Từ sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu liên quan đến Facebook và công ty
Cambridge Analytica hầu như mọi người đều quan tâm đến việc bảo đảm an toàn
thông tin trên mạng của mình. Nắm được tâm lý này, các sản phẩm công nghệ thông
tin ra đời hiện nay đều nhấn mạnh đến tính năng bảo đảm an toàn thông tin để
thu hút khách hàng.
Viber là ứng dụng nghe gọi và nhắn tin miễn phí (gọi tắt là
các ứng dụng OTT: Over The Top) khá nổi tiếng và quen thuộc tại Việt Nam. Mặc
dù hiện nay OTT được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam là Zalo nhưng Viber
đã từng có thời gian chiếm vị trí đứng đầu, và hiện nay vẫn rất phổ biến. Viber
vừa tung ra bản cập nhật mới nhất, version 8.7.0, và như đã nêu ở trên, để thu
hút người dùng sử dụng ứng dụng này, Viber đã nêu bật những tính năng bảo mật
thông tin của mình.
Những tính năng bảo mật mà Viber nêu lên không hẳn là mới,
có thể những OTT khác (như Zalo) cũng có. Cũng không phải tìm hiểu những tính
năng này để chọn Viber thay cho các ứng dụng nhắn tin khác. Bài viết này ghi
lại những tính năng bảo mật mà Viber tự giới thiệu để người đọc hình dung rằng
những vấn đề an toàn thông tin khi sử dụng các ứng dụng nghe gọi và nhắn tin là
gì, và các hãng công nghệ giải quyết những vấn đề ấy như thế nào.
Trong bài viết “Tại sao Viber là ứng dụng nhắn tin bảo mật
tốt nhất?”, tác giả Matan Kaufman của Viber đã trình bày vấn đề này như sau:
Nhiều ứng dụng nhắn tin không bảo đảm sự riêng tư cho người
sử dụng, vì những lý do chính thức họ nêu ra như: để bảo đảm sự an toàn chung
nên cần phải kiểm soát những thông tin được chia sẻ (kiểu như thông tin trên
báo chí bị kiểm duyệt, mà đã là kiểm duyệt tất nhiên phải đọc được thông tin
riêng tư rồi). Nhưng nguyên nhân lớn nhất là phục vụ quảng cáo. Các quảng cáo
hiện nay đều là cảm ngữ cảnh, tức là tìm hiểu nội dung người xem đang đọc (tức
là quan tâm) là gì để nhảy ra quảng cáo liên quan đến nội dung đó. Muốn vậy ứng
dụng nhắn tin phải đọc được nội dung nhắn tin của người dùng. Với Viber thì
khác.
Viber không thể đọc
hay nghe được bất kỳ nội dung chat hay trò chuyện nào của bạn
Viber không thể đọc được các nội dung chat của bạn, kể cả
các cuộc chat một – một hay chat theo nhóm. Viber cũng không thể nghe được các
cuộc gọi thoại hay xem được các cuộc gọi video. Bởi vì Viber dùng thuật toán mã
hóa end-to-end (tạm dịch: từ điểm đầu đến điểm cuối). Điều này có nghĩa là tất
cả các giao tiếp riêng tư và nhóm của bạn qua Viber đều được mã hóa để cho chỉ
bạn và người mà bạn giao tiếp có thể tiếp nhận được mà thôi.
Sơ đồ mã hóa tin nhắn
của Viber
Điều này được thực hiện như thế nào? Toàn bộ thông tin của
bạn (bao gồm văn bản, giọng nói, video) khi được đưa vào thiết bị đầu này (điện
thoại, máy tính) sẽ được mã hóa ngay, và các nội dung đã mã hóa ấy sẽ được
chuyển đến thiết bị đầu kia của người nhận, khi đó nó mới được thiết bị ấy giải
mã để người nhận có thể đọc, nghe, xem được. Nếu phía người nhận đang tắt điện
thoại hoặc đang không kết nối Internet thì thông tin truyền đạt sẽ nằm chờ trên
server của Viber trong một thời gian cho đến khi người nhận có thể nhận được.
Mặc dù nằm trên server của Viber nhưng Viber cũng như bất kỳ ai khác không thể
đọc được thông tin này vì nó đã được mã hóa.
Không như một số ứng dụng OTT khác đọc nội dung chat của bạn
và dùng nó cho mục đích quảng cáo, Viber không hề có quảng cáo chen vào nội
dung chat vì Viber không hề biết bạn đang nói gì.
Xóa những message bạn
đã gửi bất kỳ lúc nào
Khi chat, nội dung chat sẽ được lưu lại trên thiết bị (điện
thoại, máy tính) của các bên tham gia chat. Nếu sau đó bạn cảm thấy không hài
lòng và muốn xóa một hay nhiều message đã gửi thì bạn có thể vào ứng dụng OTT
trên thiết bị của mình, tìm lại nội dung cũ và xóa đi. Tuy nhiên, bạn chỉ có
thể xóa các message trên thiết bị của mình mà thôi, còn nội dung đã gửi qua
thiết bị của người khác và lưu lại tại đó thì bạn không thể xóa được. Với Viber
thì bạn có thể xóa message không chỉ trên thiết bị của mình mà còn xóa luôn nó
trên thiết bị của người khác mà bạn đã gửi.
Viber là ứng dụng nhắn tin đầu tiên trên thế giới làm được
điều này, nó có thể xóa được tin nhắc mà bạn đã gửi cách đây 2 năm rưỡi!
Gửi tin nhắn tự động
biến mất bằng Secret Chats
Tính năng này còn được biết đến như là tin nhắn tự hủy. Đối
với các thông tin nhạy cảm, bạn muốn nó sẽ biến mất (tự hủy) ngay sau khi người
nhận đã xem. Muốn thế, bạn chọn Secret Chats, và xác định thời gian tồn tại của
tin nhắn (có thể là 1 phút, 5 phút… hay 30 phút). Sau thời hạn đã định, những
thông tin này sẽ tự động biến mất. Những tin nhắn này cũng sẽ không thể được
copy hay forward. Hạn chế còn lại là người nhận có thể chụp ảnh màn hình để lưu
lại nội dung. Trong trường hợp đó Viber sẽ thông báo ngay cho bạn biết.
Giấu những đoạn chat
nhạy cảm bằng tính năng Hidden Chats
Khác với Secret Chats là xóa hẳn các đoạn chat sau một thời
gian nhất định, Hidden Chat chỉ tạm ẩn một số đoạn chat với ai đó, phòng hờ có
người vô tình đọc được nội dung nhạy cảm ấy. Bạn giấu chúng bằng một mã PIN tự
chọn gồm 4 chữ số (tương tự mật mã). Khi ấy không ai thấy được nội dung chat ấy
trên cửa sổ chat. Chỉ khi chính bạn cho hiện chúng ra bằng cách nhập đúng mã
PIN thì mới đọc được.
Như đã nêu trên, những tính năng bảo mật này không mới và
cũng không phải chỉ Viber mới có, tuy nhiên chính Viber nhắc lại và nhấn mạnh
khi cập nhật phiên bản mới. Điều này cho thấy an toàn thông tin đang rất được
quan tâm lúc này, và cũng giúp chúng ta nhìn lại những biện pháp để bảo vệ
thông tin của mình.
Thái Thư
Lao động Đồng Nai - 07/05/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét