Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Hành trình tạo các nút cảm xúc của Facebook

Vài tuần nay, người dùng Facebook đã rất thích thú sử dụng các nút cảm xúc mới bên cạnh nút Like (còn gọi là nút Reaction: phản hồi). Thế nhưng ít ai biết rằng để có thể đưa ra tính năng có vẻ đơn giản này, đội ngũ chuyên gia của Facebook đã mất hơn một năm trời.

Khởi nguồn

Nút Like trên Facebook ra đời từ 9-2-2009, có lẽ chính Mark Zuckerberg cũng không ngờ rằng cái nút đơn giản này có sức thu hút vô cùng lớn. Số liệu thống kê cho biết hiện nay mỗi ngày trên thế giới có tới 4,5 tỷ lượt Like.

Tại sao nút like lại được ưa chuộng như vậy? Câu trả lời là nó tiện lợi. Ở dưới mỗi post (hình ảnh, album, trạng thái) trên Facebook có 3 nút là: Thích, Bình luận và Chia sẻ. Bình luận và Chia sẻ thì đều phải có ghi gì đó, trong khi Like (Thích) thì chỉ cần một động tác bấm là xong. Với động tác Like đó tác giả của post biết được mình đã xem và bày tỏ cảm tình với post của họ.


Dùng nhiều thì nảy sinh ra nhu cầu. Người dùng đòi hỏi rằng đã có nút Like (Thích) thì phải có nút Dislike (Không thích) để bày tỏ cảm xúc đối với những nội dung họ ghét. Đòi hỏi này phát sinh đã nhiều năm, nhưng Facebook quyết không thực hiện. Không phải vì khả năng không cho phép mà Facebook cho rằng mạng xã hội của mình có tính nhân văn, thân thiện, không nên bày tỏ sự ghét bỏ như vậy đối với ai, nội dung gì.

Năm 2014, Facebook đưa ra một giải pháp cho những người muốn bày tỏ cảm xúc mà lười gõ bình luận như sau: trong phần bình luận, Facebook cho phép đưa vào các sticker (nhãn dán) là những biểu tượng tạo sẵn với nhiều cảm xúc khác nhau, người dùng thay vì bình luận chỉ cần chọn một biểu tượng phù hợp là nó sẽ xuất hiện trong nội dung bình luận của mình.

Giải pháp này cũng khá hữu dụng, nhưng người dùng vẫn chưa hài lòng. Họ vẫn muốn có một nút Dislike. Cách đây hơn một năm, Mark đã quyết định phải giải quyết vấn đề này và thành lập ra một nhóm nghiên cứu thực hiện.

Quá trình thực hiện

Nhóm thiết kế xác định rằng việc thiết kế chỉ một nút Dislike vừa không mang tính nhân văn, vừa không thỏa đáng, bởi vì trước một nội dung được nêu nào đó người ta không chỉ Thích hay Không thích mà còn có thể bày tỏ những cảm xúc khác nhau, như buồn bã, giận dữ, v.v… Vì thế họ quyết định rằng thay vì thiết kế một nút Dislike (nhiệm vụ khá đơn giản) họ sẽ thiết kế nhiều nút biểu hiện cảm xúc (nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều).

Điều khó khăn đầu tiên là phải xác định con người có những cảm xúc gì, và chọn bao nhiêu trạng thái cảm xúc thì đủ? Nhóm nhờ đến sự trợ giúp của một giáo sư tâm lý học tại UC Berkeley là Dacher Keltner. Ông này là cố vấn của bộ phim khoa học nổi tiếng Inside Out do Pixar sản xuất và cũng đã từng cộng tác với Facebook  trong việc xây dựng hệ thống sticker (nhãn dán).

Kết luận của nhà tâm lý học Keltener là: Cần phải có 20 – 25 biểu tượng cảm xúc khác nhau mới có thể biểu lộ đầy đủ những trạng thái cảm xúc của con người. Nhưng hơn 20 trạng thái cảm xúc là quá nhiều, không thể thực hiện được!

Nhóm thiết kế phải tìm cách giải quyết khác là chọn ra những trạng thái cảm xúc tiêu biểu nhất, được thể hiện nhiều nhất để làm nút cảm xúc. Họ xác định bằng cách nào? Họ tập trung vào việc khảo sát các biểu tượng cảm xúc mà người dùng thường thể hiện qua các sticker và các bình luận ngắn, thống kê lại để chọn những trạng thái được thể hiện nhiều nhất.

Kết quả, như ta đã biết, là bên cạnh nút Like truyền thống bây giờ có thêm 5 nút nữa, gọi là nút phản hồi (reactions) để thể hiện 5 cảm xúc khác nhau, lần lượt là: Yêu thích, Ha ha, Ngạc nhiên, Buồn bã và Giận dữ. Việc thiết kế hình ảnh của các biểu tượng cảm xúc này được các họa sĩ thể hiện sao cho vừa đơn giản vừa tinh tế.

Bài toán kế tiếp là bố trí các nút này như thế nào trên giao diện Facebook. Đầu tiên, nhóm thiết kế bố trí 5 biểu tượng mới thành hàng ngang bên cạnh nút Like hiện hữu. Tuy nhiên ngay trong khi thử nghiệm nội bộ điều này đã cho thấy bất ổn, vì chúng quá lộn xộn, làm rối mắt người dùng. Giải pháp thay thế được chọn là: “Gói” tất cả 5 nút mới vào một chỗ là nút Like, các nút này chỉ bung ra cho người dùng chọn lựa khi dừng con trỏ (trên máy tính) hay dừng ngón tay (trên điện thoại) ở nút Like hơi lâu một tí. Đây chính là giải pháp ta thấy hiện giờ.

Bài toán kế tiếp là bài toán thống kê lượt Like. Trước kia, khi chỉ có nút Like thì trên giao diện chỉ cần thể hiện bao nhiêu Like là đủ, còn bây giờ có tới 6 reactions thì thể hiện làm sao? Chẳng lẽ ghi dài dòng là x lượt Like, y lượt Love, z lượt Ha ha,… Giải pháp được chọn như sau: số liệu thống kê sẽ là số liệu tổng của tất cả các reaction đã được chọn, dưới mỗi bài viết, ở phía trước số liệu thống kê sẽ có 3 biểu tượng là 3 trạng thái cảm xúc được chọn nhiều nhất, khi người dùng dừng con trỏ ở biểu tượng nào thì sẽ có số liệu về những lần/người chọn biểu tượng cảm xúc đó, còn nếu muốn xem tất cả các lượt bấm cho tất cả các trạng thái cảm xúc thì click và số liệu thống kê.

Facebook Reactions trên một phiên bản thử nghiệm. Ta thấy có 2 khác biệt so với bản dùng hiện thời, một là có đến 6 nút cảm xúc bên cạnh nút Like (thay vì 5); hai là ở phần thống kê tính số lượng của từng loại cảm xúc (thay vì gộp chung tất cả).

Kết quả

Như vậy là hơn một năm trời kể từ khi Mark Zuckerberg quyết định “phải làm thêm cái gì đó bên cạnh nút Like” thì các nút Facebook Reactions mới ra đời. Tin vui cho Facebook là đến nay sau hơn 2 tuần ra mắt, phản hồi của người dùng là khá tích cực. Dù sao thì đây cũng là tính năng mới, thời gian ra mắt chưa lâu, chắc chắn là trong tương lai sẽ có những góp ý và Facebook sẽ có những cải tiến để làm vừa lòng người sử dụng.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 14/03/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét