Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Sony dự đoán: 10 năm nữa là ngày tàn của smartphone

Tuần qua, trong thời gian có mặt tại Úc để hỗ trợ quỹ từ thiện Sony Foundation, ông Kazuo Hirai – chủ tịch Sony Corporation – đã trao đổi với AFR (Thời báo Tài chính Australia) về các chiến lược dài hạn của Sony, trong đó ông dự đoán rằng 10 năm nữa smartphone sẽ… hết thời!

Chính sách của Sony đối với smartphone hiện nay

Người tiêu dùng trước nay vẫn biết Sony có thương hiệu smartphone nổi tiếng là Xperia, kèn cựa với Apple và Samsung. Tuy nhiên thời gian gần đây Sony có vẻ im hơi lặng tiếng khi Apple và Samsung lần lượt tung ra những sản phẩm mới đình đám.

Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng trên AFR ngày 8/4, ông Kazuo Hirai cho biết: Sony sẽ tiếp tục sản xuất smartphone cho các nhà bán lẻ và các nhà mạng. Tuy nhiên, Sony hiện nay không còn tham gia các phân khúc smartphone từ tầm trung trở xuống nữa mà tập trung cho cho phân khúc cao cấp (high-end) với chính sách giá cao “khác người”.

Ông Kazuo Hirai. Ảnh: Dominic Lorrimer trên AFR

Ông Kazuo Hirai nói rằng Sony không đặt trọng tâm là phải cạnh tranh với các ông lớn khác như Apple hoặc Samsung, mà chỉ đáp ứng các nhu cầu của các nhà bán lẻ và các nhà mạng di động, thông qua đó các đối tác này sẽ giúp Sony có thể nhanh chóng đưa các ý tưởng mới của mình ra thị trường. 

Tầm nhìn 10 năm tới

Giải thích lý do vì sao Sony “nhường sân” cho Apple và Samsung trong mảng smartphone, ông Hirai cho biết:

Sony không đặt mục tiêu chiến thắng trong cuộc chơi thiết bị cầm tay nữa, mà thay vào đó sẽ để mắt đến những gì sẽ diễn ra sắp tới.

Ông Hirai nói rằng một mặt ông vẫn muốn Sony đứng vững trong thị trường điện thoại di động nhưng mặt khác phải quan tâm đến điều sẽ xảy ra trong tương lai – dù chậm hơn – đó là những quy luật thị trường sẽ diễn ra bất chấp khả năng cạnh tranh giữa Sony với Apple và Samsung sẽ như thế nào.

Ông nói: “Nếu chúng ta không còn giao tiếp với nhau từ xa bằng điện thoại, sẽ có những loại thiết bị và mạng giúp mọi người liên lạc với nhau từ xa.”

Và đây là điều quan trọng nhất nói lên chiến lược của Sony: “Một sự chuyển đổi mang tính hệ thống (paradigm shift) sẽ diễn ra khoảng 10 năm một lần trong cách mọi người truyền thông với nhau, nhưng nếu hiện giờ chúng tôi không duy trì sự hiện diện của mình trong mảng kinh doanh smartphone thì chúng tôi sẽ không thể đóng vai trò gì và cũng không thể sáng tạo nên sự chuyển đổi mang tính hệ thống ấy, cơ bản là chúng tôi sẽ phải bỏ cuộc và đánh mất mối quan hệ với các nhà bán lẻ và nhà mạng trên toàn thế giới”.

“Nếu điều đó xảy ra thì khi ấy dù chúng tôi có nghĩ ra ý tưởng gì chăng nữa thì cũng không thể đưa chúng ra thị trường kịp thời.”

Ông Hirai nói Sony không có một ý tưởng kiên định rằng truyền thông di động sẽ thay đổi trong bước tiếp theo như thế nào, nhưng nói rằng công ty đang thí nghiệm các sự phát triển liên quan đến IoT (Internet của Vạn vật), nơi mà những điểm trong nhà và văn phòng sẽ được kết nối với nhau. Công ty cũng đã sẵn sàng đưa ra những dạng thiết bị khác phù hợp với điều này như thiết bị đeo tai (in-air device) thay vì thiết bị cầm tay như smartphone.

Sony bước vào thực tế ảo với thiết bị chơi game PlayStation VR, nhưng hứa hẹn sẽ mở rộng hơn nữa

Ông Hirai dự đoán rằng trong 10 năm tới, hình thức smartphone cầm tay như hiện nay sẽ không được người tiêu dùng chọn lựa nữa, mà thay vào đó sẽ là các dạng thiết bị khác. Sự tăng trưởng của thực tế ảo (virtual reality, VR) sẽ tạo nên sự thay thế hợp lý. Trong tình huống đó, Sony sẽ có một lợi thế to lớn, do công ty đã đi trước nhiều đối thủ khác trong lĩnh vực VR. Ban đầu, Sony hình thành VR như một nền tảng giải trí (chơi game), nhưng dần về sau là các nội dung không phải game. Khi người ta cần PS4 và PlayStation VR, đó là một thế mạnh to lớn của Sony vì họ đã có sẵn từ lâu.

Những lợi thế ban đầu

Cuối năm ngoái, hãng khảo sát Telsyte đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu về thị trường VR mới nổi lên ở Úc và dự đoán rằng có 115.000 chiếc VR headset sẽ được bán ở Úc trong 6 tháng cuối năm 2016 và tăng trưởng lên hơn 500.000 chiếc trong năm 2017.

Ông Hirai cho biết có 46% số VR headset được bán ra này là dùng cho các hệ thống máy chơi game hỗ trợ VR. Sony cũng dự báo rằng vào năm 2020, có 3,3 triệu thiết bị VR sẽ được bán ở Úc, và VR sẽ có mặt tại 2,5 triệu gia đình, hay với 22,3% số dân của Úc.

“Chúng tôi có rất nhiều nhóm doanh nghiệp chuyên nghiệp trong việc sử dụng các camera chuyên dùng tạo nên những nội dung thực tế ảo, trong đó phải kể đến vai trò rất quan trọng của Sony Pictures và Sony Music”, ông nói.

“Như vậy, đối với công ty việc thành công của VR là rất quan trọng, nó không chỉ giúp mảng kinh doanh game phát triển mà còn là mái chèo đưa con thuyền Sony về phía trước. Chúng tôi đang đứng ở vị trí có lợi thế hơn so với những công ty khác đang theo đuổi VR, bởi vì chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.”

Tóm lại, theo ý ông Kazuo Hirai thì trong vòng 10 năm tới, các thiết bị thực tế ảo (VR) khác sẽ dần thay thế smartphone để thành phương tiện truyền thông của mọi người. Khi ấy Sony sẽ có lợi thế lớn vì đã có kinh nghiệm về VR. Vì vậy, trong thời gian này Sony vẫn tiếp tục đi cùng smartphone ở phân khúc cao cấp để giữ mối quan hệ với khách hàng và nhà mạng, trong khi vẫn nỗ lực khai thác thế mạnh của mình về VR để khi smartphone hết thời thì Sony đã có sẵn lợi thế áp đảo.


Phạm Hoài Nhân
Theo Australian Financial Times Weekend
LĐĐN - 17/04/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét