Facebook là nơi mọi người đăng lên thông tin về hoạt động, suy nghĩ của
mình, cũng là nơi để chia sẻ những thông tin mà người ta thấy hấp dẫn. Thông
thường những thông tin được chia sẻ là các scandal, các sự kiện gây xúc động,
bức xúc… Thế nhưng trong tuần qua, một thông tin được chia sẻ rất nhiềuvà nhanh
trên Facebook lại là nội dung trong một
thông điệp của Thủ tướng Chính phủ!
Tại hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ
năm mới của Văn phòng Chính phủ ngày 15/1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu
cầu chủ động đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội như Facebook, trong
bối cảnh bùng nổ công nghệ mới và trước yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin của
người dân.
Thủ tướng đã phát biểu: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia
mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì
thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng
tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”.
Báo chí đã đồng loạt đưa thông tin về nội dung này, với
những tiêu đề nổi bật, như: “Đưa thông tin Chính phủ lên mạng xã hội”, “Không
thể cấm đưa thông tin lên mạng”, “Phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã
hội”… Tuy nhiên, đây là một thông tin liên quan đến Facebook nên ta thử nhìn
qua phản ứng của những người sử dụng Facebook để xem ảnh hưởng của nó như thế
nào.
Trong thời đại này,
mạng xã hội là một công cụ truyền thông lợi hại
Trên trang Facebook của mình, nhà báo Phan văn Tú đăng một
status: “Lần đầu tiên, một cái tin tường
thuật hội nghị tổng kết của Văn phòng Chính phủ (mà nội dung toàn trích phát
biểu chỉ đạo của Thủ tướng) được share nhanh, share chóng mặt trên facebook!”. Chẳng
những chia sẻ nhanh, nhiều mà đa số các ý kiến nhận xét của các Facebooker (người sử dụng Facebook) đều
tỏ ra phấn khởi và hoanh nghinh chỉ đạo này của Thủ tướng. Có nhận xét khá dí
dỏm, nửa đùa nửa thật: Thủ tướng rành
Facebook ghê luôn nhỉ? Cũng có những ý kiến tỏ ra e dè, không biết rằng Thủ
tướng chỉ đạo thì như vậy, nhưng liệu cấp dưới có làm được đúng vậy không,
nhưng nhìn chung chung hầu hết đều ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng.
Sự thích thú của các Facebooker có lý do chính đáng, bởi vì
từ trước tới nay không ít cơ quan quản lý có cái nhìn thiếu thiện cảm với
Facebook, vì nơi đây lan truyền những thông tin thiếu chính xác, thậm chí sai
trái, bịa đặt và mang ý đồ xấu, gây hoang mang và làm nhiễu loạn dư luận. Đã từng có việc cấm cản sử dụng
Facebook bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Theo Thủ tướng, hiện nay có hàng chục triệu người Việt đang
sử dụng các mạng xã hội và đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm được. Đối
với những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng
Chính phủ chủ động tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, cùng với các bộ, ngành liên
quan cung cấp thông tin chính thống, chính xác và đúng đắn để xã hội hiểu đúng.
Theo Thủ tướng, mạng xã hội hay Internet rõ ràng chỉ là công
cụ, có điều công cụ ấy sắc bén hơn nhiều so với các công cụ truyền thống. Thủ
tướng nói rõ, tình hình hiện nay đã rất khác do sự phát triển của công nghệ
thông tin, trong nhiều trường hợp nếu chờ các bộ, ngành chức năng triển khai kế
hoạch truyền thông, chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin sẽ rất chậm.
Thủ tướng nhắc lại, trước đây sau khi xảy ra một số hành vi
kích động, gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, để truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng
kêu gọi người dân không tham gia các hành vi đó thì chỉ cần một tin nhắn điện
thoại là “toàn dân biết ngay”. Điện thoại di động, cũng như Internet hay
Facebook là những công cụ mới, điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi để bắt
kịp thời đại, để sử dụng chúng như thế nào. Chủ động cung cấp thông tin chính
thống, kịp thời, minh bạch, đó là giải pháp hiệu quả nhất trước những thông tin
sai trái, thay vì những rào cản nhiều khi không những kém hiệu quả mà còn phản
tác dụng.
Các cơ quan chức năng chủ động nắm lấy các công cụ mới ấy
cũng không phải chỉ để phản bác lại thông tin sai trái, ác ý, mà còn có thể
phục vụ rất đắc lực cho hoạt động chỉ đạo, điều hành. Chẳng hạn, theo Thủ
tướng, để ứng phó với những trận siêu bão, trong thời gian ngắn phải di dời
hàng triệu người dân thì việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp chỉ đạo
của Chính phủ, của Thủ tướng tới được ngay lập tức từng vị chủ tịch xã. Thủ
tướng cũng nhấn mạnh: “Chủ động cung cấp thông tin để toàn dân biết, toàn dân
thực hiện, nhưng đây cũng là quyền được cung cấp thông tin của người dân”.
Có thể thấy, chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện một cái nhìn
khác trước về Internet, về mạng xã hội, về Facebook từ phía cơ quan quản lý.
Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là trực tiếp đối với
Văn phòng Chính phủ, nhưng hoàn toàn đúng và có thể triển khai cho các cấp, các
ngành, các địa phương về việc sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói
chung. Các cơ quan quản lý thay vì e sợ và ngăn cấm sử dụng Facebook cùng các
công cụ truyền thông khác thì cần phải nắm vững việc sử dụng những công cụ này
để tạo nên kênh truyền thông hiệu quả của mình, đáp ứng như cầu “cần được cung
cấp thông tin” của người dân, đánh tan những thông tin xấu khác đang lan
truyền. Không chỉ các thông tin chính trị xã hội, những thông tin văn hóa cũng
cần được phổ biến rộng rãi, hấp dẫn để thu hút người dân, giúp nâng tầm nhận
thức văn hóa của mọi người.
Phạm Hoài Nhân
(tổng hợp từ bản tin của Văn phòng Chính phủ và Facebook)
(tổng hợp từ bản tin của Văn phòng Chính phủ và Facebook)
LĐĐN - 19/01/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét