiếng Trung, như vậy đâu phải
xuất xứ ảnh là ở Quảng Trị?
Có một cách dễ hơn và cũng chính xác hơn để phát hiện nguồn
gốc của ảnh, đó là dùng công cụ tìm kiếm bằng ảnh của Google. Công cụ này cho
phép ta tìm xem một bức ảnh hoặc ảnh tương tự đã có xuất hiện ở những nơi đâu
trên các trang web toàn thế giới. Ví dụ, tìm xem ảnh 2 ở trên đã từng xuất hiện
nơi đâu, ta có kết quả như sau:
Qua kết quả tìm kiếm, ta có thể dễ dàng thấy được xuất xứ của
ảnh và kết luận được ngay thông tin do ai đó đưa lên là đúng hay sai.
Việc tìm kiếm bằng hình ảnh hết sức đơn giản nếu bạn đang sử
dụng trình duyệt Chrome. Cụ thể, nếu bạn đang xem một trang web và thấy một hình
ảnh mà bạn nghi ngờ không biết xuất xứ thế nào, hãy nhấp chuột phải vào hình ảnh
đó và chọn Tìm kiếm hình ảnh trên Google, bạn sẽ thấy ngay kết quả tương
tự như hình trên.
Nếu bạn không sử dụng trình duyệt Chrome hoặc hình ảnh mà bạn
muốn tìm kiếm không phải nằm trên một trang web thì thực hiện trình tự tìm kiếm
bằng hình ảnh như sau:
-
Trên máy tính, mở một trình duyệt web (như Chrome,
Firefox hoặc Safari).
-
Truy cập vào Google Hình ảnh (http://images.google.com).
-
Nhấp vào biểu tượng Tìm kiếm bằng hình ảnh.
-
Nhấp vào Tải ảnh lên sau đó Chọn tệp hoặc
Duyệt tìm (Upload an image > Choose file hoặc Browse).
-
Chọn hình ảnh từ máy tính.
-
Nhấp vào Mở hoặc Chọn (Open hoặc Choose).
Đọc thì thấy hơi dài một chút, nhưng thật ra các động tác này
thực hiện rất nhanh, chỉ từ vài giây đến một hai phút. Có lẽ là bạn sẽ không tiếc
vài phút kiểm tra để xác định độ xác thực của một thông tin. Ngoài ra khi tìm
kiếm bằng hình ảnh như vậy có thể bạn sẽ tìm thấy những thông tin bất ngờ đầy
thú vị.
Cũng cần nói thêm là công dụng chính của công cụ tìm kiếm bằng
hình ảnh không phải là tìm xuất xứ của một bức ảnh, mà là tìm kiếm thông tin về
hình ảnh đó. Ví dụ như thấy một bông hoa không biết là hoa gì, hình ảnh một con
thú không biết là thú gì bạn sẽ dùng công cụ này để tìm kiếm thông tin về bông
hoa, loài thú đó trên mạng. Hiện nay, bên cạnh Tìm kiếm bằng hình ảnh trên
máy tính, Google còn cung cấp công cụ Google Lens để tìm kiếm bằng hình ảnh
dùng smartphone hoặc máy tính bảng (đã giới thiệu trên báo Đồng Nai ngày
11-5-2020, http://baodongnai.com.vn/xahoi/202005/google-lens-da-hay-cang-hay-hon-3002847/).
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 26/10/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét