Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Doanh nghiệp lớn vi phạm bản quyền phần mềm

Ngày 24 và 25/09/2014, đoàn kiểm tra liên ngành giữa bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch kết hợp với phòng cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã tổ chức kiểm tra và phát hiện một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam vi phạm bản quyền phần mềm, trong đó có một doanh nghiệp tên tuổi tại Đồng Nai: Công ty Đường Biên Hòa.

Vi phạm bản quyền phần mềm: Hể kiểm tra là phát hiện!

Các công ty vi phạm là Công ty TNHH Ánh Dương (tức taxi Vinasun, trụ sở tại tầng 2, 4, 5, Vinasun Tower, số 648 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh), công ty Đường Biên Hòa (đường số 1, Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai) và công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân (tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).


Trong quá trình thanh tra, đã phát hiện một lượng lớn các phần mềm không bản quyền của Microsoft tại các đơn vị trên, bao gồm: 37 phiên bản Microsoft Windows (Microsoft Windows XP Professional Edition, Microsoft Windows 7 Ultimate đến Windows Server 2003 Enterprise Edition), 165 phiên bản Microsoft Office (Microsoft Office 2010 Professional Plus, Microsoft Office 2013 Professional Plus, Microsoft Office 2010 Enterprise Edition),  3 phiên bản Microsoft SQL Server. Ngoài ra còn một số phần mềm của các hãng khác, như AutoCAD, Adobe,…

Đoàn thanh tra làm việc tại Nhà máy Đường Biên Hòa. Ảnh: Tạp chí Nhịp sống Số

Có thể thấy tác động của Microsoft Việt Nam (đơn vị bị vi phạm bản quyền phần mềm nhiều nhất) phía sau sự kiện này. Năm ngoái, một đợt kiểm tra tương tự đã phát hiện một công ty nước ngoài là Long John Đồng Nai (lại cũng ở Đồng Nai) đã vi phạm bản quyền phần mềm Microsoft trị giá đến gần 1 tỷ đồng (LĐĐN đã đưa tin).

Theo Liên minh Phần mềm (BSA), tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam là trên 80%. Với tỷ lệ ấy, nhiều người nói vui rằng hể kiểm tra là phát hiện vi phạm ngay, tìm đơn vị tôn trọng bản quyền mới khó chứ tìm đơn vị vi phạm bản quyền là chuyện dễ dàng.

Trên LĐĐN, chúng tôi đã phân tích rằng việc chọn Long John Đồng Nai để khởi kiện là ý đồ của Microsoft, vì đây là đơn vị lớn nước ngoài, vừa có tiềm lực tài chính, vừa cần giữ uy tín nên sẽ chịu nộp phạt, đồng thời tạo dư luận lớn để người dùng quan tâm đến việc tôn trọng bản quyền phần mềm. Còn đối với các công ty Việt Nam, họ “nương tay” và xem như đấy là lời cảnh báo. Đến nay, Microsoft tiếp tục cuộc chiến. Lần này đối tượng là các công ty Việt Nam mà nhiều người biết tiếng để đánh động dư luận thêm một mức nữa.

Lời cảnh báo từ Microsoft và các cơ quan chức năng

Thông điệp mà các cơ quan chức năng cùng với Microsoft muốn gửi tới người dùng phần mềm khá rõ ràng. Thông báo của đoàn thanh tra nêu bật các tác hại của việc vi phạm bản quyền phần mềm như sau:

Ảnh hưởng tiêu cực lên uy tín của doanh nghiệp

Các công ty Vinasun, Đường Biên Hòa và Giấy Sài Gòn đều là những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực họ hoạt động. Vinasun là chủ tịch hiệp hội taxi tại thành phố Hồ Chí Minh với số lượng lên tới hàng nghìn xe, được trao tặng danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao cùng nhiều bằng khen, huy chương. Công ty đường Biên Hòa là một trong những công ty đường lớn nhất khu vực phía Nam, liên tục trong nhiều năm đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Còn công ty giấy Sài Gòn ngoài việc là một công ty Hàng Việt Nam chất lượng cao còn có hệ thống phân phối và xuất khẩu đến nhiều nước khác trên thế giới như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Việc bị phát hiện vi phạm luật sở hữu trí tuệ như thế này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên uy tín và thương hiệu được xây dựng trong thời gian dài từ trước đến nay của các doanh nghiệp. Cùng đó là mức ảnh hưởng về tài chính, với mức phạt tối đa có thể lên tới 500 triệu đồng (theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/10/2013).

Dùng phần mềm lậu dễ bị tấn công xâm nhập hệ thống

Theo các nghiên cứu mới đây, phần mềm lậu được biết đến là một trong những nguồn chính mà tin tặc thường lợi dụng khai thác lỗ hổng an toàn hoặc cài đặt mã độc để làm bàn đạp tấn công xâm nhập hệ thống, có thể dẫn tới làm gián đoạn thông tin, phá hoại hệ thống hay đánh cắp dữ liệu. Trong khoảng chưa đầy một tuần từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT) đã ghi nhận các cuộc tấn công mạng vào hơn 700 website tại Việt Nam. Ông Vũ Quốc Khánh – Giám đốc VNCERT cho biết: “Trong đợt tấn công này, VNCERT đã phát hiện có trường hợp điển hình: tin tặc khai thác các lỗ hổng an toàn thông tin của chỉ một máy chủ web kém cập nhật để xâm nhập và thay đổi nội dung cùng lúc tại hàng trăm trang web cài đặt trên máy chủ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn, an ninh thông tin. VNCERT khuyến cáo người sử dụng và những nhà quản trị trang web nên xem xét việc sử dụng các phần mềm chính hãng và cập nhật các bản vá thường xuyên, kịp thời để giảm thiểu các nguy cơ như vậy có thể xảy đến trong tương lai.”

Lối ra từ Microsoft

Thừa nhận rằng một trong những lý do khiến người dùng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam là giá phần mềm quá cao (hệ điều hành Windows 8.1 bản quyền giá khoảng 2 triệu đồng), Microsoft Việt Nam đã đề xuất một giải pháp khắc phục. Công ty TNHH Tin học Viết Sơn đã chính thức được chỉ định phối hợp cùng Microsoft để cung cấp máy tính desktop được cài đặt miễn phí hệ điều hành Microsoft Windows 8.1 wih Bing, mang thương hiệu Rosa. Thông qua Viết Sơn, các công ty máy tính trên cả nước cung cấp máy tính thương hiệu Rosa (kèm theo thương hiệu riêng của mình) sẽ bán cho người dùng cuối máy tính có cài đặt Windows 8.1 bản quyền với giá bằng máy tính không có bản quyền Windows. Tại Đồng Nai, người dùng có thể mua các máy tính này tại các công ty Mai Phương, Tin Việt Tiến, Anh Nhân.

Ông Đỗ Khắc Cương giới thiệu về chương trình cung cấp Microsoft Windows 8.1 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phát biểu tại một buổi tọa đàm giới thiệu chương trình này tại Hà Nội, ông Đỗ Khắc Cương, phụ trách phát triển kinh doanh của Microsoft Việt Nam, cho biết: Hệ điều hành Microsoft Windows 8.1 with Bing tuy chưa phải là bản phù hợp với doanh nghiệp lớn nhưng hoàn toàn đáp ứng tốt mọi nhu cầu của người dùng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, là những đối tượng có thể gặp khó khăn khi phải trả tiền bản quyền phần mềm. Với việc cung cấp máy tính có bản quyền Windows 8.1 và máy tính không có bản quyền bằng giá nhau, Micorosoft tin rằng người dùng sẽ chọn phương án mua máy tính có bản quyền. Từ đó tạo được ý thức tôn trọng bản quyền phần mềm, đồng thời nhận ra được những lợi ích mà phần mềm bản quyền đem lại, như luôn được cập nhật, vá lỗi, và đặc biệt là có cơ chế anti-virus ngay trong hệ điều hành.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 20/10/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét