Ngày 12-6, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật An Ninh Mạng. Ngay
sau đó, một trang web đăng bài “phỏng vấn người đại diện Facebook tại Việt Nam”
về vấn đề này, và bài viết được nhanh chóng chia sẻ trên Facebook cùng nhiều
trang mạng khác.
Bài viết có tựa đề là “Facebook đang nhanh chóng hoàn thiện
pháp lý để đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam”, đưa ra những thông tin có vẻ
như xác thực, kèm ảnh bà Lê Diệp Kiều Trang, giám đốc Facebook tại Việt Nam. Bài
báo viết: “đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết hoạt động của Facebook không
hề bị ảnh hưởng tại Việt Nam. Hơn thế nữa, Luật sẽ mở ra nhiều cánh cửa giúp
Facebook hoạt động tốt hơn, cũng như phối hợp tốt hơn với Chính phủ Việt Nam
trong tương lai.”
Rất nhiều người đã tin ngay rằng đây là nguồn tin chính thức
và nhanh chóng chia sẻ trên trang Facebook của mình. Tuy nhiên, với những người
trong nghề sẽ thấy ngay thông tin này có vấn đề.
Theo quy định của đa số công ty nước ngoài (nhất là các công
ty lớn như Google, Microsoft, Intel, Facebook, Apple) thì việc phát biểu các
vấn đề về chính sách của công ty, quan hệ của công ty với cấp nhà nước đều phải
do tổng hành dinh, hoặc cấp vùng của công ty trả lời. Người đại diện của công
ty tại quốc gia đó chỉ có quyền giải
quyết và phát biểu về những hoạt động kinh doanh cụ thể tại địa phương thôi.
Nếu bà Lê Diệp Kiều Trang dám thay mặt Facebook để trả lời những nội dung như
trong bài báo thì sẽ bị mất chức như chơi (cho dù không nói sai)!
Đúng như vậy, ngay ngày hôm sau, lúc 9 giờ 50 ngày 13-6 trên
trang Facebook của mình, Christy Le (tức Lê Diệp Kiều Trang) đã có dòng thông
báo như sau:
Trang Facebook của
Christy Le (Lê Diệp Kiều Trang). Xin chú ý dấu xác nhận của Facebook ngay phía
sau tên, chứng nhận rằng đây là trang “chính chủ”
“Cả nhà ơi, mình chưa bao giờ trả lời báo chí về Luật An
Ninh Mạng như một số nơi đưa tin nha. Ở Facebook, mình hỗ trợ các khách hàng
doanh nghiệp Việt Nam, nên chắc chắn mình không bao giờ phát ngôn những vấn đề
bên ngoài phạm vi công việc của mình. Cám ơn cả nhà đã hỏi thăm.”
Như vậy, rõ ràng thông tin trong bài báo là giả. Điều trớ
trêu là việc chia sẻ nguồn tin giả mạo này diễn ra ngay sau khi Facebook và
Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức một hội nghị để khởi
động chương trình giáo dục an toàn trên mạng – Think Before You Share (Suy nghĩ
trước khi chia sẻ) - với sự tham gia của hơn 100 tổ chức phi chính phủ Việt
Nam. Mục tiêu của chương trình là cung cấp cho thanh thiếu niên Việt Nam các bộ
công cụ và hướng dẫn về việc chia sẻ thông tin một cách an toàn và có trách
nhiệm trên mạng xã hội (báo Lao Động ĐN đã đưa tin trong số báo trước).
Rất may là nguồn tin này không gây tác hại lớn cho xã hội và
được đính chính kịp thời. Tuy vậy, một lần nữa nó là tín hiệu cảnh báo mọi
người chớ nên vội vã chia sẻ những thông tin nhạy cảm và chưa được kiểm chứng.
Phạm Hoài Nhân
Lao Động Đồng Nai - 18/06/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét