Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Cho thuê căn hộ theo kiểu Airbnb, liệu có thể xảy ra kiện tụng như giữa Vinasun và Grab?


Ra đời gần như cùng lúc với Uber, Airbnb là mô hình giúp các cư dân có căn hộ/nhà ở nhàn rỗi chia sẻ nhà của mình với khách vãng lai, thay vì họ phải đi thuê nhà trọ hay khách sạn. Tại Việt Nam, không ồn ào như Uber và sau này là Grab, nhưng Airbnb cũng đã có mặt một cách không chính thức vài năm rồi. Liệu mô hình này có gây chấn động đối với các khách sạn truyền thống, như hiện nay Grab đang gây chấn động với taxi truyền thống hay không?

Airbnb là gì?

Website của Airbnb tại Việt Nam

Airbnb là viết tắt của cụm từ AirBed and Breakfast, là một dịch vụ với mô hình kết nối người cần thuê căn hộ/nhà ở với những người có phòng cho thuê thông qua ứng dụng di động, tương tự như ứng dụng chia sẻ xe Uber hay Grab. Tất cả việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua Airbnb, sử dụng thẻ tín dụng và nhà trung gian này sẽ thu một khoản phí đối với cả người cần đặt phòng lẫn chủ nhà.

Với những ưu điểm như giá thuê phòng rẻ hơn nhưng chất lượng dịch vụ vẫn rất tốt, Airbnb ngày càng được nhiều người lựa chọn để đặt phòng thay vì nghỉ ở khách sạn. Airbnb tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ. Mặt khác, Airbnb mang đến những trải nghiệm độc đáo khi lưu trú, chẳng hạn như: bạn sẽ được ở tại các căn hộ của người dân bản địa, trải nghiệm đời sống, văn hóa địa phương.

Airbnb được thành lập bởi 3 người bạn trẻ là Brian Chesky, Joe Gebbia và Nathan Blecharczyk vào đầu năm 2009. Sau gần 10 năm, startup này đã thay đổi cuộc sống người dân Mỹ một cách sâu sắc và nhanh chóng. Airbnb được xem như một trong những khách sạn lớn nhất trên thế giới với giá trị định giá thời điểm tháng 3-2017 là 31 tỷ USD, dù không sở hữu bất kỳ phòng khách sạn nào. Theo số liệu của Business Insider năm 2017, Airbnb đã đạt đến một cột mốc mới: 4 triệu danh sách lưu trú tại 191 quốc gia. Tới thời điểm đầu tháng 8 năm ngoái, startup này cho biết có hơn 2,5 triệu người sử dụng dịch vụ.

Cùng với Uber, Airbnb đã tạo nên một khái niệm mới: nền kinh tế chia sẻ. Trước đây, không có giải pháp hiệu quả nào để những người cần và người có tài sản dư thừa tìm đến nhau, tuy nhiên ngày nay với sự phát triển của Internet và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin như smartphone, điều này đã thay đổi. Người có tài sản dư thừa đã có điều kiện để chia sẻ tài sản đó cho người cần.

Airbnb ở Việt Nam

Airbnb vào Việt Nam khoảng giữa năm 2015. Khi đó, Airbnb chỉ mới giới thiệu chừng vài ngàn phòng thuê, tập trung tại thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM. Đến nay, theo số liệu cung cấp bên lề sự kiện công bố Khảo sát khách sạn Việt Nam năm 2018 diễn ra vào tháng 7, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại Hà Nội và TPHCM. Cần thấy rằng số lượng này bằng tổng số phòng của tất cả các khách sạn từ 2-4 sao của Tp.HCM, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước (theo số liệu từ Sở Du lịch Tp.HCM, hiện toàn thành phố có 341 khách sạn từ 2-4 sao, với 16.912 phòng).

Nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại, nếu phát triển với tốc độ này thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng Airbnb sẽ là một đối thủ lớn với các khách sạn truyền thống.

Và những startup nối gót Airbnb

Trang chủ của Luxstay

Giống như những Grab, Go-Viet… nối gót Uber, tại Việt Nam đã có những startup được tạo lập theo mô hình tương tự Airbnb. Một trong những startup khá nổi bật là Luxstay. Dù chưa so sánh được với Airbnb, nhưng những ứng dụng thuần Việt như Luxstay đang ngày càng được ưa chuộng và tin tưởng sử dụng bởi sự am hiểu văn hóa bản địa, những chính sách khuyến mại cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Thành lập cuối năm 2016, đến nay Luxstay đã nhanh chóng phát triển thành công tại Việt Nam với mạng lưới hơn 4.000 căn hộ, biệt thự đăng ký trên hệ thống, trải khắp các tỉnh thành, trung tâm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam, phục vụ trên 15.000 khách đặt phòng mỗi tháng. Tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi tháng.

Hồi đầu tháng 4 vừa qua, CyberAgent Ventures (CAV) đã đầu tư vào Luxstay. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng đại diện quỹ đầu tư này cho biết số tiền đầu tư lần này lên đến hàng triệu USD. Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc CAV tại Việt Nam & Thái Lan cho biết: “Sau một quá trình tiếp xúc và làm việc lâu dài với đội ngũ sáng lập của Luxstay, CAV nhận thấy Luxstay đang có lợi thế rất lớn để phát triển mô hình lưu trú ngắn hạn vì với nguồn cung dồi dào từ thị trường bất động sản và nhu cầu du lịch tăng trưởng mạnh tại Việt Nam và Đông Nam Á. Khi startup có tham vọng, tầm nhìn đủ lớn chúng tôi quyết định đầu tư và cùng đồng hành với họ! “. Nhà sáng lập Luxstay Nguyễn cũng cho biết: “Luxstay đặt mục tiêu gọi vốn vòng Series A trong 2018, với quy mô khoảng 10-20 triệu USD để tăng sức mạnh phát triển”.

Những lo ngại từ ngành kinh doanh khách sạn truyền thống

Nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, nhất là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại, nếu phát triển với tốc độ này thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng Airbnb cùng những ứng dụng tương tự sẽ là một đối thủ lớn với các khách sạn truyền thống. Ông Tào Văn Nghệ, một chuyên gia trong ngành khách sạn, nhận định: “Dịch vụ chia sẻ phòng đang phát triển rất nhanh và khó có thể kìm hãm được. Hiện tại, nhiều khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng”.

Trên website chính thức, Luxstay giới thiệu về mình khá rõ ràng:

“Luxstay là nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối nhu cầu thuê dịch vụ lưu trú du lịch giữa: Bên cung cấp dịch vụ lưu trú du lịch & Bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch
Theo pháp luật địa phương nơi hoạt động, Luxstay cam kết không cung cấp dịch vụ cho thuê nhà/dịch vụ lưu trú du lịch, mà chỉ hoạt động như một trung gian kết nối và cung cấp tiện ích CNTT cho các bên tham gia trên hệ thống Luxstay.”

Giống như Uber hay Grab, chỉ thừa nhận mình là “nền tảng kết nối kỹ thuật số cho việc giao thông vận tải” chứ không phải là “đơn vị kinh doanh vận tải”, Luxstay cam kết “không cung cấp dịch vụ cho thuê nhà/dịch vụ lưu trú du lịch, mà chỉ hoạt động như một trung gian kết nối và cung cấp tiện ích CNTT”. Nội dung cốt lõi này đang là vấn đề tranh cãi gay gắt giữa các bên, và như ta thấy, nó đang là vụ kiện gây xôn xao dư luận giữa VinaSun và Grab. Hiện giờ, điều này chưa xảy tra trên lĩnh vực kinh doanh khách sạn, cho thuê cơ sở lưu trú, nhưng không loại trừ nó sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Phạm Hoài Nhân
Lao động Đồng Nai - 05/11/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét