Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Nạn trộm cắp bản quyền phần mềm

Ngày 10/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa xử phúc thẩm vụ án xâm phạm quyền tác giả phần mềm đối với phần mềm dự toán xây dựng Acitt do hai bị cáo Vũ Xuân Toàn và Đặng Minh Thái thực hiện. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi việc vi phạm bản quyền phần mềm Việt Nam được đưa ra xử trước tòa, còn rất nhiều trường hợp vi phạm khác đã và đang diễn ra mà không hề được xem xét.

English Study Pro là một trong những phần mềm Việt Nam bị vi phạm bản quyền nhiều nhất.


Vụ vi phạm bản quyền phần mềm ở Hà Nội

Vụ án này như sau: Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Tự động hóa (Công ty Acitt) đã phát triển phần mềm dự toán xây dựng Acitt. Phần mềm này đã đăng ký bản quyền năm 2007. Công ty Acitt ủy quyền cho Công ty Toàn Đức bán phần mềm ra thị trường.

Năm 2007, công ty Toàn Đức tuyển Vũ Xuân Toàn (33 tuổi) và Đặng Minh Thái (29 tuổi) vào làm việc, với nhiệm vụ cài đặt, chuyển giao phần mềm Acitt cho khách hàng.

Sau khi nghỉ việc tại công ty này, hai nhân viên trên đã truy cập vào trang web của Công ty Acitt để tải phần mềm Acitt cùng những dữ liệu cập nhật về rồi in nội dung trên ra đĩa để bán cho khách hàng.

Tống số tiền hai bị cáo đã chiếm đoạt từ việc bán phần mềm này là hơn 1 tỉ đồng.

Trong bản án sơ thẩm ngày 18/9/2014, Tòa án Nhân dân quận Hoàng Mai đã tuyên Vũ Xuân Toàn 30 tháng tù, Đặng Minh Thái 32 tháng tù về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, buộc Thái bồi thường cho công ty Acitt gần 500 triệu đồng, Toàn bồi thường hơn 100 triệu đồng.

Trong phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã xử cho các bị cáo hưởng án treo.

Không bình luận về mức án nặng hay nhẹ, giới làm phần mềm trong nước đều cho rằng một vụ vi phạm bản quyền phần mềm được xét xử và được bồi thường như vậy là… may lắm rồi, hầu hết các vụ vi phạm khác đều rơi vào im lặng.

Một dạng trộm cắp bản quyền phần mềm khác

K. là một kỹ thuật viên phần cứng, chuyên đi sửa chữa máy tính hoặc đi lắp đặt các máy tính mới mua cho khách hàng. Cả đời K. chưa bao giờ viết một phần mềm dù nhỏ, vì thế điều đáng ngạc nhiên là có người gọi K là chuyên gia phần mềm.

Qua tìm hiểu, được biết quá trình trở thành chuyên gia phần mềm của K như sau:

Khi làm nhiệm vụ lắp đặt hệ thống máy tính mới cho công ty X, K. thực hiện việc chuyển dữ liệu từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. Khi thực hiện việc chuyển dữ liệu ấy, anh ta có chuyển một phần mềm chuyên môn dùng cho quản lý mà công ty X đã đặt hàng viết với giá 50 triệu đồng. K. bèn copy phần mềm ấy cùng với toàn bộ hướng dẫn sử dụng từ hệ thống máy của công ty X sang đĩa riêng của mình.

Sau đó, trong quá trình công tác cho công ty của mình, đến lắp đặt máy hoặc bảo trì, sửa chữa tại các đơn vị có chức năng tương tự công ty X, K. chào hàng, giới thiệu rằng mình có một phần mềm như thế, bán với giá 30 triệu đồng. Vì giá này thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên nhiều đơn vị chấp nhận mua, K cứ thế nhân bản ra mà bán và tiền thu được bỏ túi riêng. Các nơi mua giới thiệu với nhau, và mặc nhiên K được gọi là chuyên gia phần mềm, có thu nhập cao từ tiền bán phần mềm, trong khi trên thực tế anh ta không hề bỏ công sức ra viết một dòng chương trình nào cả!

Khi được đặt vấn đề rằng đó là hành động xấu, K. phản biện lại và cho rằng việc làm của anh ta không làm hại ai cả, thậm chí còn làm tốt cho xã hội. Lập luận của K. như sau:

-      Công ty X là nơi mà K. đã sao chép phần mềm không bị thiệt hại gì cả. Phần mềm vẫn còn đó để phục vụ công ty, đã được sao chép sang hệ thống máy mới một cách hoàn chỉnh.
-      Đơn vị viết phần mềm cho công ty X không bị thiệt hại gì cả vì thực tế họ đã thu được tiền từ công ty X. Còn việc K. mang phần mềm này đi bán ở những nơi khác thì cũng không gây thiệt hại cho đơn vị này, vì nếu K. không bán thì học cũng… đâu có biết những nơi này để chào bán.
-      Các nơi mua phần mềm do K bán được mua phần mềm với giá rẻ phục vụ quản lý, đó là điều tốt cho xã hội.

Rõ ràng đây là sự ngụy biện, khi trong toàn bộ lập luận không nhắc gì đến khái niệm quyền tác giả. Thế nhưng trên thực tế quyền tác giả cũng rất ít được quan tâm, thậm chí có nhiều người cũng sẵn sàng bỏ qua khái niệm đó giống như K. Do đó K và những người như anh ta đã có thể kiếm tiền một cách bất chính như thế trong thời gian dài.

Tại sao giới lập trình nằm yên chịu trận?

Thật ra vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam đã được đặt ra từ… hơn hai chục năm nay. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đều không mang lại kết quả. Giới lập trình tự bảo vệ mình bằng cách tạo ra các mã khóa, nhưng hầu như tất cả các mã khóa đều bị bẻ gãy – chỉ là nhanh hay chậm mà thôi. Với sự phát triển của Internet, các bản phần mềm đã bị bẻ khóa được đưa công khai trên mạng. Thậm chí có nhiều trang web còn… hướng dẫn cách bẻ khóa!

Việc thưa kiện lại là điều mệt mỏi với giới lập trình vì mất rất nhiều thời gian và công sức, mà kết quả chẳng đáng là bao, “được vạ thì má đã sưng”.

Điều cốt lõi để giải quyết vấn đề là tạo ý thức bảo vệ quyền tác giả trong cộng đồng, nhưng đã bao nhiêu năm nay ý thức này chẳng cải thiện được là bao. Không biết sẽ chờ đến bao giờ?

Thái Thư
LĐĐN - 13/04/2015

Box:


Một trong những phần mềm Việt Nam bị sao chép lậu nhiều nhất nước là phần mềm học tiếng Anh English Study Pro của tác giả Phạm Thùy Nhân ở Đồng Nai. Phần mềm được in ra dưới dạng CD, có mã bảo vệ. Tuy nhiên hacker đã bẻ khóa phần mềm. Mới đây, những kẻ xấu đã in bản bẻ khóa ra CD và chào bán công khai ở các trường đại học tại Hà Nội với giá bán bằng… 1/10 giá gốc. Trên CD lậu này vẫn in nguyên số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật của đơn vị phát hành là công ty Đắc Nhân. Sinh viên mua đĩa lậu bị sự cố kỹ thuật vẫn vô tư gọi về số điện thoại này để… xin giúp đỡ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét