Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

LinkedIn là gì?

Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, kế đến là Google+, riêng ở Mỹ thì MySpace rất thông dụng. Thế nhưng còn một mạng xã hội rất nổi tiếng khác mà có lẽ bạn chưa nghe nói đến nhiều. Đó là LinkedIn. Ngay cái tên cũng dễ gây nhầm lẫn, xin chú ý rằng đây là viết dính liền của chữ Linked- In, chữ I hoa ở giữa dễ bị đọc thành chữ l, phát âm là ling-k-tin.

LinkedIn là gì?

LinkedIn là một mạng xã hội giống như Facebook, nhưng đối tượng tham gia vào nó không giống như Facebook. Nếu thành viên Facebook là đủ loại người, già trẻ lớn bé (tóm lại là hơi… bát nháo) thì thành viên LinkedIn chỉ bao gồm các nhân viên văn phòng, chuyên gia, doanh nhân và doanh nghiệp. So sánh một cách ví von như Reid Hoffman (đồng sáng lập LinkedIn) thì: “MySpace là một quán bar, Facebook là nơi nướng thức ăn ngoài trời ở góc vườn còn LinkedIn là văn phòng”
.

Thật vậy, ở Facebook ta thấy đủ mọi thứ trên đời, từ ảnh tự sướng đến những món ăn được post lên, đến những câu trạng thái vô thưởng vô phạt thì trên LinkedIn hầu hết là những thông tin nghề nghiệp chuyên môn. Phần tiểu sử cá nhân trên Linked cũng rất chi tiết, đầy đủ giống như một bản CV (sơ yếu lý lịch).

LinkedIn được thành lập từ tháng 12/2002 và ra mắt chính thức từ 5/5/2003 với dạng mạng xã hội nghề nghiệp. Theo số liệu thống kê tháng 6/2013, LinkedIn có 259 triệu thành viên tại 200 quốc gia trên thế giới, trong đó riêng tại Mỹ là 93 triệu. So với con số 1,2 tỷ người dùng Facebook thì con số này chỉ bằng 1 phần 5, thế nhưng xin lưu ý rằng Facebook dành cho tất cả mọi người, còn LinkedIn chỉ dành cho doanh nhân mà thôi! Nếu xét các mạng xã hội nghề nghiệp có chức năng tương tự thì Viadeo có 50 triệu thành viên, XING có 10 triệu thành viên là 2 đối thủ cạnh tranh lớn nhất của LinkedIn. Như vậy LinkedIn chính là mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới.

Không có số liệu thống kê số thành viên LinkedIn ở Việt Nam là bao nhiêu, nhưng chắc là không nhiều lắm

Đăng ký vào LinkedIn như thế nào?

Đăng ký vào LinkedIn rất đơn giản và miễn phí (có một số tính năng của LinkedIn yêu cầu trả phí, nhưng thôi, trước mắt ta cứ xài miễn phí cái đã!).
Nhập: http://www.linkedin.com và điền các thông tin: Tên họ, địa chỉ email và mật khẩu.

Sau đó tuần tự làm theo các bước hướng dẫn trên màn hình, bạn sẽ chỉ mất khoảng 2 phút mà thôi.


Lưu ý:

  • Địa chỉ email là địa chỉ bạn đang sử dụng.
  • Phần tên họ dĩ nhiên bạn có thể dùng bí danh hay một tên họ bất kỳ nào đó, tuy nhiên vì đây là một mạng xã hội nghề nghiệp (nghiêm túc chứ không phải giỡn chơi) nên tốt nhất là bạn dùng họ tên thật, đầy đủ.
  • Phần tiểu sử như đã nói ở trên càng chi tiết càng tốt (như một bản CV) để giới thiệu chính bạn với cộng đồng LinkedIn, nhưng phần này từ từ làm sau cũng được.

Sử dụng LinkedIn như thế nào? Để làm gì?

Thay cho khái niệm Kết bạn trong Facebook là khái niệm Kết nối (Connect) trong LinkedIn. Sau khi đăng ký xong, bạn sẽ tìm những người quen để kết nối. Bạn có thể tìm thông qua các địa chỉ mail sẵn có trong hộp thư của mình. Điều thú vị là thông qua những người mà bạn kết nối (cấp 1), LinkedIn sẽ tạo mối liên hệ đến những kết nối của các người đó (cấp 2), rồi lại đến những kết nối của kết nối đó (cấp 3). Với 3 cấp như vậy, số người bạn liên hệ được trên LinkedIn sẽ được nhân lên gấp nhiều lần.

Tiểu sử trên LinkedIn của Phạm Hữu Ngôn, một chuyên gia IT xuất thân từ Đồng Nai

Trên trang chính của bạn, giống Facebook, bạn có thể đưa lên những suy nghĩ của mình, hoặc các đường link… và bạn cũng thấy được hoạt động của những người mà bạn kết nối.

Đặc biệt, LinkedIn có mục Jobs (công việc). Đây giống như trang thông tin tuyển dụng của các công ty. Vào đây xem, bạn sẽ thấy được rất nhiều thông tin tuyển dụng của các công ty đang sử dụng LinkedIn (mà hầu như tất cả các công ty lớn đều dùng LinkedIn như một kênh đăng thông tin tuyển dụng chính đó nhé bạn!).

Vậy bạn đã thấy công dụng chính của LinkedIn rồi chứ? Đó là giúp bạn tìm cơ hội nghề nghiệp. Ở chiều ngược lại, có khi bạn chẳng cần phải đi tìm cơ hội nghề nghiệp, mà chính bộ phận nhân sự của các công ty đó sẽ tìm đến bạn thông qua LinkedIn. Các công ty săn đầu người (head hunter) cũng thường thông qua LinkedIn để tìm nhân sự cho đối tác. Họ sẽ tìm kiếm thông qua các kết nối, và đọc kỹ tiểu sử của bạn, cũng như theo dõi các hoạt động của bạn trên LinkedIn để đánh giá. Đó là lý do tại sao phần tiểu sử của bạn trên LinkedIn nên được viết chỉn chu, nghiêm túc.

Có người nói đùa rằng LinkedIn là nơi để tiếp xúc với sếp lớn mà ngoài đời thực ta không có cơ hội gặp. Điều này đúng. Một khảo sát cho thấy các sếp lớn thường ít có tài khoản Facebook mà thường có tài khoản LinkedIn hơn.  Thống kê cho thấy trong 500 CEO của Fortune 500 thì số người có tài khoản LinkedIn nhiều gấp 5 lần số người có tài khoản Facebook.

Nếu bạn không có nhu cầu tìm việc làm, thì thông qua LinkedIn bạn có cơ hội tiếp xúc với những doanh nhân, nhà chuyên môn, doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thêm về tình hình hoạt động của các đơn vị khác.

Bạn cũng có thể dùng LinkedIn như một kênh tiếp thị cho công ty của mình.

Vào LinkedIn thì không vui như vào Facebook, vì nó nghiêm túc hơn và vì có ít thành viên hơn, nhưng có thể nó sẽ đem lại cho bạn nhiều lợi ích bất ngờ. Chỉ mất 2 phút để đăng ký miễn phí thôi, bạn cũng nên thử qua đi chứ!

Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 14/04/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét