Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Quảng cáo trên clip xấu ở YouTube

Với lượng người xem cực lớn, YouTube là một kênh quảng cáo rất hiệu quả. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa quảng cáo sản phẩm của mình lên kênh video này. Gần đây, xuất hiện một số quảng cáo của doanh nghiệp trên các clip YouTube có nội dung xấu như đồi trụy hay chống phá chế độ, điều này là vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp có quảng cáo sai phạm như trên phải làm văn bản giải trình và hai Bộ của Việt Nam phải vào cuộc.

Sai phạm như thế nào?

Thật sự về nội dung các mẫu quảng cáo của doanh nghiệp – có thể là clip hay hình ảnh, văn bản – không có gì sai phạm. Các mẫu quảng cáo này đã từng xuất hiện trên kênh truyền hình, trên báo hay trên mạng và đã được cấp phép. Sai phạm ở chỗ các mẫu quảng cáo này đặt ở đâu. Trong trường hợp này là đặt trên các clip YouTube có nội dung xấu như đồi trụy, bạo lực hay chống phá chế độ. Các clip này vi phạm pháp luật Việt Nam và về nguyên tắc thì không được lưu hành tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có mẫu quảng cáo xuất hiện trên các clip xấu này bị vạ lây.


Khá nhiều nhãn hàng đang kinh doanh tại Việt Nam như Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha,... bị rơi vào tình huống này. Các doanh nghiệp cho biết họ không chủ động thực hiện hành vi phạm pháp và làm văn bản giải trình gửi lên Bộ Thông tin & Truyền Thông (Bộ TT&TT). Bộ đã kiểm tra thực trạng quảng cáo trên YouTube và có văn bản gửi đến Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (Bộ VH) để có ý kiến.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: Tại sao doanh nghiệp là người trả tiền để đăng quảng cáo mà lại bảo rằng mình không chủ động đặt quảng cáo tại đâu? Để trả lời câu hỏi này ta cần tìm hiểu sơ qua cơ chế quảng cáo trên YouTube.

Quảng cáo trên YouTube

Doanh nghiệp có thể thực hiện một clip để quảng cáo cho sản phẩm của mình rồi độc lập tung clip đó lên YouTube. Kế đến là chọn các phương thức quảng cáo để người ta xem clip của mình (tức là quảng cáo cho mẫu quảng cáo). Thực hiện cách này thì sẽ không vi phạm như tình huống nêu trên. Ta sẽ xem xét các phương thức quảng cáo trên YouTube khác.

  1. Quảng cáo YouTube trong luồng (True View)
Khi bạn đang xem video clip trên YouTube, có thể bạn sẽ thấy chen vào clip chính một đoạn clip quảng cáo, có nút “Skip Ads” giúp người xem bỏ qua quảng cáo video trong sau 5s. Đây chính là dạng quảng cáo YouTube trong luồng. Đoạn quảng cáo này có thể xuất hiện trước khi, trong khi hay sau khi phát video chính.

Nếu người xem không nhấn Skip Ads bỏ qua quảng cáo, hoặc nhấn Skip Ads sau khi đã xem clip quảng cáo hơn 30 giây thì sẽ được tính là một lần xem quảng cáo. Người đăng quảng cáo trả tiền quảng cáo theo đơn giá x số lần xem.

  1. Quảng cáo hiển thị trên YouTube
Khi xem video clip trên YouTube, bạn có thể thấy những ô quảng cáo nhỏ xuất hiện trên màn hình, thường là nằm ở bên dưới, nhưng cũng có khi ở các vị trí khác. Khi click vào các mẫu quảng cáo này thì sẽ mở ra trang web của đơn vị quảng cáo. Đây gọi là quảng cáo hiển thị của Google trên YouTube (Google Display Network).

Tương tự như trên, chỉ khi người xem click vào mẫu quảng cáo thì người đăng quảng cáo mới phải trả tiền. Số tiền được tính bằng đơn giá x số lần click.

Một ví dụ về quảng cáo hiển thị trên YouTube: Mẫu quảng cáo xuất hiện trên phim Tuổi thanh xuân của VTV

Đó là hình thức quảng cáo. Vấn đề lớn nằm ở phương thức đặt quảng cáo.

Người quảng cáo sẽ cung cấp nội dung quảng cáo của mình, đề nghị hình thức quảng cáo, kèm theo một số mong muốn như: muốn quảng cáo trên clip có nội dung gì, ở đâu, thành phần người xem là ai… YouTube sẽ tự động đưa quảng cáo này lên những clip và tình huống mà họ thấy phù hợp nhất, kể cả trang web nước ngoài nếu có yêu cầu. Thí dụ như quảng cáo sản phẩm là mỹ phẩm thì YouTube sẽ chủ động đưa lên các clip có nội dung là phụ nữ, sắc đẹp…, đối tượng xem là phụ nữ, trẻ. Nếu người đăng quảng cáo yêu cầu cả về địa phương thì YouTube sẽ chọn lọc xuất hiện quảng cáo khi người xem ở tại những địa phương đó.

Ưu điểm và nhược điểm nằm ngay ở chỗ này. Người đặt quảng cáo sẽ không cần phải kháo sát xem những clip nào (và thực tế là không thể vì số clip quá nhiều và thường xuyên cập nhật) để đặt quảng cáo, YouTube tự lo tất cả. Vậy thì có thể xảy ra tình huống đối tượng xem và nội dung clip phù hợp với dạng khách hàng mong muốn nhưng clip lại có nội dung xấu. Ví dụ: quảng cáo mỹ phẩm rơi vào một clip sex! Tình huống như thế ngoài tầm kiểm soát của bên đặt quảng cáo.

Ở góc độ khác, chủ sở hữu clip (người đưa clip lên YouTube) được hưởng quyền lợi là được chia phần trăm thu được từ tiền quảng cáo nếu người xem click vào quảng cáo khi xem clip của mình. Clip càng có nhiều người xem thì họ càng có nhiều tiền. Thay vì tạo những clip có nội dung hay và lành mạnh, những tác giả clip này lợi dụng thị hiếu tầm thường của người xem để đưa lên những clip nhảm nhí, dễ làm nhưng dễ thu hút như clip bạo lực, sex, hay chống phá chế độ. Kết quả là những clip dạng này tràn lan trên YouTube chỉ với mục đích kiếm tiền!

Biện pháp xử lý

Dù không chủ động nhưng các doanh nghiệp đăng quảng cáo vẫn phải chịu trách nhiệm nếu mẫu quảng cáo của mình xuất hiện trên video clip xấu. Ngoài việc vi phạm pháp luật, việc xuất hiện nhãn hàng trên các clip xấu còn có thể khiến họ bị mất thiện cảm trong cái nhìn của người tiêu dùng chân chính. Vì thế, ngay khi phát hiện sai sót, một mặt Bộ VH yêu cầu họ phải dừng ngay các quảng cáo, mặt khác các doanh nghiệp này cũng chủ động cắt quảng cáo để khỏi phải tốn chi phí mà lại gánh hậu quả tai hại.

Chịu trách nhiệm kế tiếp là các agency (đại lý quảng cáo). Các agency này là trung gian giữa doanh nghiệp muốn đăng quảng cáo và các kênh quảng cáo như YouTube. Agency có nhiệm vụ đàm phán, ký hợp đồng với doanh nghiệp, đảm bảo thỏa mãn các yêu cầu ràng buộc khi quảng cáo và làm việc lại với YouTube. Vì vậy, nếu trong hợp đồng đã ghi rõ các yêu cầu mà sai phạm vẫn xảy ra thì các agency này phải chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính YouTube. YouTube cần phải có một cơ chế lọc, sao cho không để các đặt hàng quảng cáo rơi vào clip xấu, có nội dung vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục Việt Nam. Nhưng trước đó nữa, YouTube cần có một cơ chế kiểm duyệt để các clip xấu này không được tung lên trang của mình. Điều này xem ra khó thực hiện, vì YouTube là một kênh truyền thông toàn cầu, không bị chế tài bởi pháp luật Việt Nam nên các nội dung từ các nơi khác trên thế giới vẫn được quyền tải lên dù rằng chúng không phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục Việt. Dù vậy, vẫn có thể có những giải pháp kỹ thuật để ngăn việc truy cập các nội dung ấy tại Việt Nam.

Về phía các Bộ, ngay khi phát hiện sai phạm, Bộ TT&TT đã gửi công văn hỏa tốc đề nghị Bộ VH kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo của các cá nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Bộ VH đã có công văn về việc xử lý vi phạm với hoạt động quảng cáo này, khẳng định sẽ kiểm tra và xử phạt YouTube do không thực hiện quy định về quảng cáo đối với các trang thông tin điện tử xuyên biên giới.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 06/03/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét