Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Ngày Tết, chụp ảnh nào!

Tết năm nay tại đường hoa Hàm Nghi (TPHCM) và đường hoa Trấn Biên (Biên Hòa) đều thông báo sẽ có Wi-fi miễn phí để phục vụ khách thưởng ngoạn. Có Wi-fi thì rõ là rất tiện lợi rồi, vì người đi chơi xuân luôn được kết nối Internet để làm nhiều việc, thế nhưng mục đích rõ nhất là: du khách có thể chia sẻ ngay lên mạng những bức ảnh chụp đường hoa của mình. Người ta tự hỏi: Từ bao giờ việc chia sẻ ảnh trên mạng trở nên phổ biến như vậy, và người ta chia sẻ ảnh trên mạng nhiều tới mức nào?

Ảnh Đường hoa Trấn Biên 2014 trên Facebook


Nhờ smartphone, việc chụp ảnh trở nên hết sức phổ biến

Đã qua rất lâu rồi thời của máy ảnh cơ. Ngày ấy, muốn sở hữu một máy ảnh “được được” phải tốn khá nhiều tiền, người chụp ảnh phải có trình độ kỹ thuật tương đối, và nhất là chụp ảnh phải “đốt phim”, chụp xong không được thấy kết quả ngay mà phải đem ra tiệm rửa ảnh. Nói chung là khá nhiêu kê và tốn kém.

Khi máy ảnh số ra đời, việc tốn kém đã giảm hẵn vì cứ bấm ào ào mà không sợ tốn phim. Kết quả thấy ngay, ảnh nào xấu thì xóa, không tốn kém gì cả. Lại thêm nhiều máy ảnh có chế độ tự động nên người chụp không cần chỉnh thông số kỹ thuật, chỉ cần giơ máy lên bấm là có ngay một bức ảnh… coi được! Thế là người ta không còn e ngại gì nữa, tha hồ mà chụp!

Thế nhưng cho đến khi chiếc smartphone có trang bị thêm camera thì phong trào “người người chụp ảnh” mới trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Người ta không cần sắm thêm chiếc máy ảnh, vì mặc nhiên chiếc điện thoại của mình đã có camera rồi. Thêm nữa, đâu phải lúc nào cũng mang theo máy ảnh, còn điện thoại thì luôn bên mình, bất kỳ ở đâu và khi nào cũng có thể lấy ra để chụp ảnh!

Người ta chụp ảnh nhiều đến mức nào?

Tại hội thảo Code Conference tổ chức tại California, bản báo cáo “Những xu hướng Internet 2014” đã nêu lên những hướng phát triển của Internet năm 2014, trong đó một kết quả khảo sát khá thú vị được đưa ra: Trong năm 2014, mỗi ngày người dùng Internet tải lên và chia sẻ tới 1,8 tỷ tấm ảnh trên các mạng xã hội.

Xin nhấn mạnh, 1,8 tỷ là số ảnh mà người dùng tải lên mạng xã hội, còn số ảnh mà người ta chụp thì không có số liệu thống kê, nhưng chắc chắn là gấp nhiều lần con số này.

Theo báo cáo này, vào năm 2008, người dùng chỉ chia sẻ khoảng vài ngàn tấm ảnh mỗi ngày. Năm 2012, lượng ảnh chia sẻ mỗi ngày đã lên tới gần 400 triệu. Không dừng lại ở đó, chỉ sau 2 năm, đến năm 2014 số lượng ảnh chia sẻ mỗi ngày đã tăng gần 5 lần, đạt mức 1,8 tỳ ảnh! Còn năm 2015? Chắc chắn là con số này sẽ tăng chứ không hề giảm!

Như vậy, trong năm 2014 cứ mỗi giây trôi qua là có thêm khoảng 21.000 tấm ảnh được chia sẻ trên mạng!

Người ta chụp cái gì?

Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp ảnh nghệ thuật (phong cảnh, chân dung…), ảnh thời sự (ảnh báo chí), ảnh sự kiện (đám cưới, đám tiệc…). “Nhiếp ảnh gia quần chúng” thì cũng chụp như trên, nhưng bên cạnh đó (và chiếm phần lớn) là họ chụp… bất cứ thứ gì có trong tầm mắt!

Những dịp đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, hiếu hỉ… người ta sẽ chụp ảnh làm kỷ niệm và tải lên mạng để chia sẻ với bạn bè. Nhưng nếu chỉ như thế thì ít dịp quá, mà máy ảnh – điện thoại thì luôn sẵn trong tay, cho nên…

Chụp ảnh thức ăn

Không phải lúc nào cũng gặp cảnh ưng ý để chụp hình – thế nhưng ngày nào cũng… ăn! Thế thì với chiếc điện thoại hoặc máy ảnh nhỏ gọn hãy chụp ảnh thức ăn để có chuyện tào lao cùng thiên hạ!

Ảnh thức ăn trên mạng có muôn hình vạn trạng, đủ loại thức ăn và được chụp trong muôn vàn tình huống. Đi ăn ở một nhà hàng sang trọng và ăn một món đặc sản độc đáo? Trước khi ăn hãy bấm một phát và đưa lên mạng để khoe với mọi người rằng tôi sắp ăn món ấy đây. Đi sinh nhật, dự tiệc… trước khi ăn chụp từng món và đẩy lên mạng để bạn bè biết nội dung của bữa tiệc này gồm những thứ gì! Về quê, đi du lịch… và được thưởng thức các món đồng quê? Đợi đã, trước khi ăn chờ tôi bấm mấy phát để đưa lên mạng!

Và ngay cả khi… không có gì ăn, chỉ có chén nước mắm và đĩa rau muống luộc, cũng phải chụp hình trước khi ăn và post lên mạng, kèm theo lời than ai oán: Hôm nay mình chả có gì ăn, chỉ thế này thôi nè!

Chụp ảnh “tự sướng”

Phong trào chụp ảnh thức ăn tuy phổ biến nhưng vẫn không bằng chụp ảnh “tự sướng”. Ảnh “tự sướng” là những bức ảnh mà mà người dùng sử dụng các thiết bị di động để chụp chính mình và đưa lên mạng. Chụp ảnh tự sướng trở thành một hiện tượng, ngày càng được nhiều người thích thú và ưa chuộng. Không phải lúc nào cũng đi du lịch, đi đám cưới, ăn thì cũng phải có bữa, nhưng… cái mặt của chính mình thì lúc nào cũng sẵn có, vậy thì tự chụp để đưa lên mạng cho vui!

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chụp ảnh “tự sướng”. (Ảnh: Facebook)

Công nghệ đã tiếp tay thật nhiều cho những người mê chụp ảnh “tự sướng”. Trước đây smartphone chỉ có một camera dùng để chụp ảnh ở phía trước mặt (gọi là camera sau, vì nó ở sau lưng máy). Với camera này người chụp khó chụp chính mình vì không thể nhìn ảnh nếu quay ngược màn hình vào mặt mình. Các hãng bèn thiết kế thêm một camera phụ ở mặt trước máy (gọi là camera trước) để khi quay màn hình vào mặt tự chụp, người dùng có thể… tha hồ làm trò! Hiện giờ hầu như tất cả các loại smartphone đều có 2 camera, trước và sau.

Camera trước là camera phụ, do đó thường được thiết kế với độ phân giải thấp hơn nhiều so với camera chính (thường chỉ là 1 đến 2 MP so với 5 đến trên 10 MP của camera chính). Thế nhưng để thỏa lòng những người thích chụp ảnh tự sướng, nhiều hãng đã đưa ra các mẫu máy có camera trước có độ phân giải rất lớn, đến 5 MP (như Lumia 535) thậm chí 13M P (HTC Desire Eye).

Dùng tay giơ máy ảnh ra trước mặt thì bị hạn chế bởi chiều dài cánh tay, không đưa ra xa được. Các nhà thiết kế bèn chế ra chiếc gậy để gắn smartphone vào đó, đưa ra xa để mà “tự sướng”.

Chưa hết, chụp ảnh “tự sướng” có khi chưa đủ đẹp để làm chủ nhân hài lòng, thế thì có ngay phần mềm trên thiết bị di động giúp chỉnh sửa ảnh để “làm đẹp” một cánh nhanh chóng, tiện lợi. Camera 360 là một phần mềm như thế, giúp “hóa phép” ảnh chụp “tự sướng” của các chàng trai, cô gái trở thành ảnh của của các… hoa khôi!

Bạn đã chuẩn bị chụp ảnh Tết chưa?

Tết này chắc chắn chúng ta sẽ thấy có rất nhiều bức ảnh đẹp về đường hoa Trấn Biên. Ta sẽ có những bức ảnh sinh hoạt gia đình ngày Tết, ảnh về quê hương ngày Xuân. Sẽ không thể thiếu những ảnh thức ăn ngày Tết và ảnh “tự sướng”. Đa phần những ảnh đó không đẹp như ảnh của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, có thể có những ảnh xấu nữa. Thế nhưng có hề gì, đây là một thú vui ngày Tết mới của “đời sống số”. Bạn có sẵn sàng tham gia chưa? Ồ, mỗi ngày có đến gần 2 tỷ bức ảnh được chia sẻ lên mạng mà. Bạn góp phần mình đi chứ!


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 02/02/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét