Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Khi người ta không thích được ban ơn

Tháng 8 năm 2013, ông chủ Zuckerberg của Facebook giới thiệu một dự án nhằm đưa Internet miễn phí phổ cập đến toàn thế giới, thông qua website mang tên internet.org. Dự án đã được triển khai chủ yếu tại châu Á và châu Phi, những nơi mà do nhiều điều kiện khách quan Internet chưa đến được với người dân. Sau hơn một năm triển khai, điều bất ngờ là những nơi được hỗ trợ này đang tỏ ra phản đối dự án!

Internet.org là gì?

Zuckerberg đang giới thiệu dự án: Sứ mạng của chúng tôi là làm cho thế giới này mở rộng và kết nối hơn nữa!


Internet.org là một sáng kiến của Facebook nhằm tập hợp những nhà công nghệ hàng đầu, các tổ chức phi lợi nhuận và cộng đồng địa phương để kết nối hai phần ba dân số thế giới, những người chưa được tiếp cận internet.

Theo Zuckerberg, 2 phần 3 dân số thế giới này không có điều kiện tiếp cận Internet vì những lý do sau:

-          Thiết bị quá đắt.
-          Các kế hoạch dịch vụ quá đắt đỏ.
-          Mạng di động quá ít và quá xa xăm.
-          Không có nội dung bằng tiếng địa phương
-          Mọi người không biết chắc giá trị mà internet sẽ mang lại là gì.
-          Nguồn điện bị giới hạn hoặc đắt đỏ.
-          Mạng liên kết không thể hỗ trợ một lượng dữ liệu lớn.

Cung cấp dịch vụ internet cho mọi người trên trái đất là một mục tiêu vô cùng lớn lao và quan trọng mà một công ty, nhóm hoặc chính phủ khó có thể thực hiện được một mình. Mọi người tham gia Internet.org đã chung tay để thực hiện mục tiêu này vì họ tin vào sức mạnh của một thế giới được kết nối.

Dự án Internet.org do Facebook khởi xướng và đứng đầu trong đa số hoạt động. Cùng liên minh trong dự án này là các công ty lớn như Samsung, Ericsson, Nokia, MediaTeck, Opera, Qualcomm. Những người tham gia sáng kiến chia sẻ các công cụ, tài nguyên và thực tiễn tốt nhất để khám phá các giải pháp về ba lĩnh vực cơ hội chính: giá cả, hiệu quả và mô hình kinh doanh.

Dự án đã triển khai ra sao?

Theo website của Internet.org họ đã triển khai các nội dung sau:
-      Ứng dụng Internet.org cung cấp các dịch vụ cơ bản miễn phí tại những thị trường có phí truy cập internet đắt đỏ hơn. Ứng dụng này cho phép mọi người duyệt các trang web về sức khỏe, việc làm và thông tin tại địa phương đã chọn mà không mất cước dữ liệu. Hiện tại, ứng dụng khả dụng ở một số quốc gia tại châu Phi, Mỹ La tinh, châu Á và sẽ tiếp tục mở rộng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới.
-      Phòng thí nghiệm kết nối tại Facebook đang phát triển cách thức giúp các cộng đồng trên thế giới có thể truy cập internet với giá cả phải chăng. Nhóm này đang khám phá một loạt công nghệ bao gồm laser, máy bay và vệ tinh có tuổi thọ bền và nằm ở độ cao lớn.

Hai quốc gia châu Á đông dân nhất được triển khai dự án là Ấn Độ và Indonesia. Châu Phi có Zambia, Ghana, Kenya, Tanzania. Nam Mỹ có Columbia.

Mới tuần trước, giám đốc điều hành Facebook Zuckerberg tự hào tuyên bố rằng dịch vụ Internet miễn phí này đã vượt mốc 1 tỷ người dùng (so với kế hoạch 2/3 dân số thế giới là 5 tỷ người)!

Thế nhưng dự án lại bị phản đối!

Giới thiệu dự án Internet.org ở Ấn Độ

Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới và có tỷ lệ người sử dụng Internet chưa cao, ứng dụng Internet.org được giới thiệu từ tháng 2/2015. Hiện nay, tại đây dự án đang bị phản đối gay gắt.

Lý do phản đối là họ cho rằng dự án đang vi phạm nguyên tắc công bằng trên Internet. Theo nguyên tắc này, mọi website hay ứng dụng đều có quyền truy cập ngang nhau. Những người phản đối dự án cho rằng điều này đã tạo ra sân chơi không công bằng, bởi vì một lượng lớn khách hàng đang sử dụng mạng di động này sẽ chuyển sang mạng di động khác (có tham gia internet.org) để được hưởng dịch vụ miễn phí.

Nội dung phản đối thứ hai cũng về nguyên tắc công bằng, nhưng về phía các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước (ISP). Các ISP này tố cáo Internet.org tạo sự cạnh tranh không lành mạnh khi chỉ cho một lượng giới hạn các đối tác được cài ứng dụng vào Internet.org để phổ biến đến người dùng.

Nội dung phản đối thứ ba là một vấn đề tế nhị (và có lẽ đúng là ý đồ của Facebook). Đó là người ta cho rằng việc Internet.org của Facebook tiếp cận người nghèo ở các vùng trên thế giới ngay từ khi họ mới biết dùng Internet sẽ khiến họ tưởng rằng Facebook chính là Internet!

Cụ thể hóa của làn sóng phản đối này là một số đối tác của Internet.org ở Ấn Độ đã rút ra khỏi dự án, trong đó 2 đối tác tiêu biểu là trang web du lịch Cleartrip.com và tập đoàn truyền thông Times Group. Tác động của Times Group rất lớn, vì đây là tập đoàn truyền thông lớn nhất Ấn Độ, sở hữu tờ Thời báo Ấn Độ, có lượng phát hành hơn 3 triệu bản/ngày. Cùng với việc rút ra khỏi dự án, tờ báo này đăng nhiều bài báo có nội dung phản đối, ảnh hưởng lớn đến dư luận

Ngay cả ở Mỹ, Internet.org cũng vấp phải làn sóng phản đối. Tờ Thời báo New York đã gọi Internet.org là “cổng gây nghiện” (gateway drug), theo đó tác giả bài báo cho rằng Internet.org chỉ cung cấp cho người dùng miễn phí một số ứng dụng lẻ tẻ tạo sự ưa thích cho người dùng, sau đó thu tiền từng đồng xu của họ cho những ứng dụng khác. Vì lượng người dùng rất lớn (hàng tỷ) nên Facebook sẽ có được doanh thu rất cao.

Mark Zuckerberg nói gì?

Ông chủ Facebook nói rằng ông không chống lại nguyên tắc công bằng trên Internet. Ông cho rằng trong khi có rất nhiều người không đủ tiền kết nối mạng Internet thì dự án Internet.org đã mang Internet đến cho một lượng lớn người dùng (còn hơn là không có ai!).

Về việc nhiều công ty than phiền rằng không được tham gia Internet.org, Mark Zuckerberg nói rằng dự án của ông không ngăn cản bất kỳ ai tham gia. Và ngay trong đầu tháng 5/2015, dự án đã mở rộng cửa cho nhiều đối tác cùng tham gia. Tuy nhiên, ngay với động thái này một số chuyên gia cũng lên tiếng phê phán Facebook đã tự cho mình quyền của một lãnh chúa muốn cho ai thì cho!

Mặc cho những làn sóng phản đối, Internet.org vẫn tiếp tục triển khai những công nghệ mới và tại những quốc gia mới. Gần đây nhất là giới thiệu dự án này tại Indonesia. Đất nước này có 250 triệu dân, nhưng chỉ mới 72 triệu người sử dụng Internet. Tại đây dự án được mọi người tham gia một cách hào hứng và… chưa có sự chống đối nào.

Có người cho rằng Facebook đang “làm ơn mắc oán”. Dù sao đi nữa thì dự án khổng lồ này vẫn đang tiếp diễn, chúng ta hãy dõi theo kết quả của nó trong thời gian tới.


Thái Thư
LĐĐN - 16/05/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét