Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Luật báo chí và Facebook

Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật này. Mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng đã từ lâu được xem như một kênh thông tin không chính thống có ảnh hưởng lớn đến dư luận, vì thế đã được nhắc đến khi thảo luận về dự thảo Luật Báo chí.

Đưa Facebook vào phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí?

Facebook là một sản phẩm thông tin có tính chất báo chí

Trên cơ sở cho rằng Facebook là một sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, có độ lan tỏa lớn và nhanh hơn so với báo chí chính thống, với một lực lượng đưa tin cực lớn gây nên nhiều ảnh hưởng về mặt truyền thông đối với xã hội, một số ý kiến cho rằng Luật Báo chí cần phải có những điều khoản về Facebook và mạng xã hội nói chung.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã từ chối việc đưa Luật Báo chí can thiệp vào Facebook. Theo UBTVQH, khác với báo chí chính thống là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện và các dạng đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh.

Hiện nay, hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Do vậy, UBTVQH đề nghị mạng xã hội để văn bản pháp luật khác điều chỉnh.

Nhà báo không được đưa lên Facebook thông tin trái với quan điểm đã đưa trên báo chí chính thống?

Ông Hà Minh Huệ phát biểu tại phiên họp Quốc hội. Ảnh: Infonet.vn

Một ý kiến tạo sự quan tâm của dư luận và gây nên nhiều phản ứng của cộng đồng mạng là ý kiến của đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ (nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam). Các báo dẫn lời ông Huệ như sau:

"Hiện có nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội tuyên truyền khác với thông tin chính thống trên chính cơ quan báo chí của mình. Các cơ quan báo chí nước ngoài cũng cấm, đây là chuyện đạo đức nghề nghiệp. Anh không thể hai mặt, nói ở cơ quan chính thống thế này, lên mạng xã hội lại nói khác. Theo tôi nên cấm luôn điều này".

Trên thực tế có rất nhiều nhà báo có trang Facebook riêng của mình. Điều này không chỉ là sở thích mà còn là cần thiết, để nhà báo có cơ hội tiếp xúc và nắm bắt nhiều hơn những ý kiến và góp ý của dư luận. Không chỉ báo chí Việt Nam mà hầu như tất cả các phóng viên báo chí nước ngoài đều có trang mạng xã hội cá nhân như thế. Không chỉ báo chí mà các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền cũng đều cần có trang Facebook để tiếp thu ý kiến của đối tác, khách hàng, người dân tốt hơn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các trang mạng xã hội (như Facebook) giúp các chủ trang (nhà báo, cơ quan, doanh nghiệp) tiếp xúc với đối tượng của mình (độc giả, người dân, khách hàng) tốt hơn, giúp công việc đạt hiệu quả cao hơn.

Điều đại biểu Hà Minh Huệ băn khoăn là có thật. Không ít trường hợp nhà báo đưa lên Facebook những quan điểm, thông tin trái với nội dung chính mình đã đưa lên báo chí chính thống, cũng tương tự như một số nhân viên đưa lên thông tin nói xấu công ty hoặc lộ bí mật công ty. Vậy có nên đưa điều cấm này vào Luật Báo chí không?

Trước hết, phải thấy rằng do sự hạn chế nhất định về khuôn khổ của tờ báo nên có một số nội dung cũng như quan điểm của nhà báo không đưa được hết lên trang báo, trang Facebook như một cánh tay nối dài giúp nhà báo nói thêm với người đọc một số nội dung và cũng để trao đổi thêm về quan điểm của mình. Điều này là tốt và cần thiết. Nhưng nếu quan điểm này mâu thuẫn với tờ báo hoặc nội dung xấu thì sao?

-          Ở mức độ khái quát nhất, người đọc đủ sáng suốt để nhìn nhận về tư cách của người viết là “tiền hậu bất nhất”, “nói một đàng làm một nẻo” và như vậy bản thân nhà báo ấy đã tự làm giảm uy tín của mình.
-          Ở mức độ cao hơn, điều này thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp. Mỗi tờ báo cũng như mỗi cơ quan, công ty đều có những nội quy của mình, những người vi phạm nội quy ấy có thể bị kỷ luật hoặc buộc thôi việc. (Trên thực tế đã có một nhà báo khá tên tuổi bị kỷ luật trong trường hợp như vậy).
-          Ở mức độ cao hơn nữa, nếu thông tin  của nhà báo đưa lên Facebook gây nguy hiểm đến xã hội hoặc thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận thì đã có những quy định xử phạt như Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP nêu trên.

Vì vậy, dù những điều quan ngại của đại biểu Quốc hội Hà Minh Huệ là chính đáng, nhưng có lẽ không cần thiết phải đưa việc cấm nhà báo đưa lên Facebook thông tin trái với quan điểm đã đưa trên báo chí chính thống vào Luật Báo chí. Vấn đề này cũng giống như việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từ chối việc đưa Luật Báo chí can thiệp vào Facebook vậy.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 28/03/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét