Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Người Việt Nam sử dụng dịch vụ 3G như thế nào?

Báo Bưu điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường Công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam với sự tài trợ của Qualcomm và sự hợp tác của 3 nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel  đã khảo sát về hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam. Báo cáo kết quả khảo sát vừa được công bố chiều 23/04/2015.  Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã tới dự.

Dự án khảo sát này được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng tại nhà, ở 3 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Phát biểu về kết quả của dự án này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, các kết quả nghiên cứu thái độ và hành vi người dùng nói chung đều là kênh thông tin hữu ích giúp cơ quan nhà nước tham khảo về hành vi người dùng, là kênh cho doanh nghiệp tham khảo để đo độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ mình cung cấp.

Dù được quảng bá rất mạnh, tỷ lệ người dùng dịch vụ 3G ở Việt Nam vẫn chưa tới 50%


Một số kết quả khảo sát được công bố trong báo cáo

  • Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ 3G: Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ người dùng dịch vụ 3G tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng tăng lên 38% so với năm trước. Hà Nội là nơi có tỷ lệ người sử dụng 3G cao nhất, tới 48%, TPHCM 32% và Đà Nẵng 33%. Về độ tuổi, chiếm đa số là khách hàng dưới 35 tuổi (75%), có thu nhập từ 7,5 triệu/tháng trở lên (81%). Khách hàng nữ nhiều hơn nam (61% so với 39%).
  • Mức độ sử dụng: 67% người tham gia khảo sát sử dụng dịch vụ 3G rất thường xuyên, khoảng vài lần một ngày.
  • Thiết bị dùng để truy cập: 93% người dùng truy cập 3G qua smartphone, 6% dùng máy tính bảng. Số người có dùng máy tính để bàn hoặc laptop để truy cập 3G chỉ chiếm 4%, 3% bằng điện thoại di động thông thường.
  • Mục đích sử dụng: 87% người cho biết truy cập 3G để đọc tin tức, kế đó là dùng để lướt web và tìm kiếm thông tin (84%), truy cập mạng xã hội (82%), chat (74%).
  • Sử dụng ở đâu: Nhiều nhất là… ở nhà (96%) – điều này khá mâu thuẫn, vì lợi thế lớn nhất của 3G là tính di động. Kế tiếp là ở nhà bạn bè (59%), ngoài trời (49%), nhà hàng/quán ăn (48%) và nơi làm việc (42%).
  • Lý do sử dụng: các lý do được nêu lần lượt là: để có thể truy cập Internet mọi lúc mọi nơi (93%), thay cho ADSL hoặc Wi-Fi (40%), được gia đình/người thân/bạn bè khuyên sử dụng (33%), thu nhập đủ để chi trả việc sử dụng 3G (33%), cần cho công việc (25%).
  • Tham khảo thông tin từ đâu để sử dụng: 90% người sử dụng tham khảo ý kiến gia đình/bạn bè, kế đến là tham khảo ý kiến… người bán hàng (40%).
  • Mức độ hài lòng: Mức độ hài lòng về dịch vụ 3G được khách hàng đánh giá 8.05/10 điểm. Bên cạnh đó là các đề xuất:  nhà mạng cải thiện tốc độ đường truyền nhanh hơn (57%), độ ổn định cao hơn (18%), phủ sóng ở nhiều khu vực hơn (16%) và giảm giá cước (15%).
  • Giá cước và thái độ đối với giả định tăng giá: 60% cho rằng mức giá 3G hiện tại là chấp nhận được và chất lượng nhận được tương ứng với số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra. 8% khách hàng tham gia khảo sát không chấp nhận nếu các nhà cung cấp tăng giá cước dịch vụ 3G.
92% khách hàng ủng hộ tăng giá cước? Dư luận phản đối kết quả này!

Nếu các số liệu khảo sát ở trên được xem như đáng tin cậy để hình dung ra bức tranh sử dụng dịch vụ 3G ở Việt Nam hiện nay và không gây ra phản ứng nào, thì yếu tố cuối cùng: 8% khách hàng tham gia khảo sát không chấp nhận nếu các nhà cung cấp tăng giá cước dịch vụ 3G lại gây ra phản ứng dữ dội, vì điều này đồng nghĩa với 92% khách hàng chấp nhận tăng giá cước dịch vụ 3G.

Trong tình hình nhạy cảm hiện nay khi nhiều chi phí đang tăng như giá điện, giá xăng, các loại phí… thì người tiêu dùng cho rằng đây là kết quả khảo sát ảo do GfK ngụy tạo ra để làm tiền đề cho các nhà cung cấp tăng giá dịch vụ.

Chỉ một ngày sau khi bảng khảo sát được công bố, ngày 24/4 rất nhiều diễn đàn công nghệ và trên mạng xã hội đã có những ý kiến phản đối kết quả này. Bên cạnh ý kiến cho rằng đây là kết quả giả tạo, có những ý kiến cho rằng GfK đã “gài bẫy” người được khảo sát để đưa ra ý kiến phù hợp với ý định tăng giá của nhà mạng. Trên một số trang mạng còn lập ra khảo sát mini của mình để chứng minh rằng đa số người dùng không hề chấp nhận tăng giá cước dịch vụ 3G.

Trả lời của GfK

Trước phản ứng mạnh của dư luận, đại diện GfK đã cung cấp thông tin thêm như sau:

Câu hỏi mà GfK đặt ra cho những người được khảo sát là:

Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?

Hành vi của người dùng là:

1)       Anh/chị vẫn chấp nhận duy trì gói cước đang sử dụng của nhà mạng này
2)       Anh/chị vẫn chấp nhận tiếp tục sử dụng nhà mạng này nhưng sẽ chuyển xuống dùng gói cước rẻ hơn/ ít dung lượng hơn
3)       Anh/chị sẽ chuyển sang sử dụng 3G của một nhà cung cấp khác rẻ hơn.

Các mức độ tương ứng là:

  1. Dưới 5%
  2. Từ 5-10%
  3. Từ 10-20%
  4. Trên 30%
  5. Không đồng ý tăng.
Kết quả là chỉ có 8% chọn mục e. Không đồng ý tăng và 3) Anh/chị sẽ chuyển sang sử dụng 3G của một nhà cung cấp khác rẻ hơn

Qua câu hỏi này, ta có thể thấy không phải ý chính của nội dung khảo sát là “Có đồng ý tăng giá không?” mà là về sự thay đổi hành vi đối với nhà mạng mà người sử dụng đang dùng. Nếu câu hỏi là “Anh/chị có chấp nhận tăng giá dịch vụ 3G không?” thì chắc chắn kết quả trả lời sẽ khác.

Như vậy, mặc dù GfK không cố tình “gài bẫy” người được khảo sát, nhưng việc công bố kết quả khá mơ hồ khiến dư luận không đồng tình.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết ý kiến của mình: Tất cả các cuộc nghiên cứu về thị trường viễn thông, Internet trước đây, kể cả do trong nước hay do quốc tế thực hiện đều cho kết quả một cách tương đối, chưa thể phản ánh được toàn bộ thị trường. Do đó, kết quả do GFK mới đưa ra chỉ đại diện cho ý kiến của 1 tập khách hàng, không thể đại diện cho toàn bộ người dùng di động Việt Nam.

Thái Thư
LĐĐN - 27/04/2015

Box:

GfK (Gesellschaft für Konsumforschung) là cơ quan nghiên cứu thị trường lớn nhất của Đức và lớn thứ tư trên thế giới, được thành lập từ 1934. Chi nhánh tại Việt Nam của GfK hoạt động từ năm 2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét