Có lẽ là lần đầu tiên trên thế giới, tại một hội thảo quốc tế diễn giả
đã mang lên bục diễn đàn một… lọ phân người. Người thực hiện điều đó là tỷ phú
Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft.
Bill Gates gây sốc cho
cử tọa tham dự hội thảo với một lọ phân người trên tay. Ảnh: Bill & Melinda
Gates Foundation.
Quỹ Bill & Melinda Gates là nhà tổ chức Reinvented
Toilet Expo (Triển lãm Sáng tạo lại Nhà vệ sinh), diễn ra tại Bắc Kinh (Trung
quốc) ngày 6-11-2018. Đây là một triển lãm trình diễn, giới thiệu các công nghệ
nhà vệ sinh thế hệ mới vừa tiên tiến, vừa rẻ tiền và dễ lắp đặt. Tại diễn đàn, Bill
Gates (nhà đồng sáng lập quỹ này cùng với vợ mình Melinda Gates) đã gây sốc cho
cử tọa khi mang theo một chiếc lọ thủy tinh đậy nắp đựng phân người và để trên
cái bục trong tầm tay của mình. Với “vật chứng” trên tay, ông nói: “Cần phải
nhắc rằng trong cái lọ này có thể có 200.000 tỷ tế bào rotavirus (gây tiêu
chảy), 20 tỷ vi khuẩn Shigella (gây bệnh lị trực khuẩn), và 100.000 trứng giun
sán.”
Quỹ Bill & Melinda Gates, Hội đồng Xúc tiến Thương mại
Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), Phòng Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCOIC), đã
đứng ra tổ chức Reinvented Toilet Expo với sự tham dự của các nhà đổi mới toàn
cầu, ngân hàng phát triển, các công ty tư nhân và chính phủ. Họ đã cùng cam kết
thúc đẩy thương mại hóa và áp dụng các công nghệ vệ sinh mới trên toàn thế giới
trong thập kỷ tới. Việc mở rộng nhanh chóng các sản phẩm và hệ thống vệ sinh này
sẽ làm giảm đáng kể chi phí sinh ra do vệ sinh không an toàn của con người.
Theo Quỹ Bill & Melinda Gates, tình trạng vệ sinh tồi tệ này gây ra cái
chết cho nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm và hơn 200 tỷ đô la bị mất do chi
phí chăm sóc sức khỏe, ngoài ra nó còn làm giảm thu nhập và năng suất.
Ông Gates nhấn mạnh: hơn một nửa số dân thế giới hiện không
có phương tiện vệ sinh sạch sẽ. Còn theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF),
có 892 triệu người trên thế giới không có sự lựa chọn nào khác hơn là phóng uế
ra bên ngoài môi trường. Ông nói: “Trung Quốc có cơ hội để đưa ra một chủng
loại mới về các giải pháp vệ sinh không cần dội nước (non-sewered sanitation
solutions) sẽ đem lại lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới.”
Hiện nay Trung quốc - đất nước đông dân nhất thế giới với
hơn1,4 tỷ người - đang triển khai một cuộc vận động 3 năm cải thiện nhà vệ
sinh, được gọi là “cuộc cách mạng nhà vệ sinh” (toilet revolution) do nhà lãnh
đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát động với mục tiêu có thể xây mới hay nâng cấp
64.000 nhà vệ sinh công cộng vào năm 2020.
Trong khi đó ở Ấn Độ, nước đông dân thứ 2 thế giới (hơn 1,3
tỷ người), các chương trình sức khỏe cộng đồng do nhà nước thúc đẩy đã giúp
giảm số người buộc phải phóng uế ra môi trường từ 550 triệu người vào năm 2014
xuống còn chưa tới 150 triệu người hiện nay.
Các công ty từ khắp nơi trên thế giới đã giới thiệu tại
triển lãm một loạt những giải pháp vệ sinh mới loại bỏ các tác nhân gây hại và
chuyển hóa chất thải thành phụ phẩm như nước sạch và phân bón — tất cả đều
không có kết nối với hệ thống cống rãnh hoặc đường nước. Các công ty đến từ
Trung Quốc (Clear, CRRC, EcoSan), Mỹ (Sedron Technologies), Ấn Độ (Eram
Scientific, Ankur Scientific, Tide Technocrats), và Thái Lan (SCG Chemicals) đã
công bố sẵn sàng cung cấp cho cho các đơn vị thành phố và tư nhân các nhà vệ
sinh được sáng tạo lại để tiêu hủy mầm bệnh đầu tiên trên thế giới cùng các nhà
máy xử lý rác thải quy mô nhỏ (được gọi là bộ xử lý omni). LIXIL, có trụ sở tại
Nhật Bản, đã công bố kế hoạch mang đến nhà vệ sinh được sáng tạo lại dành cho
hộ gia đình, dựa trên một kiểu mẫu tiên tiến.
Quỹ Bill & Melinda Gates đã cam kết chi 200 triệu USD
cho dự án nhà vệ sinh thế hệ mới và có thể sẽ chi thêm một khoản tương tự trước
khi các nhà vệ sinh không dùng nước (mà dùng hóa chất xử lý chất thải) có thể
triển khai trên quy mô rộng. Do không dùng nước để dội và không kết nối với hệ
thống cống thoát nước thải, loại nhà vệ sinh này không gây ô nhiễm cho môi
trường – đặc biệt là nguồn nước ngầm.
Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 12/11/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét