Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Dịch vụ chuyển tiền MoMo nhận 28 triệu USD đầu tư

Sáng 17-3-2016 tại TPHCM đã có cuộc họp báo công bố Dịch vụ chuyển tiền và thanh toán điện tử MoMo (thường gọi là Ví MoMo) của Công ty M_Service được nhận thêm khoản tiền đầu tư 28 triệu USD từ 2 ngân hàng hàng đầu của Anh và Mỹ là Tổ chức đầu tư SCPE thuộc Ngân hàng Standard Chartered (Anh) và Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs (Mỹ).

MoMo là gì?

MoMo (viết tắt từ Mobile Money) là một dịch vụ chuyển tiền do công ty cổ phần trực tuyến M-Service kết hợp với Vinaphone và Vietcombank thực hiện, ra mắt từ tháng 7-2013. MoMo cung cấp dịch vụ ví điện tử trên di động, dịch vụ chuyển tiền mặt tại điểm giao dịch (OTC) và nền tảng thanh toán (payment platform), và hiện nay là một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Khách hàng sử dụng điện thoại di động với SIM card Vinaphone có thể đăng ký để có ngay một tài khoản thanh toán điện tử với số tài khoản chính là số điện thoại di động của mình và thực hiện được các giao dịch của MoMo. Nếu không dùng SIM card Vinaphone cũng có thể đăng ký sau khi tải ứng dụng MoMo từ kho iOS, Androis hoặc Windows.  Hiện nay, MoMo là đơn vị kinh doanh duy nhất tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp 2 giấy phép: Dịch vụ ví điện tử và Dịch vụ chuyển tiền mặt tại quầy.


Chức năng được quan tâm nhất của MoMo là dịch vụ chuyển tiền mặt tại quầy. Giải thích về chức năng này như sau:

Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với ngân hàng, lại càng không có tài khoản riêng. Đối với những người này, việc chuyển tiền cho người thân – ví dụ như cha mẹ chuyển tiền cho con đang đi học ở thành phố - là rất khó khăn. Thường thì việc chuyển tiền này thực hiện bằng cách nhờ người thân đi lên thành phố (không biết khi nào có dịp đi và còn làm phiền người chuyển hộ), gửi xe khách (khá bất tiện và không yên tâm), gửi qua bưu điện (khá lâu và phiền phức). Ngay cả với những người có tài khoản ngân hàng cũng vẫn có sự bất tiện vì ngân hàng ở khá xa và chỉ làm việc trong giờ hành chính, nhất là có khi họ chỉ gửi một vài trăm ngàn đồng.

Với MoMo, những người dân này đến điểm giao dịch MoMo gần nhất (thường chính là bưu điện xã, phường) nộp khoản tiền cần chuyển, nhắn tin bằng điện thoại theo đúng cú pháp tới người nhận (cũng có tài khoản MoMo), người này sẽ ra điểm giao dịch MoMo gần nhất của mình để nhận tiền. So với việc chuyển tiền qua bưu điện theo cách truyền thống (mất đến vài ba ngày) thì dùng MoMo nhanh hơn nhiều (khoảng 1 phút), phí chuyển tiền thấp hơn.

Cửa hàng MoMo khá bình dân, gần gũi với người dân nông thôn

Bên cạnh dịch vụ chuyển tiền tại điểm giao dịch, chủ yếu phục vụ người có thu nhập thấp, ở miền quê, MoMo còn là một dịch vụ thanh toán điện tử nếu người dùng có tài khoản ngân hàng. Với tài khoản MoMo, người sử dụng có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng qua tài khoản MoMo hoặc ngược lại, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, vé máy bay qua MoMo bằng cú pháp nhắn tin. Nói chung, ví MoMo sẽ đóng vai trò như một công cụ trung gian để thực hiện các giao dịch chuyển tiền và thanh toán.  

Thành quả của MoMo

Hiện nay MoMo có trên 4.000 điểm giao dịch (gọi là cửa hàng MoMo) tại 45 tỉnh/thành trên cả nước. Các cửa hàng MoMo này phục vụ từ 7 giờ 30 đến 21 giờ mỗi ngày (kể cả ngày lễ và Chủ Nhật). MoMo có kết nối với 23 ngân hàng (so với ban đầu chỉ là Vietcombank). MoMo hiện có trên 1 triệu khách hàng.

Dịch vụ MoMo phát triển nhanh và mạnh vì đã chọn đúng đối tượng phục vụ chính là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, chưa có điều kiện tiếp cận với ngân hàng nhưng hầu như ai cũng có điện thoại di động. Việc phục vụ lại thuận tiện và linh hoạt với số cửa hàng MoMo rất lớn trên cả nước, chi phí giao dịch thấp. Việc thanh toán qua MoMo được bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Tại cuộc họp báo ngày 17-3, các quan chức lãnh đạo của MoMo thừa nhận rằng tại thời điểm này, với quy mô hiện hữu, MoMo đã có lãi.

Vì sao đầu tư thêm?

MoMo họp báo công bố nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: MoMo

MoMo và các nhà đầu tư đã quyết định nhìn xa vào tương lai, tiếp tục phát triển và mở rộng dịch vụ về quy mô lẫn tính năng. Một trong những mục tiêu sắp tới của MoMo là hình thành ở mỗi xã phường ít nhất là một cửa hàng giao dịch MoMo. Hiện tại, Việt Nam có hơn 11.000 đơn vị hành chính cấp xã phường. So với hơn 4.000 cửa hàng MoMo hiện có, có thể thấy rõ là số lượng cần phát triển thêm rất lớn. Vì vậy MoMo cần phải có thêm nguồn vốn mới.

Tại họp báo, ông Nirukt Sapru, tổng giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam, cho biết kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 80% người dân Việt Nam vẫn chưa tiếp cận tới các dịch vụ ngân hàng. Ông Phạm Thành Đức, tổng giám đốc M-Service, nói rằng đây chính là đối tượng khách hàng tiềm năng mà MoMo sẽ phải phục vụ. Cơ hội và thị trường của những dịch vụ giao dịch tiền tệ điện tử như MoMo ở Việt Nam vẫn còn rất rộng lớn.

Ông Phạm Thành Đức chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đối với MoMo là tìm được đúng đối tác. Chúng tôi rất vui mừng công bố Quỹ Standard Chartered Private Equity đã trở thành nhà đầu tư chiến lược vào MoMo. Cùng với cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược là Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs, đơn vị đã đầu tư 5,75 triệu USD trong năm 2013, đồng thời tiếp tục tham gia đầu tư vào công ty trong đợt gọi vốn lần này, chúng tôi sẽ tăng tốc đẩy nhanh sự phát triển của MoMo thông qua việc liên tục cung cấp các sản phẩm – dịch vụ mới; tăng cường kết nối với ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ; mở rộng việc phát triển hệ thống điểm chấp nhận thanh toán MoMo tại các đơn vị bán lẻ dịch vụ.”


Thái Thư
LĐĐN - 21/03/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét