Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Xin đừng hỏi Ask.fm

Gần đây, những người sử dụng Facebook thường thấy trên trang chủ Facebook của mình xuất hiện ào ạt những câu hỏi của Ask.fm. Ask.fm là cái gì mà tạo nên làn sóng dữ dội như vậy?

Ask.fm là một mạng xã hội ra đời từ năm 2010 ở Latvia và đã nhanh chóng vươn ra toàn cầu. Tính đến nay Ask.fm đã có khoảng 100 triệu tài khoản được tạo ra trên toàn thế giới với 24 ngôn ngữ khác nhau (có tiếng Việt). Riêng tại Việt Nam mới phát triển gần đây. Theo  Ilja Terebin – CEO của Ask.fm (trả lời phỏng vấn của Tech In Asia) tại Việt Nam hiện nay có khoảng 300.000 tài khoản Ask.fm, trong đó chỉ riêng trong tháng 4/2014 có 270.000 tài khoản được tạo. Hai thành phố có số lượng lớn nhất tại Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Logo Ask.fm

Ý tưởng của Ask.fm rất đơn giản: Đây là một trang mạng xã hội dưới dạng hỏi đáp. Ask.fm cho phép người dùng sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook, Twitter… để đăng nhập. Theo đó, người được hỏi sẽ nhận trả lời tất cả các câu hỏi mà những người ẩn danh đặt ra.

Mục đích ban đầu của Ask.fm là tốt. Nó giúp người dùng có cơ hội chia sẻ thêm về bản thân trước những thắc mắc của người khác, giúp bạn dễ dàng đặt câu hỏi với người mình quan tâm mà ngoài đời thật không có cơ hội hoặc ngại ngùng không dám hỏi. Nhờ vậy Ask.fm giúp mọi người hiểu nhau hơn, sống hòa đồng hơn. Tuy nhiên Ask.fm bị lạm dụng không ít khi người hỏi đặt các câu hỏi bậy bạ, tục tĩu hoặc lăng mạ người được hỏi. Vì người hỏi là ẩn danh nên chẳng ngại ngùng chi khi làm những trò thô bỉ đó!

Đỉnh điểm của tai họa từ Ask.fm là vụ tự tử của một cô bé 14 tuổi ở Anh vì bị xúc phạm trên Ask.fm. Thi thể của Hannah Smith, 14 tuổi, ở Lutterworth, Leicestershire trong tư thế treo cổ được tìm thấy vào hôm 2/8/2013.

Cô bé Hannah Smith, 14 tuổi, nạn nhân của Ask.fm

Ông Dave Smith, cha của Hannah viết trên Facebook: “Sáng 2/8, con gái tôi được tìm thấy trong tình trạng đã chết vì treo cổ. Tối qua, tôi có thấy tài khoản Ask.fm của con bé và thấy ai đó đã bảo con bé hãy chết đi. Trái tim tôi dường như tan vỡ và chỉ có thời gian mới làm vơi đi nỗi đau. Tôi chỉ hy vọng sẽ không có ai phải trải qua đau đớn. Hiện tại, tôi không thể nghĩ thêm điều gì nữa.”

Ông Dave Smith kêu gọi các bậc cha mẹ không cho con sử dụng Ask.fm, và có ý kiến: "Người tạo lập ra trang web này cần bị kết tội ngộ sát". Ngay sau đó, thủ tướng Anh với tư cách một bậc phụ huynh đã kêu gọi mọi người tẩy chay Ask.fm để bảo vệ con cái của mình.

Tại Việt Nam, tai nạn thê thảm như trên chưa xảy ra (lạy Trời, xin đừng bao giờ xảy ra) nhưng những câu hỏi thô tục, những lời xúc phạm bỉ ổi diễn ra nhan nhản (chúng tục tĩu đến mức người viết không dám trích ra ở đây). Vì vậy, người dùng Ask.fm thay vì được thư giãn vui vẻ và tạo sự chan hòa với mọi người thì lại bị ức chế và mất thời giờ vô ích vì những thứ nhảm nhí.

Trả lời phỏng vấn của Tech In Asia hôm 18/04/2014, ông  Ilja Terebin – CEO của Ask.fm cho biết: các nước Ask.fm có tốc độ tăng trường nhanh nhất là Việt Nam, Phillipines và Indonesia. Ask.fm đã thực sự có một sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên tại Việt Nam, khi mà chỉ trong vòng tháng 4, con số người dùng tăng 270.000 người đăng ký. Chúng tôi sẽ nghiên cứu và phân tích sự tăng trường “thần kì” này để áp dụng vào việc phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Như vậy là số người sử dụng Ask.fm tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng lên, có thể trong số đó có bạn. Tìm hiểu và sử dụng một ứng dụng mới không có gì là sai trái, tuy nhiên với những thông tin đáng ngại về ảnh hưởng của Ask.fm như nêu trên có lẽ có một sự cẩn trọng và chừng mực khi dùng Ask.fm không phải là thừa.

Thái Thư
LĐĐN - 21/04/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét