Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Chửi bậy trên mạng sẽ bị ra tòa

Đây chưa phải là chuyện xảy ra ở Việt Nam, mà là tại các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Bộ luật Tội phạm trên Không gian ảo của UAE quy định rằng chỉ cần nhắn tin qua điện thoại hay gửi mail xúc phạm người khác là có thể bị ra tòa, bị phạt tiền tới 3 tỷ đồng VN và bị tù tới 3 năm!

Sự việc ở UAE

Theo báo 7Days của UAE ngày 16/6/2015, Tòa án Tối cao Liên bang của nước này vừa thụ lý phúc thẩm vụ án một người đàn ông bị cáo buộc xúc phạm người khác bằng cách… nhắn tin qua WhatsApp (một ứng dụng thuộc Facebook).

Trong phiên sơ thẩm, một tòa án địa phương của UAE đã xử phạt bị cáo này số tiền là 3.000 Dhs (Dihram, đơn vị tiền tệ UAE), tương đương gần 18 triệu đồng Việt Nam, về tội chửi rủa người khác thông qua dịch vụ tin nhắn WhatsApp. Tuy nhiên, các công tố viên không đồng ý với mức phạt này và đã đề nghị phúc thẩm. Theo đề nghị của công tố viên, mức phạt có thể lên tới 250.000 Dhs (gần 1,5 tỷ đồng VN) hoặc xử tù.


Cáo trạng cho biết bị hại đã mang điện thoại di động tới trình báo với cảnh sát tin nhắn WhatsApp mà bị cáo đã chửi rủa mình, đồng thời còn kiện rằng bị cáo đã hăm dọa sẽ hành hung ông ta. Lời cáo buộc rằng bị cáo dọa sẽ hành hung bị hại không được xem xét vì không có bằng chứng, nhưng việc chửi rủa thì có bằng chứng rõ ràng là tin nhắn còn nằm trong điện thoại. Thế là vụ việc được đưa ra tòa với mức xử án như nêu trên. Thông báo của tòa án không cho biết nội dung lời chửi rủa như thế nào và bị cáo quốc tịch gì, có phải công dân UAE không.

Thời gian diễn ra phiên xử phúc thẩm vẫn chưa được xác định.

Không cẩn trọng khi “múa bàn phím”, bạn có thể ra tòa!

Không phải dư luận UAE đều đồng tình với việc xử phạt tội chửi bậy qua mạng như trong vụ việc này. Ngay trong phần bình luận phía sau bài báo đăng vụ việc, một ý kiến đã nêu đại ý là bị hại cần phải hành xử như “người lớn”, bị chửi qua tin nhắn thì cần phải có cách ứng xử xứng đáng hơn là đi báo cảnh sát, giống như “trò trẻ con”. Dù sao đi nữa, với biện pháp mạnh như thế này chắc chắn việc chửi bậy, xúc phạm nhau qua mạng ở UAE  sẽ được giới hạn đáng kể, người sử dụng mạng sẽ không chủ quan xem việc ứng xử với nhau qua mạng là chuyện “ảo” để muốn nói nặng người khác ra sao thì nói.

Cần nói thêm là bộ Luật về Tội phạm trên Không gian ảo của UAE quy định khá chi tiết và buộc tội nặng các hành vi xúc phạm qua mạng. Hồi tháng trước, khi Microsoft thông báo là trong bản Windows 10 sẽ có icon hình ngón tay thối (ngón tay giữa, một hình tượng chửi thề nặng ở một số quốc gia) thì giới chức UAE đã lên tiếng cảnh báo rằng gửi mail hay tin nhắn qua điện thoại cho người khác hình ngón tay thối sẽ bị phạt tiền (tới 500.000 Dhs) hoặc đi tù (tới 3 năm) theo bộ luật này.

Chuyện ở Việt Nam

Ở Việt Nam, tháng trước vừa xảy ra một vụ nhắn tin qua điện thoại có nội dung xúc phạm người khác, dẫn đến kiện tụng. Cụ thể như sau:

Sáng ngày 22/11/2014, bà Trần Thị Kim Châu (Hiệu trưởng Trường THCS Trà Lân, huyện Con Cuông, Nghệ An) dùng điện thoại di động cá nhân nhắn tin đến điện thoại bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An. Nội dung tin nhắn điện thoại được gửi đi: “Vấn nạn hối lộ tình dục đang nhức nhối ở Việt Nam và sắp sửa đưa vào luật. Cô Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, vừa lên giám đốc đã đưa tài sản tự có của mình để đi… các sếp liên quan. Chắc là muốn leo cao hơn trong kỳ ĐH sắp tới. Cẩn thận phạm pháp đó cô giáo GĐ ạ!”

Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An có công văn đề nghị cơ quan công an vào cuộc. Công an cho rằng bà Châu có dấu hiệu vi phạm Luật viễn thông và đề nghị xử lý.

Cuối tháng 5/2015, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn trả lời Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An, khẳng định chưa đủ cơ sở pháp lý chứng minh bà Châu vi phạm quy định Luật Viễn thông và các quy định pháp luật khác.

Vụ việc dừng lại ở việc bà Trần Thị Kim Châu xin lỗi, rút kinh nghiệm vì có những cư xử không đúng mực với cấp trên và được đảng bộ thị trấn Con Cuông chấp nhận.

Bên cạnh sự việc gây chú ý dư luận này vì được đưa đến các cơ quan chức năng, người sử dụng mạng – đặc biệt là Facebook – có thể thấy vô số trường hợp xúc phạm, mạ lỵ người khác một cách thậm tệ mà không hề bị xử lý gì cả. Đặc biệt là những trường hợp cả đám đông trên mạng hùa vào chửi bới, phê phán một cá nhân nào đó, ngay cả khi họ không hề biết rõ sự việc và cũng không hề biết gì về cá nhân đó. Hiện tượng này được gọi là “ném đá”.

Trong những trường hợp này, nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và gây nên những hậu quả không lường tới. Đỉnh điểm thương tâm là trường hợp của một nữ sinh mới xảy ra ở Đồng Nai. Nữ sinh này bị bạn trai tung clip quan hệ tình cảm của 2 người lên mạng, bị mọi người phát tán hình ảnh không tốt của mình và xỉa xói chê trách đủ điều. Chịu không nổi áp lực dư luận, cô đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ và qua đời khi mới 15 tuổi.

Thật ra, tại Việt Nam hành vi xúc phạm người khác qua mạng cũng bị xử phạt theo Luật Viễn thông. Hành vi trên sẽ bị xử lí theo qui định của Điều 12 Khoản 4 Luật Viễn thông là: "Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân". Với hành vi vi phạm này thì sẽ bị xử phạt hành chính theo qui định của Điểm a, Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng - 30 triệu đồng. Ngoài ra, trong từng trường hợp cụ thể còn có thể quy vào tội tương ứng với các điều 122 Bộ luật hình sự quy định về “người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống”, điều 226 Bộ luật hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet”, điều 258, Bộ luật hình sự  về “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, quyền tự do báo chí, tự do hội họp, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân”.

Trên thực tế, hầu như chỉ khi nào vụ việc gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng thì đối tượng gây tội mới đối mặt với pháp luật, còn hầu hết các trường hợp xúc phạm qua mạng đều không bị gì cả. Chính vì thế tạo nên tâm lý “dể ngươi”, cho rằng việc chửi bậy người khác qua mạng là chuyện bình thường.

Không thể đòi hỏi luật pháp Việt Nam phải giống như UAE, nhưng chí ít Việt Nam cũng đã có những điều luật về vấn đế này, mỗi người cần phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Và hơn hết, cho dù không bị pháp luật ràng buộc thì mỗi người cũng cần phải ứng xứ có văn hóa trên mạng. Nếu ngoài đời ta cần phải ăn nói lịch sự, không nói tục, chửi thề thì những nét văn hóa đó cũng cần được thể hiện một cách tốt đẹp trên mạng.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 29/06/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét