Năm 2014, đại diện tiêu biểu cho mô hình kinh tế chia sẻ là Uber xuất
hiện tại thị trường Việt Nam. Các hãng taxi truyền thống kịch liệt phản đối.
Các bộ, ngành quản lý tỏ ra lúng túng, e dè trước mô hình kinh tế chia sẻ quá
mới lạ này. Ngành giao thông vận tải, ngành thuế lên tiếng không chấp nhận vì
không quản lý được. Đã có những đề nghị cấm hoạt động dịch vụ Uber tại Việt
Nam. 5 năm sau, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thông qua Đề án thúc đẩy mô
hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
Kinh tế chia sẻ là
gì?
Từ xưa đến giờ, khi ai đó có nhu cầu về một sản phẩm, dịch
vụ nào (bên cầu) thì họ sẽ đi mua hay thuê sản phẩm, dịch vụ ấy từ một nhà cung
cấp (bên cung). Sản phẩm, dịch vụ ấy có thể là tài sản hữu hình hay tài sản vô
hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi. Từ đó tạo nên một nền kinh tế
cung cầu, có bên bán (hoặc cho thuê) và bên mua (hoặc thuê).
Điều chưa hợp lý là tại cùng một thời điểm có những người sở
hữu tài sản (hữu hình hoặc vô hình) dư thừa, chưa sử dụng đến, có những người
cần những tài sản ấy nhưng không biết đến người có tài sản để mua/thuê và họ đi
mua/thuê ở những đơn vị cung cấp khác. Điều này tạo nên một sự lãng phí tài
nguyên của xã hội.