Theo thống kê, hiện có trên 25 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam.
Số người yêu thích mạng xã hội này rất nhiều, nhưng cũng có lắm người lên án
nó, cho rằng đây là một cộng đồng vô tổ chức, nơi người ta đưa lên những điều
nhảm nhí, phỉ báng lẫn nhau, làm những chuyện phi pháp có hại cho xã hội. Có
đúng thế không?
Những quy định trong
một xã hội ảo
Trong một xã hội thực có những điều luật, thành văn và bất
thành văn được quy định để mọi người tuân thủ ngõ hầu tạo nên một cuộc sống có
văn hóa, và có những cơ chế (luật pháp và dư luận xã hội) để xử lý những ai vi
phạm. Thật ra Facebook cũng có những quy định rất cụ thể về cách tham gia và sử
dụng mạng xã hội này, buộc mọi người phải tuân theo – chỉ có điều là hình như
khi đăng ký tham gia Facebook hầu như… chẳng có ai thèm đọc các điều khoản này
cả.
Bạn có tham gia Facebook không? Nếu có bạn hãy thử nhớ lại
xem khi bắt đầu đăng ký bạn có đọc kỹ những điều khoản ấy không? Nếu chưa, xin
bạn hãy thử bỏ chút thời gian đọc lại những điều khoản ấy xem sao nhé. Ở dưới
cuối trang chủ Facebook, bạn hãy nhấp vào nút Điều khoản, tiếng Việt rất rõ ràng đấy bạn ạ, đừng đổ thừa là tiếng
Anh, không đọc được nhé.
Điều khoản và chính
sách của Facebook
Bảng điều khoản này rất dài, nếu trích ra đầy đủ thì có đến
hàng trăm trang. Xin trích thí dụ đoạn nói về An toàn trong điều khoản Tuyên
bố về quyền và trách nhiệm:
Chúng
tôi nỗ lực hết sức mình để tạo an toàn cho Facebook nhưng chúng tôi không thể
đảm bảo điều đó. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của bạn để tạo an toàn cho Facebook,
với các cam kết sau từ phía bạn:
1. Bạn sẽ không đăng các giao tiếp thương mại
trái phép (như spam) trên Facebook.
2. Bạn sẽ không thu thập nội dung hoặc thông
tin của người dùng, hoặc theo cách khác, truy cập Facebook bằng các phương thức
được tự động hóa (như harvesting bots, robot, gián điệp hoặc scraper) mà không
có sự cho phép của chúng tôi.
3. Bạn sẽ không tham gia vào hoạt động tiếp thị
đa cấp bất hợp pháp như mô hình kinh doanh dạng kim tự tháp trên Facebook.
4. Bạn sẽ không tải lên virus hoặc mã độc hại
khác.
5. Bạn sẽ không thu thập thông tin đăng nhập
hoặc truy cập vào tài khoản của người khác.
6. Bạn sẽ không bắt nạt, hăm dọa hoặc quấy rối
bất kỳ người dùng nào.
7. Bạn sẽ không đăng nội dung: có ngôn từ kích
động thù địch, mang tính đe dọa hay khiêu dâm; kích động bạo lực hoặc chứa ảnh
khỏa thân hoặc hình ảnh bạo lực hay nội dung bạo lực vô cớ.
8. Bạn sẽ không phát triển hoặc điều hành một
ứng dụng bên thứ ba có chứa nội dung liên quan đến rượu, hẹn hò hay nội dung
người lớn khác (bao gồm quảng cáo) mà không có các giới hạn tuổi phù hợp.
9. Bạn sẽ tuân theo Nguyên tắc khuyến mãi và
tất cả các luật hiện hành nếu bạn công bố hoặc tổ chức mọi cuộc thi, tặng quà
hoặc cá cược (“khuyến mãi”) trên Facebook.
10.Bạn sẽ không dùng Facebook để làm bất kỳ
điều gì bất hợp pháp, sai trái, độc hại hoặc phân biệt đối xử.
11. Bạn sẽ không làm bất kỳ điều gì có thể làm
vô hiệu, quá tải hoặc ảnh hưởng đến hoạt động đúng cách hay diện mạo của
Facebook, chẳng hạn như phủ nhận tấn công dịch vụ hoặc can thiệp vào kết xuất
trang hay chức năng khác của Facebook.
12. Bạn sẽ không tạo điều kiện hoặc khuyến khích
mọi vi phạm Tuyên bố này hay chính sách của chúng tôi.
Chỉ 3 mục 6, 7, 8 thôi là bạn đã thấy có rất nhiều người đã
và đang vi phạm rồi. Xin nhắc lại nhé: Không
bắt nạt, hăm dọa hoặc quấy rối bất kỳ người dùng nào. Không đăng nội dung có ngôn từ kích động thù địch, mang tính đe dọa hay
khiêu dâm; kích động bạo lực hoặc chứa ảnh khỏa thân hoặc hình ảnh bạo lực hay
nội dung bạo lực vô cớ. Không phát triển hoặc điều hành một ứng dụng bên thứ ba
có chứa nội dung liên quan đến rượu, hẹn hò hay nội dung người lớn khác (bao
gồm quảng cáo) mà không có các giới hạn tuổi phù hợp.
Ngoài ra còn rất nhiều quy định chặt chẽ khác về quyền riêng
tư, về chia sẻ nội dung và thông tin, về bảo mật, về quảng cáo, về phát triển
ứng dụng…
Bạn có chắc rằng bạn luôn tuân thủ đúng các điều khoản trên
khi sử dụng Facebook không?
Tại sao vẫn còn những
thông tin phạm luật trên Facebook?
Bạn sẽ đặt câu hỏi: Tại
sao có những quy định chặt chẽ như vậy rồi mà vẫn có rất nhiều thông tin không
tốt trên Facebook?
Điều này cũng giống như trong xã hội thật thôi. Dù có pháp
luật nhưng vẫn có những người vi phạm pháp luật, cũng như những người tuy chưa
vi phạm pháp luật nhưng vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Những trường hợp ấy khi
bị phát hiện sẽ bị pháp luật trừng trị hoặc bị dư luận xã hội lên án.
Với số lượng người dùng rất lớn trên thế giới (hơn 1 tỷ
người) nếu chỉ riêng ban điều hành Facebook sẽ không thể kiểm soát nổi, thế
nhưng Facebook có một cơ chế báo cáo sai phạm rất linh hoạt. Bất kỳ người dùng
nào cũng có quyền báo cáo sai phạm của người khác cho Facebook (như người dân
báo cáo kẻ vi phạm pháp luật cho chính quyền). Tại tất cả các mục do người dùng
post lên trên Facebook đều có một khoản mục Báo
cáo sai phạm (nhấn vào mũi tên nhỏ ở góc trên bên phải của mục đó và chọn Báo cáo). Facebook sẽ xem xét báo cáo ấy
có chính đáng không, và tùy theo mức
độ có thể xử phạt người đưa đề mục ấy lên theo những mức độ khác nhau. Có thể
xóa bài viết ấy, khóa tài khoản người vi phạm một thời gian hoặc vĩnh viễn.
Bấm vào mục Báo cáo bài viết này nếu thấy có sai
phạm
Hãy cùng nhau tạo một
mạng xã hội trong sáng
Xã hội thật hay xã hội ảo tốt hay không không phải chỉ do
chính nó mà còn do các thành viên của xã hội ấy. Nếu xã hội thật có luật pháp
và các chuẩn mực đạo đức thì xã hội ảo cũng thế, có những điều khoản sử dụng và
những công dân ảo “thượng tôn pháp luật”. Nếu bạn là một công dân tốt trong xã
hội thật thì cũng hãy làm một công dân tốt trong mạng xã hội bằng cách tôn
trọng những điều khoản sử dụng của Facebook và cùng góp phần làm trong sạch xã
hội ấy bằng cách báo cáo sai phạm cho Facebook.
Mọi chuyện bắt đầu bằng cách bạn hãy… đọc những điều khoản
sử dụng của Facebook!
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 06/10/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét