Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Đi nhờ xe, ở nhờ nhà

Taxi Uber là một vấn đề được các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm rất nhiều trong thời gian qua, Sự kiện Uber cũng đã được bình chọn là 1 trong top 10 sự kiện công nghệ thông tin – truyền thông của Việt Nam tiêu biểu nhất trong năm 2014 (do câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam bầu chọn).

Taxi Uber gây tranh cãi dữ dội bởi vì có rất nhiều người ủng hộ và cũng lắm người phản đối. Ngay trong lãnh đạo ngành giao thông vận tải (lĩnh vực mà taxi Uber hoạt động) cũng có những ý kiến trái chiều. Trong khi một thứ trưởng tuyên bố rằng Uber hoạt động bất hợp pháp và cần phải cấm thì bộ trưởng Đinh La Thăng lại cho rằng nếu Uber làm lợi cho người dân thì hãy tìm con đường hợp pháp hóa nó.


Taxi Uber = đi nhờ xe

Hiện nay dịch vụ taxi Uber chưa có tại Đồng Nai, chỉ có ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nên nhiều người dân Đồng Nai vẫn chưa rõ taxi Uber là gì. Giải thích một cách phổ thông nhất thì hoạt động của taxi Uber như sau:

Bạn hãy hình dung bức tranh như thế này: có một số người cần di chuyển bằng xe ô tô đi đâu đó mà không có xe (thường thì họ sẽ phải gọi taxi), lại có một số người khác có xe ô tô riêng nhưng tương đối nhàn rỗi, không sử dụng hết công suất. Sẽ thật là hợp lý nếu người cần đi xe được đi nhờ xe của người sở hữu xe, trả một chi phí vừa phải (rẻ hơn taxi bình thường).

Uber không phải là một hãng xe, họ chẳng sở hữu chiếc taxi nào hết. Đó chỉ là một ứng dụng trên smartphone, có tác dụng làm cầu nối giữa bên cung (người sở hữu xe) và bên cầu (người cần đi xe). Người sở hữu xe muốn tham gia dịch vụ Uber sẽ đăng ký vào ứng dụng này với những thông tin đầy đủ về nhân thân và đặc điểm phương tiện. Người muốn đi xe chỉ cần cài đặt ứng dụng Uber vào smartphone của mình. Khi cần đi thì dùng bản đồ trên ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe. Uber cung cấp những thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón (yên tâm hơn về phương tiện vận chuyển) và chi phí phải trả (khỏi sợ bị lừa, bị tính khống).  Việc thanh toán được tiến hành qua mạng (với smartphone) và chủ xe hưởng 80%, Uber hưởng 20%.

Giới thiệu dịch vụ trên website của Uber

Những người ủng hộ taxi Uber là người thuê xe, vì họ được đi xe giá rẻ hơn taxi bình thường, lại đi xe không có bảng hiệu taxi nhìn như xe riêng, ra dáng “sang” hơn. Người chủ phương tiện cũng ủng hộ taxi Uber vì họ có điều kiện cải thiện thu nhập khi cho thuê xe.

Những người phản đối taxi Uber chính là các hãng taxi truyền thống và người lái taxi của họ, bởi vì họ đang bị giành giật thị phần. Các cơ quan quản lý cũng có lý do chính đáng để phản đối: cơ quan thuế không thu được thuế từ Uber và người chủ xe, ngành giao thông không quản lý được các phương tiện vận chuyển này.

Uber được khai sinh từ năm 2009 và hiện nay có mặt tại hơn 100 thành phố của 36 quốc gia trên thế giới. Không chỉ ở Việt Nam, tại nhiều nước khác Uber cũng gây nên sự tranh cãi và cấm đoán. Ở Việt Nam, Thủ tướng chính phủ vừa chỉ đạo xem xét hoạt động dịch vụ taxi Uber (đầu tháng 12/2014), và các ban ngành đang vào cuộc.

Chưa biết hồi kết sẽ như thế nào, nhưng có thể đánh giá rằng Uber là một sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông hết sức độc đáo.

AirBnb = ở nhờ nhà

Bây giờ bạn hãy thử hình dung lại bức tranh trên, nhưng thay xe bằng phòng trọ nhé.
Có một số người đến nơi xa và cần chỗ ngủ lại (thường thì họ sẽ thuê khách sạn hoặc phòng trọ), lại có một số người khác có nhà ở nơi đó và có phòng trống, không sử dụng hết công suất. Sẽ thật là hợp lý nếu người cần thuê phòng được ngủ nhờ nhà của người sở hữu nhà, trả một chi phí vừa phải (rẻ hơn khách sạn bình thường, hoặc có được chỗ ngủ khi khách sạn đã hết phòng).

Giống như Uber đối với taxi, Airbnb là một ứng dụng tương tự đối với phòng trọ.
Thực sự Airbnb ra đời trước Uber và cũng phát triển mạnh hơn nhiều trên phạm vi toàn cầu, nhưng hiện giờ dịch vụ này chưa xuất hiện tại Việt Nam. Airbnb là viết tắt của Airbed and Breakfast (đệm ngủ và bữa ăn sáng), khai sinh từ năm 2008 và hiện có mặt tại 33.000 thành phố và 192 quốc gia.

Giống như Uber, Airbnb không phải là chủ sở hữu căn hộ hay khách sạn mà họ chỉ là công cụ trung gian giúp người cần thuê phòng và người có phòng cho thuê gặp nhau. Người chủ căn hộ phải đăng ký thông tin về mình và căn hộ với Airbnb, ngoài ra người thuê xong có thể đăng nhận xét vào nơi đó để những người đến sau có cơ sở chọn lựa.

Airbnb chưa chính thức có mặt tại Việt Nam, tuy nhiên qua website của Airbnb (do công ty nước ngoài quản lý) người ta vẫn có thể tìm thấy danh sách những căn hộ cho thuê theo dạng trên tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…

Airbnb giới thiệu các căn hộ cho thuê ở TP. Hồ Chí Minh

Hồi tháng 8/2014, trên trang LinkedIn của mình Airbnb đã đăng thông báo tuyển dụng nhân sự để phát triển thị trường tại Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng trong một ngày rất gần dịch vụ này sẽ có mặt chính thức tại Việt Nam. Đến khi ấy chắc chắn sẽ lại có những tranh cãi giống như những điều đang xảy ra với Uber hôm nay.

Nhận định

Số phận của Uber taxi tại Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa được định đoạt, còn Airbnb thì vẫn chưa chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam. Dù thế nào đi nữa, ta vẫn phải công nhận rằng đây là những sáng kiến hết sức độc đáo ứng dụng tiến bộ công nghệ vào đời sống. Nếu những ứng dụng này phát triển thì sẽ làm thay đổi hẵn bộ mặt của ngành mà nó đang đứng chân (ngành giao thông vận tải và khách sạn). Bằng không, nó cũng sẽ khiến các đơn vị kinh doanh truyền thống trong những ngành này phải giật mình xem lại chính mình và có những cải tiến để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đó chính là những điều tốt đẹp mà ngành công nghệ thông tin đem lại cho chúng ta.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 05/01/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét