Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

Deepfake, mối quan ngại của cả thế giới

Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác. Với đà phát triển của công nghệ, việc tạo nên những video giả như trên ngày càng tinh vi khiến người ta không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, từ đó sẽ gây nên những tác hại khó lường.

Deepfake là gì?

Deepfake là một thuật ngữ ghép từ chữ deep-learning nghĩa là học sâu và fake là giả. Deep-learning là một hướng nghiên cứu trong AI, giúp máy tư duy giống người một cách sâu sắc hơn. Công nghệ deepfake sẽ thu thập hình ảnh khuôn mặt của một đối tượng, sau đó thay thế khuôn mặt này vào mặt của một người khác trong video. Đối với các tập tin âm thanh, deepfake sử dụng bản ghi âm giọng nói của một người thực để huấn luyện máy tính nói chuyện giống hệt người ấy.

Một ví dụ cụ thể và khá thông dụng về deepfake là ứng dụng ZAO của Trung quốc.

ZAO là một ứng dụng hoàn toàn miễn phí, ra đời đầu tháng 9-2019. Bạn chỉ cần đưa lên một tấm ảnh chân dung của mình và chọn trong thư viện các clip của ZAO, gồm trích đoạn các bộ phim điện ảnh hay show truyền hình nổi tiếng là bạn sẽ trở thành diễn viên chính trong các clip ấy.

Ứng dụng ZAO hoán đổi gương mặt bạn với diễn viên trong những video nổi tiếng

Thứ Hai, 5 tháng 7, 2021

Dữ liệu lớn giúp dự báo tình hình kiểm soát dịch bệnh

Theo dự báo của nhóm nghiên cứu Đại học Fullbright, đến đầu tháng 8, TP.HCM sẽ chỉ còn rải rác vài ca mắc COVID-19/ngày và dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 8-2021. Nghiên cứu của nhóm sử dụng dữ liệu đầu vào là số ca bệnh theo ngày dịch tễ; hệ số lây nhiễm cơ bản-R0; tham số về các biện pháp can thiệp (giãn cách xã hội từ báo cáo Google Mobility, khả năng truy vết, lây trong khu cách ly từ phân tích các vụ dịch trước). Trong các dữ liệu đầu vào có báo cáo giãn cách xã hội từ Google Mobility. Báo cáo Google Mobility là gì?

Giãn cách xã hội là giải pháp hạn chế lây lan hiệu quả

Giãn cách xã hội (social distancing) là một chiến lược y tế công cộng, nhằm làm hạn chế sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, đang được áp dụng tại rất nhiều nơi trên thế giới trước tình trạng COVID-19 đang bùng phát. Việc hạn chế người dân đến những nơi công cộng hoặc giảm lượng người tập trung ở những địa điểm như cơ quan, bệnh viện... cũng nằm trong chiến lược đó. Có thể thấy rằng việc dập tắt dịch nhanh hay chậm có một phần khá lớn là nhờ ở việc hạn chế tập trung nơi công cộng. Thế nhưng làm sao đo được mức độ giảm tập trung ở những điểm công cộng ấy?

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Tìm ứng dụng tốt cho con trên thiết bị di động

Hiện nay, đa số phụ huynh đều cho con em mình tiếp cận với thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng). Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay trẻ em phải ở nhà nhiều hơn trước khiến thời gian sử dụng thiết bị di động càng nhiều hơn. Tìm ra những ứng dụng tốt cho các cháu sử dụng là điều các bậc phụ huynh quan tâm.

Trẻ em và thiết bị di động

Thống kê năm 2020 cho biết Việt Nam có 145,8 triệu thuê bao điện thoại di động (chiếm 150% dân số cả nước), số lượng người dùng Internet là 68,17 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 70% số dân). Trong số đó có rất nhiều người cho trẻ con dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị di động. Để dỗ con ăn, cha mẹ cho con xem video trên điện thoại. Muốn con chơi ngoan, không quấy phá lúc cha mẹ làm việc, điện thoại cũng trở thành công cụ hữu dụng. Ở tuổi nhi đồng và thiếu nhi, nhiều em đã được cho sở hữu riêng máy tính bảng hoặc điện thoại di động.

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

Facebook xử lý “ngôn từ gây thù ghét” như thế nào?

Gần đây tại Việt Nam trên không gian mạng xuất hiện nhiều phát ngôn kích động thù hận, làm tổn thương nhiều người và gây bức xúc trong xã hội, Bộ Thông tin & Truyền thông vừa ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ở phạm vi toàn cầu, tình hình cũng tương tự như vậy. Các chuyên gia đã xác định rằng môi trường phát tán những ngôn từ thù hận này nhiều nhất là Facebook. Facebook đã và đang làm những gì để xử lý vấn nạn?

Bộ Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook

Giữ vai trò nền tảng trong việc quy định những điều gì người dùng được làm và không được làm trên Facebook là Bộ tiêu chuẩn cộng đồng, tương tự như Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin & Truyền thông. Nó tương đương một bộ luật mà mọi người phải tuân theo khi sử dụng Facebook, nếu không sẽ bị trừng phạt bằng cách cấm đăng một bài, cấm một thời gian hay cấm vĩnh viễn. Facebook nêu lý do để đưa ra bộ Tiêu chuẩn cộng đồng như sau:

“Chúng tôi nhận thức rõ về tầm quan trọng của Facebook trong việc trở thành nơi mà mọi người cảm thấy có quyền giao tiếp. Chúng tôi rất nghiêm túc về vai trò của mình trong việc ngăn chặn hành vi lạm dụng dịch vụ của chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi đã phát triển một bộ Tiêu chuẩn cộng đồng nêu ra những gì được phép và không được phép trên Facebook. Chính sách của chúng tôi dựa trên phản hồi từ cộng đồng Facebook và nội dung tư vấn của các chuyên gia trong những lĩnh vực như công nghệ, an toàn cộng đồng và nhân quyền. Để đảm bảo ý kiến của mọi người đều được xem trọng, chúng tôi đã cố gắng xây dựng chính sách bao hàm nhiều quan điểm và niềm tin khác nhau, nhất là quan điểm và niềm tin của những người, những cộng đồng yếu thế hoặc bị xem nhẹ”.

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Hot trend là gì?

Vài năm gần đây, cứ ít lâu lại rộ lên phong trào dùng nhiều một từ ngữ hay một câu nói vui nào đó. Cũng có khi đó là một hình ảnh, một mẩu truyện tranh vui nhộn được lặp đi lặp lại với nội dung được chỉnh sửa theo những tình huống khác nhau. Người ta gọi đó là hot trend. Vậy hot trend là gì?

Hot trend là gì?

Hot là nóng, trend là xu hướng. Hot trend dịch sát nghĩa là xu hướng nóng, hoặc có thể hiểu là trào lưu. Trong trường hợp tổng quát, hot trend có thể là bất cứ thứ gì thu hút sự quan tâm cao độ của đám đông. Đó có thể là một mẫu thời trang (không nhất thiết phải là mới, nhưng được khơi gợi lại và tạo được sự quan tâm), một bài hát (ví dụ như gần đây là bài Đắp mộ cuộc tình được hát hầu như mọi lúc, mọi nơi)… Nhưng thông dụng nhất, hot trend là những từ ngữ, những câu nói được trích ra từ các bài hát, video clip, bài viết… được đám đông đắc ý và áp dụng vào nhiều ngữ cảnh khác nhau. Cũng có thể hot trend là những tranh biếm họa nhại đi nhại lại theo cùng một mô-tuýp (vì thu hút sự thích thú của công chúng) nhưng diễn tả nhiều nội dung khác nhau.

Điểm khác nhau giữa hot trend trend (xu hướng, nói chung) là hot trend có tính chất ngắn hạn, bùng phát mạnh trong một thời gian ngắn rồi thôi, còn trend thì dài hơi hơn. Môi trường lan truyền hot trends có thể là bất cứ đâu, nhưng nhanh nhất, rộng khắp nhất chính là cộng đồng mạng.

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Trí tuệ nhân tạo giúp Google trả lời các câu hỏi về... bệnh ngoài da

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được sử dụng trong chẩn đoán bệnh. Nó có thể thay thế người bác sĩ để trả lời các câu hỏi của bệnh nhân về triệu chứng và đề xuất các biện pháp chữa trị. Tuy nhiên, với các bệnh ngoài da – gọi chung là da liễu, dermatology - vấn đề trở nên phức tạp hơn vì các triệu chứng bệnh này cần được quan sát bằng hình ảnh trực tiếp thay vì chỉ mô tả bằng từ ngữ. Tại Hội nghị I/O 2021 Google vừa giới thiệu một công cụ khám bệnh ngoài da do AI hỗ trợ giúp giải quyết vấn đề này.

Bằng smartphone và Google, bạn có thể tìm hiểu về bệnh ngoài da của mình. Ảnh: Google.

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Tự động tạo phụ đề tiếng Anh trong trình duyệt Chrome

Nếu bạn là một trong 466 triệu người khiếm thính trên trái đất này thì khi bạn xem video hay xem các chương trình tin tức trên Internet bạn sẽ rất cần có phụ đề để đọc. Một số chương trình video có phụ đề như thế thật, nhưng số không có ắt là nhiều hơn. Đặc biệt là các chương trình truyền hình trực tiếp, không thể có sẵn phụ đề được. Như vậy chẳng lẽ người khiếm thính không thể thưởng thức trọn vẹn những chương trình ấy hay sao?

Ứng dụng Live Transcribe

Từ năm 2019 Google đã có ứng dụng Live Transcribe - tên app bằng tiếng Việt là Tạo phụ đề trực tiếp và Thông báo có âm thanh. Ứng dụng này ghi nhận mọi lời nói và âm thanh phát ra và hiển thị bằng chữ trên màn hình smartphone nhằm hỗ trợ người khiếm thính có thể đọc được. Ứng dụng này rất hay và miễn phí, bạn có thể tải về trên Android hoặc iOS. Thế nhưng Live Transcribe là một ứng dụng độc lập chạy trên smartphone và giả sử bạn đang xem video trên laptop thì phải liên tục nhìn lên laptop để xem video và nhìn xuống smartphone để đọc chữ. Điều này khá bất tiện.

Cái mà bạn cần là một thứ giống như phụ đề khi xem phim, và phụ đề đó phải được tạo ra tức thì khi phim đang diễn ra. Rất may, từ tháng 3-2021 Google đã thực hiện điều này, và càng tiện lợi hơn nữa khi bạn không cần tải về ứng dụng riêng biệt nào cả. Tính năng này được đưa luôn vào trình duyệt Chrome, nghĩa là nếu bạn đang dùng trình duyệt Chrome thì nó có sẵn rồi!