Năm 2014, đại diện tiêu biểu cho mô hình kinh tế chia sẻ là Uber xuất
hiện tại thị trường Việt Nam. Các hãng taxi truyền thống kịch liệt phản đối.
Các bộ, ngành quản lý tỏ ra lúng túng, e dè trước mô hình kinh tế chia sẻ quá
mới lạ này. Ngành giao thông vận tải, ngành thuế lên tiếng không chấp nhận vì
không quản lý được. Đã có những đề nghị cấm hoạt động dịch vụ Uber tại Việt
Nam. 5 năm sau, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thông qua Đề án thúc đẩy mô
hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
Kinh tế chia sẻ là
gì?
Từ xưa đến giờ, khi ai đó có nhu cầu về một sản phẩm, dịch
vụ nào (bên cầu) thì họ sẽ đi mua hay thuê sản phẩm, dịch vụ ấy từ một nhà cung
cấp (bên cung). Sản phẩm, dịch vụ ấy có thể là tài sản hữu hình hay tài sản vô
hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi. Từ đó tạo nên một nền kinh tế
cung cầu, có bên bán (hoặc cho thuê) và bên mua (hoặc thuê).
Điều chưa hợp lý là tại cùng một thời điểm có những người sở
hữu tài sản (hữu hình hoặc vô hình) dư thừa, chưa sử dụng đến, có những người
cần những tài sản ấy nhưng không biết đến người có tài sản để mua/thuê và họ đi
mua/thuê ở những đơn vị cung cấp khác. Điều này tạo nên một sự lãng phí tài
nguyên của xã hội.
Trước đây, không có giải pháp hiệu quả nào để những người
cần và người có tài sản dư thừa tìm đến nhau, tuy nhiên ngày nay với sự phát
triển của Internet và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin như smartphone,
điều này đã thay đổi. Người có tài sản dư thừa đã có điều kiện để chia sẻ tài
sản đó cho người cần. Sơ đồ sau đây mô tả rõ hơn vấn đề:
Khái niệm về nền kinh tế chia sẻ hay mô hình kinh tế chia sẻ
ra đời trên thế giới cách đây trên 10 năm với những doanh nghiệp đầu tiên là
Uber và Airbnb. Vì quá mới mẻ nên ngay cả tên gọi kinh tế chia sẻ (sharing
economy) cũng chưa thống nhất, còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như kinh
tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo nhu cầu (on-demand economy),
kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế
dựa trên các ứng dụng di động (app economy), v.v… Tuy nhiên, điểm thống nhất
là: Kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh
doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ
số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng
thông qua các nền tảng số.
Nền kinh tế chia sẻ vấp
phải nhiều trở lực lớn
Không chỉ ở Việt Nam, tại các nước Đông Nam Á và nhiều nước
khác trên thế giới mô hình kinh tế chia sẻ - mà điển hình là Uber – vấp phải
rất nhiều phản ứng tiêu cực của các doanh nghiệp theo mô hình kinh tế truyền
thống và của cơ quan quản lý.
Trong quan hệ kinh tế truyền thống có hai bên, cung và cầu,
trong đó bên cung là đơn vị kinh doanh và đã được xác lập các quy chế quản lý
(thuế, đăng ký kinh doanh…) từ bao lâu nay. Với mô hình kinh tế chia sẻ, ngoài
hai bên cung (người sở hữu xe, người chủ nhà …) và cầu (người thuê xe, khách
thuê nhà…), còn có bên thứ ba là nhà cung cấp dịch vụ kết nối (Uber, Grab,
Airbnb…). Bên trung gian này chẳng những không cần có tài sản (xe, nhà…) để cung
cấp dịch vụ, mà cũng chưa hề có các quy định pháp lý rõ rệt để quản lý.
Chính vì vậy những người trước nay tham gia mô hình kinh tế
truyền thống phản đối mạnh mẽ kinh tế chia sẻ, như giới kinh doanh taxi, xe ôm…
đã phản đối mạnh mẽ Uber, Grab… Kinh tế chia sẻ còn gây ra nhiều lúng túng cho
cấp quản lý, điều hành nền kinh tế. Sự lúng túng này không chỉ xảy ra ở Việt
Nam mà cả ở cấp độ thế giới, có khi dẫn đến một phản ứng thái quá: không quản
được thì… cấm!
Sau 4 năm hoạt động, Uber đã rời khỏi Việt Nam vào tháng
4-2018. Nguyên nhân chính được nêu ra là do chuyển nhượng cổ phần cho Grab,
nhưng nguyên nhân xa hơn không loại trừ việc vất vả đối phó với taxi truyền
thống cùng nhiều bất cập trong việc quản lý của các cơ quan chức năng.
Nhưng nền kinh tế
chia sẻ vẫn liên tục phát triển
Trên thế giới, mặc dù vấp phải nhiều trở lực (cái mới bao
giờ chẳng gặp phải trở lực?) nhưng với những đặc điểm ưu việt của mình, nền
kinh tế chia sẻ vẫn liên tục phát triển. Theo điều tra của một dự án nghiên cứu
do PricewaterhouseCoopers thực hiện, số liệu cho thấy chỉ với 5 lĩnh vực chính
bao gồm: du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực, dịch vụ video trực tuyến và ca
nhạc các ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong kinh doanh đạt doanh thu toàn
cầu 15 tỷ đô-la trong năm 2014, và có khả năng lên tới khoảng 335 tỷ đô-la
trong năm 2025.
Ở Việt Nam, sau khi Uber rút lui, Grab đang phát triển mạnh
và bên cạnh lĩnh vực chủ yếu là vận chuyển hành khách còn có thêm giao nhận
thức ăn (GrabFood). Đa số các doanh nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế chia
sẻ chọn lĩnh vực vận chuyển hành khách như GoViet, FastGo, GoNow, Vato… Bên
cạnh đó là dịch vụ vận chuyển hàng hoá như Ahamove, Giaohangnhanh… Hai lĩnh vực
còn lại có những doanh nghiệp nổi bật là dịch vụ du lịch – lưu trú với Airbnb,
Triip…; dịch vụ cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending) với Home Credit,
Lenbiz… Hiện nay, có hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) hoạt động
theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam
Đề án thúc đẩy mô
hình kinh tế chia sẻ đem lại điều gì mới?
Kinh tế chia sẻ đem lại quá nhiều lợi ích cho xã hội, bản
thân nó cũng là một miếng bánh lớn trong nền kinh doanh toàn cầu, vì vậy không
thể bỏ qua lĩnh vực này được. Trở lực lớn nhất của việc ứng dụng mô hình kinh
tế chia sẻ chính là các rào cản pháp lý, vì đây là một mô hình quá mới mẻ nên
chưa hề có các chính sách, luật lệ phù hợp. Muốn vượt qua trở lực này cần có
quyết sách từ cấp cao nhất của quốc gia. Nhìn thấy rõ điều đó, Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12-8-2019 Phê duyệt Đề án thúc
đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ có 3 mục tiêu chính:
- Đảm bảo môi trường kinh
doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia
sẻ và kinh tế truyền thống.
- Đảm bảo quyền lợi, trách
nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao
gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp
nền tảng.
- Khuyến khích đổi mới sáng
tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
Quyết định giao nhiệm vụ cho 17 Bộ - Cơ quan ngang bộ trong
việc nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp với 3 mục tiêu trên.
Phạm Hoài Nhân
Báo Đồng Nai - 16/09/2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét