Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Đổi số điện thoại, vì sao?

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa công bố quy hoạch kho số viễn thông, có hiệu lực từ 1/3/2015.  Theo đó, 59/63 tỉnh thành sẽ có mã vùng điện thoại cố định mới, trừ 4 tỉnh giữ nguyên là Hà Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình.  Ngoài ra, tất cả các thuê bao di động sẽ chỉ có 10 số. Người sử dụng điện thoại tỏ ra lo lắng và có phần bực mình với sự thay đổi này.

Bực mình cũng phải thôi, vì điều này dẫn đến nhiều phiền toái. Người dùng sẽ phải thay đổi hàng loạt số thuê bao trong danh bạ điện thoại của mình. Các công ty, xí nghiệp phải in lại hàng loạt danh thiếp, mẫu giấy tờ, và cả vẽ lại bảng hiệu nữa. Có người còn cho rằng đây là chuyện tạo ra phiền phức không đáng có. Thế nhưng phải có lý do chính đáng để cơ quan chủ quản đưa ra quy hoạch như vậy chứ.

Số thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm đi. (Ảnh minh họa, PHN)


Bài viết này xin giải thích lý do một cách đơn giản như sau:

Các số thuê bao điện thoại đang dùng có số đầu tiên là số 0 (gọi trong nước), kế đến là mã vùng (đối với điện thoại cố định, như 61 là Đồng Nai) hoặc mã hãng viễn thông (đối với điện thoại di động, như 90, 91…), và sau cùng là dãy số thuê bao.

Thuở xưa, khi điện thoại di động chưa phát triển thì số thuê bao chủ yếu là điện thoại cố định. Trong dãy số từ 1 tới 9 (9 đầu số), cục viễn thông hào phóng xài hết 7 đầu số cho điện thoại cố định là 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Thí dụ như Đồng Nai, mã vùng là số 61, như vậy số thuê bao có dạng: 061.xxxxxxx, phía sau có tới 7 con số. Về lý thuyết, với 7 con số phía sau thì có thể cấp được tới 10.000.000 số thuê bao khác nhau. Những nơi nhiều thuê bao hơn, như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì mã vùng chỉ có 1 con số, có dạng 04.xxxxxxxx (Hà Nội) và 08.xxxxxxxx, phía sau còn tới 8 con số. Như vậy về lý thuyết ở mỗi nơi này có thể cấp được tối đa 100.000.000 số thuê bao khác nhau. Tương tự như vậy, một số địa phương có lượng dân cư ít hơn thì thì mã vùng đến 3 con số, như Điện Biên (0230.xxxxxx), Đắk Nông (0501.xxxxxx) – với 6 con số như vậy cũng cấp được tối đa 1.000.000 số thuê bao.

Khi điện thoại di động ra đời, nó được cấp cho đầu số còn lại là số 9, và ta có 090.xxxxxxx, 091.xxxxxxxxx… Mỗi hệ như vậy thì số thuê bao có 7 con số phía sau và có thể cấp được tối đa 10 triệu số thuê bao. Thế nhưng điều không lường trước là thuê bao di động phát triển quá nhanh, buộc cơ quan quản lý viễn thông phải dùng luôn đầu số còn lại (là số 1) để cấp cho thuê bao di động. Và thực sự nếu chỉ dùng 10 con số giống như điện thoại cố định hoặc điện thoại di động 09xxxxxxx thì sẽ lại bị thiếu số, do đó những số thuê bao này buộc phải có 11 con số.

Hiện tại, theo số liệu của Bộ TT&TT, tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động của Việt Nam khoảng 130 triệu. Trong đó, số thuê bao điện thoại cố định khoảng gần 7 triệu (chiếm khoảng 5,4% tổng số thuê bao), số lượng thuê bao điện thoại di động khoảng hơn 120 triệu (chiếm xấp xỉ 94,6% tổng số thuê bao). Ngoài ra, lượng thuê bao số di động ngày càng tăng lên trong khi lượng thuê bao số cố định ngày càng giảm đi.

Như vậy, ta thấy ngay một điều bất hợp lý: cái anh chiếm chỉ có hơn 5% tổng số thuê bao thì lại nằm giữ tới 7 đầu số (2, 3, 4, 5, 6, 7, 8), còn anh chiếm đến gần 95% tổng số thuê bao  thì lại nắm có 2 đầu số thôi (1 và 9).

Điều bất hợp lý thứ hai là: cùng là số thuê bao như nhau nhưng trong khi mọi người (thuê bao cố định và thuê bao 09xxxxxxxx) đều có 10 con số thì như thuê bao bắt đầu bằng 01 lại có đến 11 số. Điều này vừa dễ gây nhầm lẫn vừa tạo nên sự… phân biệt giai cấp, dễ khiến người ta nghĩ rằng sim 01xxxxxxxx là  sim rác, sim khuyến mãi…

Cách giải quyết hợp lý là phân phối lại các đầu số. Lượng thuê bao cố định đang ít (và sẽ ngày càng ít hơn) chỉ nên giữ một đầu số thôi, đó là số 2. Các đầu số khác (1, 3, 4, 5, 7, 8, 9) dành cho thuê bao di động (đầu số 6 dành riêng cho việc khác).

Như vậy, khi nhận được cuộc gọi bắt đầu bằng 02 ta sẽ biết ngay đó là cuộc gọi từ thuê bao cố định, các số khác là từ thuê bao di động. Số thuê bao sẽ có dạng là 02xx.yyyyyy, trong đó 02xx là mã vùng và phía sau là 6 con số. Về lý thuyết, với 6 con số như vậy mỗi tỉnh thành có thể cấp tới 1 triệu số thuê bao. Riêng đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vì có số thuê bao nhiều nên số có dạng 024.xxxxxxx (Hà Nội) và 028.xxxxxxx (TP. HCM). Với 7 con số phía sau, về lý thuyết 2 nơi này mỗi nơi có thể cấp tối đa 10 triệu số thuê bao cố định.

Một số mã vùng mới như sau:

Hà Nội: 024
TPHCM: 028
Đồng Nai: 0251
Bình Dương: 0274

Về phía thuê bao di động, trước đây chỉ có 2 đầu số là 9 và 1, bây giờ có thêm 5 đầu số nữa. Những thuê bao bắt đầu bằng đầu số 9 xem như yên thân, yên phận rồi, có 10 số và không cần thay đổi gì cả. Riêng các thuê bao bắt đầu bằng số 1 thì vốn đang có 11 số sẽ được chuyển hết thành 10 số và sẽ được đổ sang các đầu số 3, 4, 5, 7, 8 vừa san sẻ từ số thuê bao cố định. Việc chuyển đổi này theo quy tắc nào thì chưa được xác định.

Tóm lại, việc thay đổi mã vùng và chuyển đổi số thuê bao di động từ 11 số thành 10 số là 2 việc có liên quan với nhau và là một quy hoạch hợp lý trong việc phát triển kho số. Đương nhiên việc thay đổi nào cũng gây ra một số khó khăn, phiền phức trong thời gian đầu, nhưng rồi mọi việc sẽ đâu vào đó. Mặt khác, dù quy hoạch có hiệu lực từ 1/3/2015, nhưng việc chuyển đổi sẽ được tiến hành từ từ trong vòng 2 năm, và Bộ TT&TT cũng đã có một số giải pháp để giảm thiểu đến mức thấp nhất những bất tiện cho người dùng trong giai đoạn chuyển đổi.

Thái Thư
LĐĐN - 12/01/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét