YouTube là kênh chia sẻ video phổ biến nhất và lớn nhất thế giới. Tại
Việt Nam, có lẽ ai sử dụng Internet cũng đều đã từng xem video trên YouTube, và
trong đó không ít người đã tải những video của mình lên kênh này. Với độ phổ
biến rộng rãi, YouTube là một kênh quảng bá thương hiệu và truyền tải thông tin
hữu hiệu – nhất là việc đưa thông tin lên đây hoàn toàn miễn phí.
Quyền lợi rất nhiều
Ai cũng có thể tạo một tài khoản để tải video lên YouTube,
hoàn toàn miễn phí. Bạn có thể đặt tên cho kênh video của mình, mời mọi người
vào xem, và nếu bạn thường xuyên cập nhật video thì xem như bạn đã có một kênh
truyền hình online rồi đó!
Chẳng những có được kênh truyền thông trên mạng để truyền bá
thông điệp của mình, bạn còn có thể thu được tiền quảng cáo qua kênh này nếu có
nhiều người xem. Nữ tỷ phú trẻ người Mỹ gốc Việt Michelle Phan là một ví dụ
điển hình. Chỉ nhờ kênh video hướng dẫn cách làm đẹp cho phụ nữ trên YouTube mà
cô đã trở thành tỷ phú.
Với một kênh YouTube
tốt, bạn có thể thành tỷ phú.
YouTube chẳng những không gây khó khăn (đòi hỏi chi phí) mà
còn khuyến khích mọi người tải phim lên, bằng chính sách thưởng cho những kênh
video có nhiều người xem. Giải thưởng này đã đến Việt Nam từ năm ngoái và nhiều
người đã đạt được.
Quyền lợi nhiều như vậy, liệu người dùng có nghĩa vụ gì
không?
Nghĩa vụ của người
dùng
Với lượng người dùng (tải lên video clip) rất lớn, YouTube
cần phải có những chính sách tương đương như kiểm duyệt để kênh video toàn cầu
của mình không vi phạm các chuẩn mực về pháp lý và đạo đức. Những chính sách
này được YouTube công bố rõ ràng và người dùng buộc phải tuân theo.
Tóm tắt những ý chính như sau:
-
Chính sách bảo vệ quyền riêng tư, không cho phép đưa
lên hình ảnh, thông tin của một người mà không có sự đồng ý của người đó.
-
Không chấp nhận nội dung, ngôn từ kích động thù địch.
-
Không chấp nhận nội dung đe dọa bạo lực.
-
Không chấp nhận quấy rối và bắt nạt trực tuyến.
-
Không chấp nhận nội dung khiêu dâm hay ảnh khỏa thân.
-
Không chấp nhận nội dung gây hại hoặc nguy hiểm.
-
Không chấp nhận nội dung nguy hiểm đối với trẻ em.
-
Không chấp nhận mạo danh
-
Không chấp nhận vi phạm bản quyền
-
Vv…
Không chỉ YouTube kiểm tra các điều này mà họ còn nhờ vào
sức mạnh cộng đồng, bất cứ ai phát hiện sai phạm ở video clip hay kênh video
nào cũng đều có thể báo cáo đến YouTube (mẫu báo cáo YouTube cung cấp sẵn), các
báo cáo này sẽ được xem xét và nếu đúng thì clip hay kênh video ấy sẽ bị xóa
khỏi YouTube.
YouTube cũng chấp nhận đơn khiếu nại của ai đó nếu người này
phát hiện thấy clip/kênh video nào vi phạm quyền tác giả của mình. Nếu khiếu
nại là đúng, video/kênh video ấy sẽ bị xóa.
Sự việc của kênh VTV
trên YouTube
Mới đây một sự việc gây xôn xao dư luận là kênh video trên
YouTube của đài truyền hình Việt Nam VTV đã bị khóa từ ngày 29-02-2016. Sự việc
này như thế nào? VTV đã vi phạm điều gì trong các quy định trên của YouTube?
Như nhiều đài truyền hình khác, VTV có kênh của mình trên
YouTube để đăng lại những video đã phát trên TV. Kênh VTV - Đài truyền hình
Việt Nam hoạt động trên Youtube từ tháng 6-2014, với gần 10.000 video được đăng
tải, và có gần 95.000 lượt đăng ký theo dõi của người dùng YouTube (gọi là
Subscriber). Từ ngày 29-2, toàn bộ các video này đã bị khóa, lý do là kênh VTV
đã vi phạm chính sách bản quyền.
Sự việc xảy ra như
thế nào?
Vụ việc bắt nguồn từ đơn khiếu nại của chủ sở hữu kênh
YouTube tên Yamaha Trung tá. Người chủ kênh này là anh Bùi Trung Tuấn, sinh năm
1981, là giám đốc một công ty kinh doanh xe máy ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Anh
Tuấn là người mê flycam, nên đã thực hiện rất nhiều cảnh quay Việt Nam bằng
flycam và đăng các video này trên kênh Youtube của mình.
Cảnh trên kênh YouTube
Yamaha Trung tá
Cảnh trên VTV (ảnh
chụp màn hình)
Anh Bùi Trung Tuấn cho biết trong hơn 1 năm nay đã phát hiện
gần 20 vụ VTV lấy các đoạn clip của anh trên kênh YouTube Yamaha Trung tá để
lồng vào các chương trình phát sóng trên VTV (và sau đó được đăng tải lại trên
kênh YouTube của VTV) mà không hề xin phép tác giả cũng như không hề ghi xuất
xứ. Anh đã gửi đơn khiếu nại tới lãnh đạo VTV, Cục Bản quyền tác giả, Bộ
TT&TT để khiếu nại, nhưng từ ấy đến nay không hề nhận được phản hồi chính
thức từ lãnh đạo VTV. Vì vậy đến nước cùng, anh phải gửi khiếu nại lên YouTube.
Với chứng cứ rành rành, YouTube đã ra tay!
Điều đáng chú ý là kênh Yamaha Trung Tá đã được YouTube cấp
quyền và chứng nhận Content ID, đây là chứng nhận quyền sở hữu và sáng tác của tác
giả với mức: Chặn sao chép trái phép tác phẩm trên toàn cầu.
Bùi Trung Tuấn. Ảnh
trích từ clip trên kênh YouTube Yamaha Trung tá
Phản ứng của VTV
Vào lúc gần 22 giờ ngày 29-2-2016, trên website vtv.vn VTV
có thông tin chính thức như sau:
“Tối 28/02/2016, kênh Youtube có tên VTV-Đài Truyền hình
Việt Nam nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động do có khiếu nại của bên thứ ba
về vấn đề bản quyền.
Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại này là trong quá trình tác
nghiệp, một số biên tập viên của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản
xuất, sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự
chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung. Hiện, VTV đã và đang triển khai
những biện pháp xử lý nghiêm, chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ bản quyền, quyền tác
giả.
Sau khi kênh Youtube VTV - Đài Truyền hình Việt Nam tạm
ngưng hoạt động, Đài Truyền hình Việt Nam đã tích cực làm việc với các bên liên
quan để giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác và sớm khôi phục lại
kênh Youtube bị tạm ngưng.”
Nội dung thông tin này có vẻ khá “nhẹ nhàng”, lỗi được quy
về cho “một số biên tập viên”. Theo thông tin này thì VTV đang chọn giải pháp
xử lý cảnh báo bản quyền theo hướng thứ hai của 3 cách xử lý (xem box), đó là
liên hệ với tác giả để đề nghị rút khiếu nại.
Theo quy định của YouTube, thì sau khi bị cảnh báo 3 lần mới
bị khóa tài khoản (xem box), cộng với việc anh Bùi Trung Tuấn cho biết đã gởi
thư khiếu nại đến VTV cùng nhiều cơ quan chức năng khác trong cả năm trời mà
không có phản hồi từ VTV, chúng ta thấy rằng việc khóa kênh VTV trên YouTube
lần này không phải là đột ngột mà đã có nhiều thông báo từ trước, chẳng qua là
do VTV phớt lờ đi mà thôi! Có lẽ VTV cho rằng chuyện không có gì quan trọng vì
mình chỉ lấy vài đoạn ngắn để lồng vào chương trình khác chăng?
Tin mới nhất cho biết VTV đã tiến hành kỷ luật biên tập viên
có hành vi vi phạm bản quyền, đại diện VTV cũng sẽ đến Quảng Trị để làm việc với
anh Bùi Trung Tuấn vào chiều 6-8-2016.
Dù sự việc cuối cùng có được giải quyết thế nào đi nữa thì
câu chuyện cũng khiến chúng ta băn khoăn về trách nhiệm và sự nghiêm túc của
VTV, đồng thời đánh động những người dùng YouTube về việc tôn trọng bản quyền.
Câu chuyện cũng cho thấy YouTube (chủ sở hữu là Google) rất nghiêm túc, dứt
khoát và kịp thời xử lý vi phạm. Không đùa với YouTube được đâu!
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 07/03/2016
Giải thích của
YouTube về bản quyền
Thông tin cơ bản về
cảnh cáo bản quyền
Nếu bạn nhận được cảnh cáo bản quyền, điều đó có nghĩa là
video của bạn đã bị gỡ xuống khỏi YouTube vì chủ sở hữu bản quyền đã gửi cho
chúng tôi yêu cầu pháp lý hoàn chỉnh yêu cầu chúng tôi làm như vậy. Khi chủ sở
hữu bản quyền chính thức thông báo với chúng tôi rằng bạn không có quyền đăng
nội dung trên trang web, chúng tôi sẽ gỡ video mà bạn đã tải lên theo yêu cầu
của luật pháp.
Điều gì sẽ xảy ra với
tài khoản của bạn khi bạn nhận được cảnh cáo bản quyền?
Tài khoản của bạn sẽ có trạng thái xấu nếu nhận được cảnh
cáo bản quyền và bạn sẽ mất quyền truy cập vào các tính năng nhất định của
YouTube.
Nếu bạn nhận được ba cảnh cáo bản quyền, tài khoản của bạn
sẽ bị chấm dứt. Tất cả các video đã tải lên tài khoản của bạn sẽ bị xóa. Người
dùng có tài khoản bị chấm dứt sẽ không thể tạo tài khoản mới.
Cách giải quyết cảnh
cáo bản quyền
Có ba cách để giải quyết cảnh cáo bản quyền.
-
Chờ cảnh cáo hết hạn: Cảnh cáo bản quyền sẽ hết hạn sau
sáu tháng miễn là bạn hoàn tất Học viện về bản quyền và không nhận thêm cảnh
cáo bản quyền trong thời gian đó.
-
Rút đơn khiếu nại: Bạn có thể liên hệ với người đã
khiếu nại video của bạn và yêu cầu họ rút lại đơn khiếu nại vi phạm bản quyền.
-
Gửi thông báo chống khiếu nại: Nếu video của bạn bị xóa
do nhầm lẫn vì bị xác định nhầm là vi phạm hoặc đủ điều kiện là trường hợp sử
dụng hợp lý thì có thể bạn sẽ muốn gửi thông báo chống khiếu nại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét