Chỉ vài ngày nữa (ngày 1-7-2016) bộ Luật Hình sự năm 2015 sẽ có hiệu
lực thi hành. Điều 292 của bộ luật này về “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên
mạng máy tính, mạng viễn thông” đang gây nhiều chú ý và cả tranh cãi trong giới
công nghệ thông tin (IT). Một số nhận
định cho rằng căn cứ theo điều này thì Nguyễn Hà Đông – nhân vật IT nổi tiếng
thế giới với trò chơi Flappy Bird – sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nguyễn Hà Đông tại sự
kiện công nghệ nổi tiếng thế giới Wired BizCon ở Mỹ tháng 5/2014. Nguồn: Zimbio
Nội dung điều 292 Bộ
Luật Hình sự
Khoản 1, điều 292 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định chi tiết như
sau:
“1. Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên
mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được
cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc
có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền
từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến
02 năm:
a) Kinh doanh vàng trên tài khoản;
b) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
c) Kinh doanh đa cấp;
d) Trung gian thanh toán;
đ) Trò chơi điện tử trên mạng;
e) Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông
theo quy định của pháp luật.”
Nguyễn Hà Đông vi
phạm, và bị xử lý theo Bộ Luật Hình sự?
Giới chuyên môn phân tích như sau:
Theo Nghị định 72/2013 của Chính phủ thì để được cung cấp
dịch vụ trên mạng máy tính tính, mạng viễn thông như trò chơi điện tử trên
mạng, muốn được hợp pháp thì nhà cung cấp dịch vụ này phải là doanh nghiệp,
được thành lập theo pháp luật Việt Nam để được cung cấp dịch vụ trò chơi điện
tử thông qua việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò
chơi điện tử.
Nguyễn Hà Đông, với Flappy Bird, đã thực hiện dịch vụ cung
cấp trò chơi điện tử trên mạng (mục đ, khoản 1, điều 292). Anh cung cấp dịch vụ
này với tư cách cá nhân, không hề là một doanh nghiệp và như vậy tức là không
có giấy phép. Với Flappy Bird, Hà Đông có một khoản thu nhập không nhỏ. Theo
điều 292, nếu thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng là
vi phạm. Nguyễn Hà Đông không thu lợi bất chính, nhưng cũng theo khoản 1 điều
này thì dù không phải bất chính nhưng nếu thu lợi từ 500 triệu đến dưới 2 tỷ
thì vẫn là vi phạm. Nguyễn Hà Đông có thu lợi tới mức này không? Chúng ta không
biết chính xác con số thu nhập của anh từ Flappy Bird, nhưng chắc chắn nó vượt
rất xa con số nêu trên, bởi vì chỉ riêng thuế thu nhập mà Hà Đông đã nộp là 1,4
tỷ đồng (cơ quan thuế xác nhận)!
Như vậy rõ ràng là trường hợp của Nguyển Hà Đông đã rơi vào
phạm vi xử lý của khoản 1, điều 292, Bộ Luật Hành sự, anh sẽ “bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến
500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”. Còn hơn thế nữa,
vì thu lợi quá nhiều (theo ước tính là hàng chục tỷ đồng), Hà Đông sẽ bị xử lý
theo khoản 3, điều 292: “Phạm tội trong trường hợp thu lợi bất chính
500.000.000 đồng trở lên hoặc có doanh thu 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị
phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02
năm đến 05 năm.”.
Nguyễn Hà Đông không
vi phạm, và không bị xử lý?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công
ty Luật BASICO, cho biết ý kiến của mình như sau:
“Điều 292 Luật Hình sự mới có thể hiểu nhiều cách khác nhau,
nhưng với riêng trường hợp Nguyễn Hà Đông thì không thể khẳng định là kinh doanh
và bị chi phối bộ luật này.
Nếu như Nguyễn Hà Đông vận hành một công ty dịch vụ và đưa
sản phẩm trên mạng thì đó là kinh doanh, nhưng Hà Đông là người tạo ra sản phẩm
và sử dụng kênh để bán hàng độc lập, thì nghĩa vụ quan trọng nhất là nộp thuế.”
Ông Đức so sánh việc sáng tạo ra trò chơi Flappy Bird của
Nguyễn Hà Đông như là một sáng tạo nghệ thuật, như viết một quyển sách, sáng
tác một bản nhạc… Nghĩa vụ anh phải thực hiện là nộp thuế thu nhập (thì đã chấp
hành rồi) và tôn trọng bản quyền tác giả.
Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện
trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, rõ ràng quy định theo Điều 292
của Bộ Luật hình sự đang có những vấn đề, mà cần phải xem xét lại để đảm bảo
quyền tự do trong lĩnh vực này. Ông nói:
“Bộ luật hình sự đã ban hành rồi, nhưng nên xem xét trong
mối tương quan với TPP và đề nghị có thể điều chỉnh. Nên hỏi ý kiến những bên
về công nghệ thông tin, thương mại điện tử, nên nghiên cứu và có đề nghị chính
thức để xem xét và điều chỉnh điều luật này của Bộ Luật Hình sự để phù hợp hơn
với phát triển công nghệ thông tin”.
Nếu truy cứu trách
nhiệm hình sự Nguyễn Hà Đông?
Hiện nay, tại Việt Nam, Nguyễn Hà Đông được xem là thần
tượng cho giới trẻ trong lĩnh vực IT và là nguồn cảm hứng cho sáng tạo và phát
triển sản phẩm IT trong nước. Ở phạm vi quốc tế, Hà Đông được vào danh sách 30
Under 30 của Forbes Việt Nam, được trang web xếp hạng The Richest đưa vào danh
sách 10 triệu phú Internet phất lên từ con số 0. Trang Gamasutra thì bầu anh là
10 nhà phát triển game hàng đầu thế giới và Flappy Bird đứng vị trí thứ 5 trong
các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Hà Đông vẫn đi dự nhiều sự
kiện lớn của thế giới để nói về câu chuyện Flappy Bird và khởi nghiệp. Nhiều tờ
báo nước ngoài vẫn ca ngợi anh như một hiện tượng của Việt Nam.
Trong tình hình như vậy, nếu xử lý hình sự vụ việc Nguyễn Hà
Đông sẽ là một gáo nước lạnh tạt vào giới trẻ đang hào hứng khởi nghiệp, đặc
biệt là lĩnh vực công nghệ số, đồng thời sẽ làm môi trường kinh doanh xấu đi
đáng kể.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng sớm còn hơn muộn, việc sửa luật
trước khi có hiệu lực cần được cân nhắc để không phải trả những cái giá đắt. Cần
tạo ra không gian để những cá nhân như Nguyễn Hà Đông phát huy khả năng của
mình, tận dụng môi trường Internet hiện nay để sáng tạo và khởi nghiệp, đặc
biệt trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang kêu gọi tinh thần khởi
nghiệp mạnh mẽ.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 26/06/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét