Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Khi Trí tuệ nhân tạo… chơi game


Trò chơi điện tử được xem như một môi trường lý tưởng để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence). Bằng cách dạy cho các “con AI” chơi game, người ta có thể nghiên cứu khả năng suy nghĩ và hành động của nó mà không sợ ảnh hưởng đến thực tế, vì nơi con AI hoạt động chỉ là game mà thôi. Tuy nhiên, một thử nghiệm vừa được công bố tại Đức khiến mọi người giật mình!

3 nhà nghiên cứu máy học từ Đại học Freiburg ở Đức tìm hiểu một phương pháp để dạy AI có thể di chuyển trong game. Họ đã thử nghiệm một tựa game trên Atari từ những năm 80 mang tên Q*bert, cho một phần mềm trí tuệ nhân tạo (ở đây ta sẽ gọi là “con AI”) chơi thử game này. Kết quả vừa được công bố khiến mọi người giật mình.

Nguyên tắc chơi game này như sau: người chơi phải nhảy từ khối hộp này đến khối hộp kia, và với mỗi lần nhảy, màu của khối hộp sẽ thay đổi. Nếu có thể đổi trùng màu tất cả các khối hộp, người chơi sẽ được thưởng điểm và được lên mức chơi cao hơn.

Giao diện game Q*bert trên máy Atari thập niên 1980

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Vì sao người ta lâu “lên đời” điện thoại hơn?


Bài viết của Robert Triggs trên trang AndroidAuthority ngày nay người ta dùng smartphone lâu năm hơn trước đây, đồng thời đưa ra những lý do để giải thích tình trạng này. Tuy điều kiện sử dụng smartphone ở nước ngoài không hoàn toàn giống tại Việt Nam nhưng tìm hiểu vấn đề này cũng đem lại cái nhìn rõ nét hơn về thị trường smartphone.

Sau nhiều năm phát triển mạnh, việc cung cấp smartphone toàn cầu đang chậm lại. Điều này là do sự bùng nổ về smartphone ở Ấn Độ và Trung quốc khi mà việc hàng trăm triệu người mua smartphone 4G mới nửa thập niên trước nay đã bão hòa. Cùng lúc đó tại châu Âu và Mỹ, số liệu thống kê cho thấy người ta có xu hướng giữ chiếc smartphone của mình lâu hơn chứ không vội mua mới.

Kết hợp hai yếu tố này lại cho thấy thị trường smartphone không còn động lực phát triển mạnh mẽ như vài năm trước nữa. Tuy vậy, lý do khiến chu kỳ sống của sản phẩm smartphone kéo dài hơn trước đây không thực sự rõ ràng. Sau đây là những lý do gây nên tình trạng này.

Qualcomm và điện thoại di động 4G giá 25 USD


Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Cambodia, cho biết về một giải pháp của Qualcomm trong việc xóa bỏ công nghệ di động 2G. Đó là cung cấp dòng điện thoại chức năng có khả năng chạy mạng di động 4G với giá như điện thoại 2G, gọi là 4G feature phone.


Theo ông Nam, ở Việt Nam hiện còn khoảng 40 triệu thuê bao 2G, có nghĩa là có ít nhất 40 triệu điện thoại chức năng (feature phone) vẫn đang còn được sử dụng. Tổng cục Thống kê cho biết tính tới cuối năm 2017, Việt Nam hiện có 119,7 triệu thuê bao di động (giảm 1,3% so với năm trước). Như vậy, thuê bao 2G vẫn chiếm tới 1 phần 3 trong tổng số thuê bao di động.

Thứ Hai, 5 tháng 2, 2018

Thời thế tạo anh hùng

Cho mãi đến đầu thiên niên kỷ này, trong lĩnh vực công nghệ thông tin toàn cầu vẫn sừng sững hai tượng đài công nghệ. Với phần mềm, đó là Microsoft; với phần cứng, đó là Intel. Hai thập niên gần đây, với sự phát triển như vũ bão của smartphone, máy tính dần đi vào thoái trào, cùng với điều đó là sự giảm bớt ảnh hưởng của Microsoft và Intel. Những tên tuổi khác lên ngôi.

Intel và Microsoft – những người khổng lồ công nghệ

Thập niên 1980 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của máy tính để bàn – mà ngày ấy ở Việt Nam thường gọi là máy vi tính. Hầu như tất cả máy tính đều dùng hệ điều hành MS-DOS, rồi MS Windows của Microsoft, và cả phần mềm văn phòng MS Office nữa chứ! Còn phần cứng tạo nên máy tính? Bộ vi xử lý trung tâm của máy tính (CPU) hầu như tất cả đều là CPU Intel.

Lúc ấy, nói đến công nghệ thông tin người ta nghĩ ngay đến máy tính, và nói đến máy tính người ta nghĩ ngay đến Microsoft và Intel. Hai người khổng lồ công nghệ này thống trị gần như toàn bộ thị trường công nghệ thông tin thế giới.

Khi điện thoại thông minh (smartphone) bắt đầu phát triển, cả Intel lẫn Microsoft đều chưa hình dung được có một ngày thiết bị nhỏ gọn này đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống con người, và chính những công ty công nghệ góp phần vào việc phát triển smartphone sẽ là những gã khổng lồ mới, chiếm lấy vị trí độc tôn của họ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Người ta đang dùng Facebook ít đi?

Facebook vừa công bố báo cáo thu nhập quý 4-2017, theo đó lợi nhuận/quý là 4,3 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu 13 tỷ USD, cao hơn so với dự kiến là 12,6 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Sẽ là những thông tin lạc quan, nếu không có một con số đáng lo ngại: người dùng đã giảm khoảng 50 triệu giờ sử dụng Facebook mỗi ngày trong quý 4-2017

Thời gian người dùng dành cho Facebook đang giảm đi

Mark Zuckerberg thừa nhận rằng trong quý 4-2017 lượng thời gian người ta dành cho Facebook giảm khoảng 50 triệu giờ mỗi ngày

Facebook cho biết họ đã đem lại một số thay đổi cho nền tảng mạng xã hội, bao gồm cả việc đàn áp các video viral, khiến làm giảm lượng thời gian mà người dùng dành ra cho mạng xã hội này (video viral là một dạng video quảng cáo không chính thức được tải lên mạng). Mark Zuckerberg, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty, cho biết: “Đã đến quý cuối rồi, chúng ta đã tạo ra những thay đổi để chiếu ít video viral hơn để đảm bảo rằng thời gian của người dùng được bỏ ra hợp lý. Nhìn chung, chúng ta đã tạo ra những thay đổi mà đã làm giảm lượng thời gian dành cho Facebook khoảng 50 triệu giờ mỗi ngày”.

Facebook cho biết họ đã dẹp bỏ những nhà cung cấp thương mại điện tử có những quảng cáo “gây hiểu lầm”, những số liệu quảng cáo và các công cụ nhắm mục tiêu không chính xác. Các nhà phê bình cũng đã đưa ra những lo ngại về vấn đề kiểm duyệt, an toàn, và tính chất gây nghiện của mạng xã hội này. Ngoài ra, có những mối lo ngại của người dùng về những “tin tức giả mạo” bị lan truyền trên mạng xã hội. Những giải pháp cho những vấn đề này sẽ tác động không nhẹ đến cơ cấu của Facebook.

Hậu quả của việc giảm thời gian sử dụng Facebook

Doanh thu của Facebook phụ thuộc hoàn toàn vào quảng cáo, mà các nhà quảng cáo lại dựa vào thời gian người dùng tương tác với Facebook để đánh giá xem có nên bỏ tiền vào đây hay không. Thời gian sử dụng trung bình sụt giảm, đồng nghĩa với việc các quảng cáo hiển thị trên Facebook cũng sẽ ít hơn, kém hiệu quả hơn. Người sử dụng dành ít thời gian hơn cho Facebook, đồng nghĩa với việc các nhà quảng cáo cũng sẽ bỏ ít tiền hơn vào nền tảng này, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của công ty.

Mark Zuckerberg cho rằng đây là một tín hiệu tốt, bởi Facebook đang cố gắng đẩy mạnh tương tác tốt với người dùng, thay vì tập trung vào tổng thời gian họ sử dụng mạng xã hội này. Thế nhưng các nhà quảng cáo và đặc biệt là các nhà đầu tư của Facebook tỏ ra không hài lòng. Thể hiện rõ nhất là giá cổ phiếu Facebook sụt giảm 4% ngay sau khi báo cáo trên được đưa ra.

Facebook đang cố lôi kéo người dùng

Theo tạp chí Bloomberg, Facebook đang tích cực “chèo kéo” những người không đăng nhập thường xuyên, cố gắng giữ số lượng người dùng tương tác thường xuyên trên nền tảng của mình. Tờ báo này dẫn chứng một trường hợp, đó là Rishi Gorantala đã xóa ứng dụng Facebook trên smartphone. Facebook bắt đầu bằng việc gửi thông báo cho anh hàng ngày về việc những người bạn đăng ảnh hoặc bình luận, kèm theo đó là đường link mời anh nhấp vào để xem các hoạt động ấy trên Facebook. Sau đó, anh bắt đầu nhận được email từ Facebook: “Dường như bạn gặp vấn đề khi đăng nhập vào Facebook, chỉ cần nhấp vào nút bên dưới và chúng tôi sẽ đăng nhập tài khoản giúp bạn. Nếu không phải bạn cố đăng nhập, hãy cho chúng tôi biết”. (Ở Việt Nam cũng khá nhiều trường hợp nhận thông báo này).

Theo Gorantala: “Thực ra những nội dung trong mail họ gửi đang cố gắng đánh lừa bạn. Vì có ai đó đang cố gắng truy cập tài khoản của bạn nên bạn sẽ muốn đăng nhập vào để kiểm tra. Và đó chính là điều Facebook mong muốn”.

Không rõ phỏng đoán trên có đúng không, nhưng một sự thật được chính Facebook công nhận là thời gian người dùng tương tác với Facebook đang giảm đi, dẫn đến nhiều hệ lụy cho mạng xã hội này. Chắc chắn năm 2018 sẽ không hề là một năm dễ dàng cho Facebook.


Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 05/02/2018

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Facebook cá nhân – Đó là tài sản có giá trị của bạn

Hiện nay, hầu như mọi người sử dụng Internet đều có tài khoản Facebook. Việc tạo tài khoản này là hoàn toàn miễn phí. Đơn giản như vậy tại sao lại gọi tài khoản Facebook cá nhân là tài sản có giá trị? Thậm chí Facebook còn có quy định về… thừa kế tài khoản Facebook, tương tự như quy định pháp luật về thừa kế gia tài!

Tại sao lại cho rằng Facebook cá nhân là tài sản có giá trị?


Hiểu một cách “thực dụng” nhất, cái gì được xem là có giá trị khi nó mang lại cho người sở hữu lợi lộc, tiền bạc. Với ý nghĩa này, các trang Facebook dược chủ nhân của nó mở ra để bán hàng qua mạng rõ ràng là tài sản có giá trị. Dĩ nhiên, giá trị này lớn hay nhỏ còn tùy thuộc nhiều yếu tố, như nguồn hàng hóa có ổn định không, loại hàng hóa có phong phú không, chất lượng và giá cả có tốt không… Trên thực tế, có những trang Facebook bán hàng qua mạng đạt doanh thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng, không thua gì một cửa hàng hay một công ty trung bình.

CEO của Google nói về trí tuệ nhân tạo

Sundar Pichai, giám đốc điều hành của Google, vừa có buổi trả lời phỏng vấn khá thú vị về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI). Bài phỏng vấn này được phát trên kênh MSNBC (Mỹ) tối 26-1-2018 (tức trưa 27-1-2018, giờ Việt Nam).

Sundar Pichai. Ảnh: AP

Ông Sundar Pichai nhận định rằng Trí tuệ nhân tạo là một trong những điều quan trọng nhất mà con người đang nghiên cứu và triển khai. Ông cho rằng Trí tuệ nhân tạo là một phát minh có tầm quan trọng và sâu sắc hơn cả phát minh ra điện hay lửa. Ông thêm rằng sẽ đến một ngày trí tuệ nhân tạo sẽ giúp người ta chữa được những căn bệnh nan y như ung thư hay giải quyết những vấn đế mang tính toàn cầu như biến đổi khi hậu.