Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Những tin nhắn tự động biến mất sau 24 giờ

Facebook vừa cho ra đời một tính năng mới: Messenger Day (Ngày của bạn). Tính năng này nằm trong ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger, giúp người dùng chia sẻ các hoạt động của mình qua video và hình ảnh. Điều khác biệt là mặc dù người dùng Messenger Day có thể chia sẻ với mọi người hoặc chọn các thành viên trong gia đình hay bạn bè để họ có thể xem và phản hồi tin nhắn của bạn tương tự như các ứng dụng nhắn tin khác, nhưng tất cả nội dung này sẽ tự động biến mất sau 24 giờ.

Messenger Day

Messenger Day chỉ có trên smartphone, không có trên máy tính, và hiện giờ đã có bản trên Android lẫn iOS. Theo Facebook, Messenger Day tập trung vào tính năng chụp ảnh và giúp người dùng chia sẻ những gì xảy ra trong ngày của mình một cách trực quan với bạn bè, người thân. Những người ấy có thể chat với bạn để tạo nên các cuộc trò chuyện thú vị. Tất cả những điều này sẽ biến mất sau 24 giờ!

Messenger Day trên Facebook. Ảnh: Facebook


Những tính năng của Messenger Day như sau:

-          Chụp ảnh hoặc quay video clip (bằng camera trên điện thoại) bằng cách chạm hoặc vuốt nhẹ khi đang chat hoặc vừa mở Messenger Day.
-          Tạo các hiệu ứng đặc biệt cho hình ảnh hoặc video. Facebook cung cấp sẵn hơn 5.000 khung hình, hiệu ứng, sticker để tùy chỉnh.
-          Đăng lên Messenger Day.
-          Chọn đối tượng để chia sẻ: sau khi tùy chỉnh video hoặc hình ảnh và đưa lên Messenger Day, người dùng có thể gửi cho bạn bè, người thân hoặc nhóm trên Facebook.
-          Kiểm soát và chia sẻ Messenger Day của mình.

“Khoảnh khắc” của Zalo

Một tính năng tương tự với Messenger Day của Facebook đã được Zalo cho ra mắt cách đây gần 3 tháng, vào dịp Noel 2016. Chỉ cần cập nhật Zalo phiên bản mới (trên Android hoặc iOS đều có) là bạn sẽ có tính năng này trên smartphone của mình.

Tính năng “Khoảnh khắc” giúp người dùng chia sẻ hàng loạt những hoạt động trong ngày mà không hề spam đến những người xung quanh. Trên Zalo, tính năng này sẽ được hiện lên thanh riêng biệt, tự động xoá dữ liệu sau 24 giờ và cũng không hiển thị trạng thái thích, bình luận hay thái độ của người xem.

“Khoảnh khắc” cũng cho phép người dùng chèn thêm những ký tự, vẽ hình, thêm những icon vui vẻ, lựa chọn filter đa dạng trong quá trình chụp hoặc quay phim trước khi chia sẻ chúng với bạn bè.

“Khoảnh khắc” trên Zalo

Thực ra, Messenger Day của Facebook hay Khoảnh khắc của Zalo đều là sự sao chép ý tưởng từ một ứng dụng cực kỳ nổi tiếng khác: Snapchat.

Snapchat: Một ứng dụng “không giống ai”

Snapchat là một ứng dụng tin nhắn hình ảnh ra đời vào tháng 9/2011. Sử dụng ứng dụng này, người dùng có thể chụp ảnh, quay video, thêm văn bản và hình vẽ vào, và gửi chúng vào danh sách người nhận có kiểm soát. Những hình ảnh và video gửi được gọi là Snaps. Điều khác thường của ứng dụng này là sau 1 – 10 giây (do người sử dụng thiết lập) sau khi người nhận xem snaps thì nó sẽ hoàn toàn biến mất trên thiết bị của họ và cả trên máy chủ Snapchat.

Ý tưởng “điên rồ” đó đã giúp Snapchat nhanh chóng chinh phục giới trẻ tại Mỹ. Bởi vì họ có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, những lời chia sẻ mà chẳng sợ chúng bị phát tán rộng rãi như ở trên Facebook hay các ứng dụng khác. Với Snapchat, đơn giản là: nói xong rồi thì… quên nó đi!

Đồng sáng lập và là ông chủ của Snapchat là một chàng trai rất trẻ, sinh năm 1990: Evan Spiegel.

Năm 2013, Facebook đưa ra lời đề nghị: Mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD. Lời đề nghị này được giới chuyên môn xem là điên rồ, đó là cái giá cao đến mức không tưởng cho một ứng dụng mới có 2 năm tuổi và chưa mang lại lợi nhuận gì cả. Thế nhưng câu trả lời của Spiegel (lúc đó mới 23 tuổi) còn điên hơn, và “không giống ai”: Không bán! Có thông tin rằng đến lượt Google ra giá mua Snapchat 4 tỷ USD. Spiegel vẫn trả lời: Không bán!

Từ đó đến nay Snapchat liên tục phát triển và đưa ra những tính năng mới, trong đó có tính năng Snapchat Stories ra đời năm 2013. Đây chính là tính năng mà Messenger Day sao chép gần như nguyên xi. Giá thị trường của Snapchat hiện nay được ước tính là 34 tỷ USD!

Tin nhắn là để lưu, sao lại xóa?

Khi bạn đăng tải lên Facebook, Twitter… hay khi nhắn tin, gửi hình qua Viber, Zalo… thì chắc chắn bạn đều muốn những thông tin đó được lưu lại để có thể xem về sau. Vậy hà cớ gì lại tự động xóa đi, và tại sao tính năng này lại được ưa thích?

Có lẽ nhiều người sẽ có thắc mắc như vậy, và đây là câu trả lời tại sao những ứng dụng kiểu như Snapchat Stories, Messenger Day hay Khoảnh khắc được ưa thích:

Không phải tất cả mọi thứ bạn đều muốn lưu trữ. Có những khoảnh khắc, tình huống mà bạn muốn chia sẻ nhanh với bạn bè, người thân – giống như họ đang ở bên cạnh bạn – rồi cười vui mà cho qua. Bạn sẽ không cần ai đó bấm “Thích” hay “Nhận xét” cho thêm rườm rà phức tạp. Khi đăng khoảnh khắc lên ứng dụng, sẽ chẳng ai thấy được sự “Thích”, “Nhận xét” của người khác, sẽ không còn sợ tình trạng bị chê bai hay “đánh giá” gây hoang mang như chia sẻ bằng các hình thức thông thường khác. Bạn có thể đưa lên hoặc xoá chúng ngay nếu thấy không hài lòng. Nếu bạn không xóa đi thì mọi “dấu vết” cũng đều sẽ biến mất sau 24 giờ như chưa có gì xảy ra.

Hãy hình dung những tình huống:

-          Đi học xa nhà, có chuyện gì vui/buồn đưa lên Messenger Day những hình ảnh cho ba mẹ xem.
-          Ngồi chờ ở sân bay, nhà ga, đưa hình lên Messenger cho người yêu xem cảnh mình đang… mỏi mòn.
-          Bạn bè gặp nhau, đùa nghịch và đưa hình ảnh, video lên Messenger Day cho những người bạn vắng mặt hình dung buổi gặp mặt thế nào.
-          V.v…

Những tình huống ấy giúp những người thân, bạn bè ở xa thấy như ở bên cạnh, và mọi việc sẽ trôi qua y như cuộc sống đời thường. Những khoảnh khắc ấy, biết và chia sẻ cùng nhau để thấy gần gũi, đâu cần phải lưu lại, đâu cần phải có ai đó “Thích” hay “Nhận xét”, hay lôi ra để bình phẩm khen chê, phải không?


Thái Thư
LĐĐN - 20/03/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét