Gần đây, trên mạng xã hội rộ lên hiện tượng các bạn trẻ post hình của
mình trong y trang của các nhân vật kiếm hiệp hay lịch sử Trung quốc. Trào lưu
này gây sốt và tạo nên hai luồng dư luận tranh cãi: Nên hay không nên?
Ứng dụng gì tạo ảnh
cổ trang?
Đó là một ứng dụng mang tên Pitu, có thể được tải một cách
dễ dàng và miễn phí trên Android hoặc iOS.
Ứng dụng Pitu trên
Google Store
Như thông tin trên ảnh cho thấy, đây là một ứng dụng của
Tencent Technology Company (Trung quốc).
Cách sử dụng rất đơn giản. Sau khi cài đặt xong, chỉ cần mở
lên, vào mục Crazy ex-face rồi tải về và chọn những hiệu ứng mà mình muốn. Sử
dụng ảnh chụp của mình, người dùng chọn những trang phục, hiệu ứng cần thiết là
biến ngay thành nhân vật trong phim cổ trang. Các hình ảnh này có thể chia sẻ
dễ dàng trên mạng xã hội, như Facebook, Instagram.
Pitu được ưa chuộng vì nó dễ dùng, đẹp và vui nhộn. Thông
tin trên Google Store cho thấy đến nay có đến hơn 5 triệu lượt tải về và điểm
trung bình được chấm là 4,3 (khá cao!).
Phản ứng của cộng
đồng mạng
Trong khi số đông bạn trẻ ưa thích và sử dụng ứng dụng Pitu
này thì số đông khác bày tỏ ý kiến không đồng tình. Đầu tiên, và cũng gây tác
động lớn nhất là ý kiến của một nhân vật nổi tiếng: danh hài Hoài Linh. Hoài
Linh nói rằng anh không thích gương mặt bị biến dạng bởi các ứng dụng, nhìn vào
trang cá nhân của bạn bè mình thấy xa lạ. Có thể đoán rằng đó chỉ là lý do mà
Hoài Linh đưa ra, còn bên trong có những ẩn ý khác mà anh không nói rõ. Anh
tuyên bố rằng sẽ hủy kết bạn (trên Facebook) với bất cứ ai sử dụng ứng dụng
Pitu. Hưởng ứng ý kiến này, giới nghệ sĩ bạn bè anh và fan hâm mộ cũng lên
tiếng chê bai những người chạy theo trào lưu này.
Các chuyên gia công nghệ thông tin thì góp thêm một góc nhìn
khác rằng khi cài đặt và sử dụng, Pitu đòi hỏi người dùng cung cấp thông tin cá
nhân “nhiều một cách bất thường”. Thí dụ
như ứng dụng đòi hỏi được can thiệp vào quyền ghi âm (không liên quan gì tới
việc chỉnh sửa ảnh), quyền đóng các ứng
dụng khác, quyền được phép chạy khi khởi động… Điều đó khiến người ta nghi ngờ
rằng Pitu có thể là một phần mềm gián điệp, ngầm thu thập thông tin của người
dùng để phục vụ những ý đồ bất chính.
Nên hay không nên sử
dụng?
Những người ủng hộ sử dụng Pitu cho rằng đây chỉ là một trò
giải trí vui vẻ, không nên trầm trọng hóa vấn đề rằng đây là một trò “nhố
nhăng”, rồi “hủy kết bạn” hoặc tranh cãi gây mất hòa khí.
Vế mặt kỹ thuật, vì đây là một ứng dụng của Trung quốc, mà
các ứng dụng khác của nước này từng có “tiền sự” là cài phần mềm gián điệp rồi
nên không thể chủ quan. Việc cài một phần mềm gián điệp vào ứng dụng để thu
thập thông tin của người dùng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Không ai có thể
bảo đảm ứng dụng không chứa mã độc (nếu công ty sản xuất ứng dụng tuyên bố là
không có mã độc thì lại… càng khó tin hơn nữa!).
Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng có thể dùng Pitu cho vui,
nhưng người dùng phải cẩn trọng trước các nguy cơ bị xâm nhập, lấy cắp dữ liệu
trên điện thoại, cùng nhiều nguy cơ chưa lường trước.
Hà An
LĐĐN - 20/02/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét