Điện toán đám mây là
gì?
Về cơ bản, có thể hiểu điện toán đám mây (cloud computing)
như thế này: Thay vì lưu trữ dữ liệu trên thiết bị của mình (máy tính để bàn,
laptop, máy tính bảng…) thì người dùng sẽ lưu trữ chúng trên… mây. Mây ở đây là không gian trên mạng
Internet. Tương tự như vậy đối với các trình ứng dụng, thay vì phải mua và cài
đặt các chương trình đó lên máy tính thì người sử dụng sẽ chạy các trình ứng
dụng được cung cấp sẵn trên mạng Internet.
Việc lưu trữ dữ liệu lên Internet đương nhiên sẽ giúp ta
tiết kiệm dung lượng trên đĩa cứng của mình, đặc biệt là đối với các thiết bị
di động (smart phone, tablet) vốn có bộ nhớ để lưu trữ dữ liệu khá hạn chế. Thế
nhưng đó chưa phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là đây:
- Nếu có sự cố xảy ra đối với máy tính của ta, như bị hư
đĩa cứng, hoặc bị… mất trộm, thì dữ liệu vẫn còn nguyên, an toàn trên mạng.
- Ta có thể truy cập dữ liệu của mình ở bất cứ nơi đâu
(miễn là có kết nối Internet). Thí dụ: ta soạn văn bản, bảng tính… trên máy
tính đặt ở nhà. Khi đến cơ quan, ta chỉ cần kết nối Internet là có thể tiếp tục
xử lý các file ấy. Thậm chí đi nước ngoài cũng vẫn mở file ra được.
- Nhiều người ở nhiều nơi khác nhau có thể cùng xử lý một
file. Bạn tạo ra một (hoặc nhiều) file và chia sẻ file đó với người khác, thế
là người đó có thể cùng tham gia xử lý file đó với bạn. Điều này đặc biệt hữu
ích đối với các tòa soạn báo, khi ấy phóng viên viết bài, đăng ảnh đưa lên một
folder và chia sẻ folder ấy cho người biên tập. Thế là biên tập viên có thể xem
xét và biên tập bài vỡ ngay, không cần gửi mail, check mail nữa.