Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Mua bán qua mạng, coi chừng bị lừa!

Mua bán qua mạng – hay còn được gọi văn hoa là “thương mại điện tử” – là một phương thức kinh doanh đang phát triển và đang được Nhà nước khuyến khích. Những lợi ích của việc mua bán qua mạng được nói đến rất nhiều, nhưng những vụ việc lừa đảo cũng không ít khiến nhiều người hoang mang. Bài viết này liệt kê ra một số dạng lừa đảo để người đọc hiểu rõ hơn về tình trạng mua bán qua mạng hiện nay.

Người bán lừa

Đương nhiên là đối tượng lừa đảo được quan tâm nhất chính là người bán. Hai điều người mua băn khoăn nhất trước khi quyết định mua hàng qua mạng là:

  1. Cửa hàng này có thật không? Mình chuyển tiền mua hàng có bị mất tiền không?
  2. Hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đúng như thể hiện trên mạng không? Nếu không thì có trả lại được chăng?
Trên thực tế, đúng là 2 điều lo ngại này là có cơ sở. Một số trang web giả mạo chào bán hàng hiệu (thường là hàng thời trang, mỹ phẩm) với giá khuyến mãi rất tốt để thu hút sự chú ý của khách hàng. Khi khách đồng ý mua và chuyển tiền vào tài khoản rồi thì họ chuyển hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc thậm chí lấy tiền mà không gởi hàng cho khách.

Tuy nhiên, cần chú ý các trường hợp:

-      Người bán không lừa người mua, nhưng một kẻ gian lập giả một trang web mua bán hàng giống hệt như trang web thật của người bán. Người mua vô ý sẽ tưởng đó là thật và chuyển tiền vào tài khoản được đưa lên trên trang web giả. Kết quả là mất tiền.
-      Đối với một số mặt hàng thời trang, ảnh được đưa lên mạng với người mẫu rất đẹp nên được ưa thích. Khi người mua đặt hàng và nhận hàng rồi, mặc vào thì thấy không đẹp được như vậy (hoặc có khi quá xấu) nên than phiền rằng bị lừa. Thực tế những trường hợp này người bán không lừa, chỉ tại… thân hình người mua không được như người mẫu!

Một mẫu chào hàng thời trang trên Facebook.

Người mua lừa

Làm sao người mua lừa được nhỉ? Được chứ, đó là trường hợp mua hàng mà… không trả tiền. Ta hãy xem thí dụ này nhé:

Thông thường, việc mua bán qua mạng được tiến hành khi bên mua đã chuyển tiền vào tài khoản bên bán, bên bán kiểm tra tài khoản thấy đã nhận được tiền thì mới gởi hàng. Việc này đội khi mất vài ba ngày nếu ngân hàng mở tài khoản của 2 bên là khác nhau, đặc biệt là nếu việc chuyển tiền diễn ra chiều thứ Sáu, vì chắc chắn 2 ngày kế tiếp (thứ Bảy và Chủ Nhật) ngân hàng sẽ nghỉ làm việc.

Để việc giao dịch được nhanh chóng, tạo uy tín cao, nhiều trường hợp bên bán chấp nhận nhìn thấy được bản photo giấy chuyển tiền là đồng ý gởi hàng ngay thay vì kiểm tra tiền đến trong tài khoản. Lợi dụng điều này, bên mua sẽ giả vờ là mình cần hàng rất gấp và chuyển tiền ngay để được nhận hàng sớm. Bên mua giả vờ chọn ngày chuyển tiền là thứ Sáu, và lấy một giấy chuyển tiền khác, dùng Photoshop chỉnh sửa nội dung giống với đơn đặt hàng rồi gởi mail cho bên bán. Khi nhìn thấy bản sao (giả) này, bên bán sẽ gởi hàng cho bên mua. Dĩ nhiên là tiền sẽ… không bao giờ tới, và khi ấy nếu bên bán liên lạc điện thoại với bên mua sẽ không có tín hiệu trả lời.

Người không bán, không mua cũng lừa

Có những kẻ xấu, không phải bên bán hay bên mua, nhưng thường xuyên theo dõi các trang web bán hàng. Chúng đọc những thông tin của khách hàng trao đổi trên đó và nghĩ cách để lừa. Một trường hợp cụ thể là vụ án Nguyễn Đức Anh bị PC45 Hà Nội bắt ngày 31/3 vừa qua (LĐĐN đã có bài viết về vụ án này). Xin được nhắc lại tình huống lừa của hung thủ như sau:

Một trường hợp dở khóc dở cười là chị D. Trên trang Facebook của Trịnh Thu Huyền, chị D, thích một mặt hàng túi xách giá 40 triệu đồng và tag nick chồng của mình vào để anh ấy xem (Tag là động tác dán tên của một người khác vào chủ đề mình đang bàn luận để người ấy nhận biết thông tin). Đức Anh đọc thông tin ấy và biết nick của chồng chị D, anh ta liền tạo ngay một Facebook giả mạo chị D. và chat với chồng chị. Anh ta nói rằng cần chuyển 10 triệu vào tài khoản (do anh ta cung cấp) để đặt cọc mua chiếc túi xách. Tưởng là vợ mình thật, chồng chị D. chuyển tiền. Đến chiều tối khi hai vợ chồng về nhà gặp nhau nói chuyện thì mới biết là bị lừa.

Lừa đảo nhiều quá, có nên mua bán qua mạng không?

Khi đọc những thông tin lừa đảo khi mua bán qua mạng, nhiều người sẽ đặt câu hỏi như vậy.

Câu trả lời là: Vẫn nên mua bán qua mạng. Những ưu việt của phương thức mua bán này cho cả bên bán và bên mua đều đã được nêu rõ. Bên bán không cần phải có mặt bằng tốn kém nên giảm được chi phí, việc quảng bá sản phẩm qua mạng được rộng khắp hơn so với cửa hàng truyền thống. Bên mua không cần phải đi đến nơi bán hàng, lại mua được giá rẻ hơn nhờ các chi phí của bên bán giảm đi. Ở quy mô quốc gia, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 về Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020.

Những tình huống lừa đảo nêu trên chỉ nhằm để chúng ta thấy rõ hơn những bất trắc khi mua bán qua mạng và có cách ứng xử phù hợp.

Lựa chọn trang web bán hàng qua mạng như thế nào?

Có thể thấy đa số các trang bán hàng qua mạng có hiện tượng lừa đảo đều là trang Facebook. Điều này dễ hiểu, vì trang Facebook được tạo dễ dàng và miễn phí (hoặc chi phí rất thấp), chính vì thế nên nhiều người có thể tạo nên, trong đó có người tốt, người xấu, kẻ kinh doanh chuyên nghiệp, kẻ kinh doanh nghiệp dư. Số người sử dụng Facebook tại Việt Nam đã lên đến trên 25 triệu, đây là kênh tiếp cận khách hàng quá phong phú, nên cũng có vô số trang Facebook bán hàng được tạo nên. Số lượng nhiều như vậy nên những trang xấu hoặc chưa tốt không hề ít. Nếu mua qua trang Facebook thì nên chọn những người quen biết, tin cậy để bảo đảm an toàn.

Đối với các trang web thương mại điện tử lớn thì xác suất an toàn khá cao, vì các trang này được đầu tư công phu, tốn kém, các chủ trang sẽ cố gắng phục vụ tốt để bảo vệ uy tín của mình. Còn nếu bạn vẫn còn lo ngại nữa thì trên những trang này bạn hãy chọn phương thức thanh toán là COD (Cost On Delivery): thanh toán khi giao hàng. Khi ấy, chỉ khi nhìn tận mắt, sờ tận tay hàng hóa thì bạn mới trả tiền, không sợ bị lừa phải không bạn? Những trang thương mại điện tử lớn đáp ứng yêu cầu này là lazada.vn, tiki.vn…

Tiki.vn là một trang thương mại điện tử có uy tín, có sự hợp tác đầu tư của tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản)


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 20/04/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét