Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Hacker sa lưới

Ngày 14-7-2015, Bộ Tư pháp Mỹ công bố hacker người Việt Ngô Minh Hiếu bị tòa án New Hampshire tuyên án 13 năm tù vì những cáo buộc tổ chức thâm nhập và buôn bán thông tin cá nhân. Gần như đồng thời, tại Việt Nam, công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã bắt giữ Trương Quý Pháp với những hành vi phạm tội tương tự.

Vụ án Ngô Minh Hiếu

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa công bố, Ngô Minh Hiếu, 25 tuổi, đã thu 2 triệu USD sau khi ăn cắp các dữ liệu cá nhân và bán lại cho các nhóm tội phạm mạng khác.

Ngô Minh Hiếu. Ảnh: KrebsOnSecurity.com

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Viber đóng cửa văn phòng tại Việt Nam

Khá bất ngờ, trong tuần qua Viber tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cần nhắc rằng Viber là ứng dụng OTT (ứng dụng gọi điện/nhắn tin qua mạng Internet miễn phí) được sử dụng nhiều bậc nhất tại Việt Nam (chỉ sau Zalo).

Văn phòng đại diện Viber tại Việt Nam chính thức có mặt từ tháng 1/2014, tuy nhiên ứng dụng OTT Viber đã được người Việt sử dụng trước đó khá lâu, là một trong những ứng dụng OTT đầu tiên và được ưa chuộng nhất. Theo công bố của Viber, ứng dụng này hiện có 23 triệu người dùng, chiếm 60% thị phần tại Việt Nam. Công bố này có vẻ mâu thuẫn với dữ liệu được công bố bởi Zalo trước đó, là vào cuối năm 2014 Zalo có 20 triệu người dùng, chiếm thị phần áp đảo, tiếp theo ngay sau là Viber với 12 triệu người dùng. Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Giám đốc Văn phòng đại diện Viber Việt Nam, giải thích: “Viber thống kê thành viên dựa trên các hoạt động thực của họ trong tháng, chứ không đơn thuần chỉ đếm số lượng người đăng ký tài khoản”. Dù thế nào, điều hiển nhiên là Viber chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam, vì thế việc Viber đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam chỉ sau hơn một năm rưỡi khai trương khiến dư luận phải băn khoăn.

Cách đây chưa lâu, Viber chính thức có mặt tại Việt Nam và có màn ra mắt khá hoành tráng

Giao hàng: khâu sống còn của bán hàng online

Hiện nay, mua bán qua mạng tại Việt Nam đang ngày một phát triển, vì nó đem lại lợi ích cho cả người bán lẫn người mua. Người bán không cần có cửa hàng mà vẫn có thể giao tiếp được với người mua ở mọi nơi. Người mua không cần đến cửa hàng, chỉ cần lướt web là có thể đặt mua món hàng cần thiết. Thế nhưng để hoàn tất một phi vụ mua bán thì phải có công đoạn giao hàng của người bán cho người mua. Đây là khâu quan trọng, quyết định sự sống còn của một đơn vị mua bán online.

Những giải pháp giao hàng

Các đơn vị bán hàng online chọn một trong hai giải pháp giao hàng: tự mình tổ chức đội ngũ nhân viên giao hàng hoặc thuê  đơn vị làm dịch vụ giao hàng chuyên nghiệp.
Tổ chức đội ngũ giao hàng là giải pháp chủ động nhưng tạo nên sự cồng kềnh trong quản lý. Đối với việc phát triển địa bàn bán hàng ra nhiều tỉnh thành, quận huyện xa xôi thì phát sinh ra điều mâu thuẫn. Nhờ bán hàng online nên bán được hàng cho nhiều nơi xa xôi, nhưng ngược lại tổ chức giao hàng những nơi ấy lại quá tốn kém, không còn hiệu quả kinh tế nữa.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Luật An toàn thông tin ra trước Quốc hội

Hiện nay, an toàn thông tin (ATTT) đã trở thành vấn đề cấp thiết, mang ý nghĩa sống còn của các quốc gia, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa có được một văn bản đầy đủ, chuyên biệt về ATTT. Vì vậy, Bộ Thông tin & Truyền thông đã đưa việc xây dựng Luật ATTT vào chương trình trọng tâm của Bộ từ năm 2011 và đến nay đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Nếu được Quốc Hội thông qua trong năm 2015, Luật này sẽ chính thức đi vào triển khai từ năm 2016. Dự thảo Luật ATTT đã được đưa ra thảo luận trong kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vừa qua. Tuy nhiên bộ Luật vẫn chưa được thông qua trong kỳ họp này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình Dự thảo Luật An toàn Thông tin tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội. Nguồn: quochoi.vn

Ra mắt máy tính Intel bé bằng 2 ngón tay

Ngày 1/7/2015, Intel Việt Nam đã cho ra mắt sản phẩm máy tính tí hon Intel Compute Stick có kích thước giống như một chiếc USB thông dụng. Sản phẩm được giới thiệu có kích thước dài 10cm, rộng 4cm có đầy đủ các tính năng của một máy tính desktop.

Máy tính tí hon của Intel

Intel Compute Stick có cấu hình phần cứng như sau: CPU Intel Atom quadcore thế hệ mới, 2GB RAM, bộ nhớ trong 32GB, có khe gắn thẻ nhớ microSD hỗ trợ tới 128GB, kết nối wifi 802.11n, Bluetooth 4.0. Cấu hình này tương đương laptop và tablet 2-in-1 Asus Transformer mới nhất. Sản phẩm được giới thiệu có cài sẵn hệ điều hành Windows 8.1 with Bing và sẵn sàng để nâng cấp lên Windows 10.

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Chửi bậy trên mạng sẽ bị ra tòa

Đây chưa phải là chuyện xảy ra ở Việt Nam, mà là tại các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Bộ luật Tội phạm trên Không gian ảo của UAE quy định rằng chỉ cần nhắn tin qua điện thoại hay gửi mail xúc phạm người khác là có thể bị ra tòa, bị phạt tiền tới 3 tỷ đồng VN và bị tù tới 3 năm!

Sự việc ở UAE

Theo báo 7Days của UAE ngày 16/6/2015, Tòa án Tối cao Liên bang của nước này vừa thụ lý phúc thẩm vụ án một người đàn ông bị cáo buộc xúc phạm người khác bằng cách… nhắn tin qua WhatsApp (một ứng dụng thuộc Facebook).

Trong phiên sơ thẩm, một tòa án địa phương của UAE đã xử phạt bị cáo này số tiền là 3.000 Dhs (Dihram, đơn vị tiền tệ UAE), tương đương gần 18 triệu đồng Việt Nam, về tội chửi rủa người khác thông qua dịch vụ tin nhắn WhatsApp. Tuy nhiên, các công tố viên không đồng ý với mức phạt này và đã đề nghị phúc thẩm. Theo đề nghị của công tố viên, mức phạt có thể lên tới 250.000 Dhs (gần 1,5 tỷ đồng VN) hoặc xử tù.

Biểu tình phản đối Uber taxi tại Pháp

Uber taxi là một phương thức gọi taxi mới dựa vào ứng dụng trên smartphone. Ứng dụng này khi đưa vào Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là giới taxi cực lực phản đối vì cho rằng đây là sự cạnh tranh không lành mạnh. Ngày 25/6/2015, báo Business Insider đưa tin ảnh giới taxi tại Pháp đã biểu tình dữ dội để phản đối Uber.

Tài xế taxi đã tràn ra nhiều đường phố ở Pháp để biểu tình trong ngày thứ Năm 25/6 vừa qua, khiến cho giao thông trên nhiều tuyến đường phố chính ở quốc gia này bị tê liệt.

Lý do chính thức của cuộc biểu tình là phản đối ứng dụng UberPOP của Uber. Ứng dụng này cho phép người dùng gọi taxi từ những người lái xe không có giấy phép hành nghề taxi.

Thế nhưng có vẻ như cuộc biểu tình mang mục đích chống đối cả công ty Uber chứ không phải phản đối chỉ một ứng dụng riêng lẻ.

Tại một số điểm đã diễn ra bạo động công khai, đốt vỏ xe, đốt lửa, lật xe và phá rối trật tự công cộng.

Business Insider dẫn tin và ảnh cho biết rằng Pháp không phải là quốc gia duy nhất tại châu Âu có biểu tình phản đối Uber, mà điều này còn xảy ra ở Anh, Đức… Tuy nhiên, lần xảy ra tại Pháp này là dữ dội nhất.