Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Nghị định 72 có buộc đăng ảnh lên Facebook phải xin phép?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 72/216/NĐ-CP  quy định về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước về hoạt động nhiếp ảnh. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày 15-8-2016. Một số điều khoản, câu chữ trong Nghị định được giới chuyên môn phân tích để cho rằng  các cơ quan quản lý nhà nước đã can thiệp quá sâu vào hoạt động nhiếp ảnh, và nhất là cho rằng theo Nghị định này thì “đăng ảnh lên Facebook cũng phải xin phép”!

Phân tích như thế nào để cho rằng “phổ biến ảnh trên Facebook cũng phải xin phép”?

Nhiều trang mạng và cả báo chí chính thống như báo Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đều đã lên tiếng, cho rằng căn cứ theo một số điều khoản, câu chữ trong Nghị định thì việc phổ biến ảnh trên Internet thông qua các mạng xã hội, website,… đều phải xin phép. Như vậy việc đăng ảnh lên Facebook là chuyện mọi người thường xuyên làm hàng ngày cũng phải xin phép.


Phân tích ấy như sau:

Khoản 4 điều 3 của Nghị định quy định: “Tác phẩm nhiếp ảnh là sản phẩm sáng tạo thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác”. Theo định nghĩa này thì có thể hiểu hình ảnh bình thường được tạo ra từ các máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại có chức năng chụp hình… là tác phẩm nhiếp ảnh!

Khoản 9 điều 3 Nghị định quy định: “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet”. Với cụm từ “bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet” thì việc đăng ảnh trên mạng Internet được xem là “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh”.
Khoản 1 điều 11 Nghị định quy định: “Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp.”

Kết hợp 3 điều khoản trên dẫn đến kết luận: Đăng ảnh trên mạng Internet qua các công cụ, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Pinterest... hoặc qua các website cá nhân đều phải có giấy phép!

Ắt hẳn là cơ quan biên soạn Nghị định không có ý định quản lý quá chặt chẽ hoạt động cá nhân như vậy, tuy nhiên câu chữ của Nghị định là cơ sở pháp lý, và cách hiểu như nêu trên không có gì sai. Chính vì thế, không chỉ giới nhiếp ảnh mà cả mọi người sử dụng mạng Internet đều phản ứng mạnh với quy định này!

Phản ứng của cơ quan chức năng

Ngày 14-7-2016 báo Tuổi trẻ có bài “Phổ biến ảnh trên Facebook cũng phải xin phép” thì đến ngày 15-7-2016 Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có Công văn số 310/MTNATL gửi Cục Báo chí - Bộ Thông tin Truyền thông và Báo Tuổi trẻ về việc phóng viên báo Tuổi trẻ đưa thông tin sai.

Công văn do ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm ký có nội dung:

“Trên báo Tuổi trẻ ra ngày thứ Năm 14 tháng 7 năm 2016 có bài “Phổ biến ảnh trên Facebook cũng phải xin phép” của tác giả Vũ Viết Tuân.  Với đầu đề bài báo như vậy, tác giả Vũ Viết Tuân đã xuyên tạc nội dung của Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về hoạt động Nhiếp ảnh vừa mới được Thủ tướng ký ban hành.
Trong nội dung của Nghị định số 72/2016/NĐ-CP thì facebook không là đối tượng điều chỉnh của Nghị định và trong toàn bộ các điều, khoản của Nghị định cũng không có dòng chữ nào về facebook.

Với cách đặt đầu bài báo như vậy đã tạo nên dư luận không đúng với bản chất, gây hoang mang trong xã hội và những người hoạt động nhiếp ảnh.

Bằng Công văn này, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị báo Tuổi trẻ và tác giả Vũ Viết Tuân phải có đính chính và xin lỗi.”

Công văn của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm

Công văn của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm tỏ ra thiếu thuyết phục, khi không nêu được báo Tuổi trẻ đã “xuyên tạc nội dung Nghị định” như thế nào. Công văn viết: “trong toàn bộ các điều, khoản của Nghị định cũng không có dòng chữ nào về facebook”, thế nhưng như đã trích dẫn ở trên, Nghị định có nói đến Internet, mà Internet thì bao trùm tất cả, không chỉ Facebook mà còn rất nhiều thứ khác!

Giải thích của luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc công ty Luật Nay & Mai (Đoàn luật sư Tp Hà Nội) mang tính thuyết phục hơn. Ông nhấn mạnh đến Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng áp dụng được ghi trong Điều 1 và Điều 2 của Nghị định:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước về hoạt động nhiếp ảnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam.”

Như vậy, những người đăng hình lên Facebook, Zalo, Instagram… không phải tham gia hoạt động nhiếp ảnh thì hoàn toàn không phải đối tượng áp dụng của Nghị định này và không phải xin phép!

Vẫn chưa phải là ổn

Chấp nhận những giải thích về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ghi ở điều 1 và điều 2 của Nghị định, ta vẫn thấy còn chút lấn cấn. Đó là việc áp dụng đối với các nhà nhiếp ảnh. Hãy lấy một thí dụ cụ thể là trường hợp anh Dương Quốc Định. Anh Dương Quốc Định là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đang sống ở Đồng Nai, như vậy anh là một cá nhân “tham gia hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam” và là Đối tượng áp dụng của Nghị định. Như vậy những ảnh anh Định đưa lên trang Facebook của mình có phải xin phép không? Ngoài ra anh còn có website để giới thiệu ảnh của mình đến với bè bạn, khách hàng, có phải xin phép không?

Bên cạnh trường hợp đặc biệt của anh Dương Quốc Định, còn rất nhiều trường hợp của các nhà nhiếp ảnh ít tên tuổi khác (là người “tham gia hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam”) thông qua mạng Internet như một phương tiện để giới thiệu, chào bán các tác phẩm nhiếp ảnh của mình. Họ có phải xin phép không?

Để tránh những sự diễn giải khác nhau, dẫn đến việc áp dụng Nghị định không thuyết phục, có lẽ chí ít cần phải có một Thông tư để giải thích rõ hơn về Nghị định này.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 18/07/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét