Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Thông tin trên mạng xã hội có độ tin cậy rất thấp

Thời gian gần đây, bên cạnh thông tin từ những nguồn chính thống thì thông tin từ mạng xã hội là một nguồn không nhỏ. Tuy vậy, cùng với việc có nhiều nguồn thông tin là các vấn nạn về tin giả, tin không khách quan (thiên vị)… Một cuộc khảo sát tại Mỹ đã tìm hiểu xem người dân nhìn nhận về vấn đề này như thế nào.

Một “tin giả” cho hay Mark Zuckerberg… chết khi 32 tuổi

Những năm gần đây, dư luận dậy lên mối quan tâm về sự lan tỏa cuả những thông tin sai sự thật, thường được gọi là “tin giả” (fake news).

Tin giả được định nghĩa là những câu chuyện được tô vẽ nên hoặc không thể kiểm chứng được độ chính xác mà vẫn được thể hiện đến người đọc như là… đúng rồi. Những câu chuyện như thế không chỉ của riêng phe phái nào.

Một cuộc khảo sát từ ngày 5 tháng Hai đến 11 tháng Ba năm nay, do viện thăm dò Gallup và tổ chức Knight Foundation thực hiện trên 1.440 thành viên nhằm đánh giá xem những người lớn ở Mỹ tin rằng tình trạng tin giả như thế nào, trách nhiệm của các công ty Internet lớn ra sao đối với việc gieo rắc các tin giả và người Mỹ nhìn nhận thế nào về các quy trình khác nhau đã được tạo nên để ngăn ngừa tin giả. Những nét chính thấy được qua cuộc khảo sát là:

-          Người Mỹ tin rằng 39% tin tức họ xem trên TV, đọc trên báo hay nghe trên radio là tin giả. Dù vậy, vẫn còn đỡ hơn tin tức trên mạng xã hội. Theo cuộc khảo sát trên, người Mỹ ước tính rằng 65% tin tức trên mạng xã hội là tin giả!
-          Hơn ba phần tư người Mỹ (76%) cho rằng các công ty internet lớn buộc phải nhận diện được những tin giả xuất hiện trên nền tảng của học. Một số lớn khác cho rằng nhận diện tin giả là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của họ.
-          Khoảng hơn 70% số người tin rằng những phương pháp chống lan truyền tin giả cũng phần nào có tác dụng, ví dụ như tạo sự nổi bật cho những câu chuyện (nguồn tin) từ những nguồn tin tức có uy tín, cho độc giả thấy kết quả đánh giá độ tin cậy của các tổ chức thông tin, hoặc cung cấp đường link để độc giả có thể tìm đọc thêm các thông tin liên quan nhằm kiểm chứng thông tin ban đầu.

Cuộc khảo sát này cũng xác định xem người Mỹ nghĩ thế nào về sự thiên vị trong trong các bài tường thuật thông tin và họ có phân biệt được giữa thiên vị và không chính xác hay không. Khảo sát cũng xem xét phản ứng của người Mỹ như thế nào khi họ phát hiện thấy sự thiên vị - phe, nhóm họ ủng hộ hoặc phản đối – khi  đọc tin tức. Những nét chính thấy được là:

-          Người Mỹ tin rằng 62% tin tức họ xem trên TV, đọc trên báo hay nghe trên radio là thiên vị. Dù vậy, vẫn còn đỡ hơn tin tức trên mạng xã hội. Theo cuộc khảo sát trên, người Mỹ ước tính rằng 80% tin tức trên mạng xã hội là thiên vị!
-          Người Mỹ cho rằng đa số tin trên các phương tiện truyền thông chính thức là chính xác, nhưng họ vẫn cho rằng một tỷ lệ không nhỏ là không chính xác, tỷ lệ đó là 44%. Ở mạng xã hội thì con số này cao hơn nhiều, đến 64%. (Ở đây cần phân biệt khái niệm “tin giả” nêu trên và “tin không chính xác”. “Tin giả” là tin ngụy tạo, còn “tin không chính xác” là tin có thật như bị đưa thiếu tính chính xác, khách quan).
-          Hơn 80% người được hỏi cho biết họ tức giận hoặc bực mình khi đọc những tin tức thiên vị. Hơn 90% người được hỏi cho biết họ tức giận hoặc bực mình khi đọc những tin tức không chính xác.
-          Những người được khảo sát cho thấy họ rất ít phân biệt giữa đưa tin thiếu khách quan (thiên vị) và đưa tin không chính xác.


Phạm Hoài Nhân
Tóm lược từ báo cáo “American’s Views of Misinformation in the News and How to Counteract It” của Gallup & Knight Foundation

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét