Cách đây chưa lâu, hành vi gọi điện thông qua mạng Internet, không qua
mạng lưới viễn thông còn bị xem là phạm pháp, vì làm thất thoát cước viễn
thông. Thế nhưng hiện nay dịch vụ gọi điện, nhắn tin miễn phí qua mạng đã trở
nên vô cùng phổ biến, gọi chung là dịch vụ OTT. OTT phổ biến đến mức các nhà
mạng viễn thông phải vào cuộc, không phải vào cuộc để ngăn cấm mà là để… cùng
tham gia!
OTT là gì?
OTT là viết tắt của Over-The-Top, tạm dịch là đi qua đầu. Trong lĩnh vực truyền thông,
OTT được hiểu là việc chuyển giao nội dung dạng âm thanh, video hay những dạng
media khác thông qua mạng Internet mà không có sự tham gia kiểm soát hay phân
phối nội dung của kênh truyền thông (như kênh truyền hình, đài phát thanh…).
Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) có thể nhận biết sự có mặt của những gói
nội dung này, nhưng không có trách nhiệm về nội dung, không thể kiểm soát,
không thể xem, không có bản quyền và cũng không thể định hướng lại hướng đi của
nội dung.
Hiểu theo nghĩa này, những ứng dụng như YouTube, Facebook…
cũng là những OTT. Tuy nhiên, OTT thường được hiểu theo nghĩa thông dụng nhất
là những ứng dụng/dịch vụ cho phép người dùng gọi điện, nhắn tin… qua mạng
Internet miễn phí hoặc chi phí rất thấp.
Với ứng dụng OTT, các công ty viễn thông hoàn toàn bị mất
doanh thu khi người dùng sử dụng dịch vụ này. Còn các ISP cũng không thu được
gì qua từng gói nội dung được chuyển đi cả.
So sánh một cách hình tượng thì mạng lưới Internet giống như
một con đường, một ống dẫn để ứng dụng/dịch vụ OTT cho nội dung lưu thông trên
đó, mà không hề có quyền kiểm soát cái gì đang lưu thông, lưu thông đến đâu
trên con đường hay ống dẫn này.
OTT ở Việt Nam
Thị trường OTT tại Việt Nam sôi động từ năm 2012 với các tên
tuổi lớn của thế giới: Viber (Nhật), Line (Nhật), KakaoTalk (Hàn quốc), WeChat
(Trung quốc) và một OTT của Việt Nam: Zalo (công ty VNG).
Đầu năm 2013, WeChat của Trung quốc tỏ ra mạnh nhất với 1
triệu người dùng, còn chót bảng là Zalo của Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, vì
Zalo mới ra đời năm 2012, sinh sau đẻ muộn và tiềm lực kinh tế - kỹ thuật thua
xa các công ty quốc tế khác.
Cuối tháng 1/2013, WeChat gặp scandal tích hợp bản đồ “Đường
lưỡi bò” vào sản phẩm và bị người dùng Việt Nam phát hiện. WeChat bị tẩy chay,
xuống dốc và dần biến mất khỏi thị trường.
Line của Nhật Bản vươn lên dẫn đầu vào cuối tháng 2/2013 với
1 triệu người dùng. Tháng 3/2013 cả Kakao Talk và Zalo cũng đạt mốc này. Lúc
bấy giờ thị trường OTT tại Việt Nam là cuộc chiến của 3 tên tuổi: Line (Nhật),
Kakao Talk (Hàn) và Zalo (Việt).
Zalo tích cực quảng
cáo
Viber cũng vậy.
Đầu năm 2014, Zalo từ vị trí cuối bảng năm 2013 đã vươn lên
đầu bảng với 10 triệu người dùng. Viber có số người dùng tương đương. Line chỉ
có hơn 4 triệu người dùng. Còn Kakao Talk lặng lẽ bỏ cuộc.
Cuối năm 2014, Zalo cán mốc 20 triệu người dùng. Theo sau
Zalo là Viber với 12 triệu, rồi đến Line vẫn dậm chân ở con số 4 triệu người
dùng.
Cũng trong năm 2014 có sự xuất hiện của một OTT Việt Nam
khác là Btalk (của BKAV). Theo phong cách thường thấy của BKAV là luôn tạo sự
ồn ào trên truyền thông, nhưng sản phẩm chẳng tạo được sự quan tâm nào cả.
Thị trường năm 2014 còn có thêm một OTT ngoại là BeeTalk
(Singapore – Thái Lan), cũng chưa tạo được dấu ấn.
Cuối năm 2014, đầu năm 2015, hai “ông lớn” viễn thông Việt
Nam là VinaPhone và Viettel đã lần lượt cho ra mắt 2 OTT là VietTalk và Mocha
Messenger. Còn quá sớm để biết 2 OTT này sẽ tạo được thành công nào hay không.
OTT kiếm tiền bằng
cách nào?
Hầu hết các dịch vụ OTT đều miễn phí, vậy các nhà đầu tư OTT
kiếm tiền bằng cách nào? Tại sao đã bị giảm doanh thu vì OTT mà các nhà mạng
viễn thông lại còn tự mình tạo ra các OTT miễn phí khác nữa?
Đó là những câu hỏi mà người dùng đặt ra khi sử dụng dịch vụ
OTT.
Câu hỏi này cũng tương tự như “Facebook kiếm tiền bằng cách
nào khi việc tham gia là miễn phí?”.
Câu trả lời tóm gọn là: nhờ quảng cáo và các dịch vụ kèm
theo.
Với hầu hết các OTT ở Việt Nam hiện nay đều mới chỉ tập
trung cho việc đầu tư quảng bá thu hút người dùng, chiếm thị phần mà chưa kinh
doanh.
Theo ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc công ty VNG (chủ
sở hữu Zalo) chia sẻ, có 3 nguồn thu kinh doanh trên OTT, chính là quảng cáo
hướng đối tượng, dịch vụ giá trị gia tăng (game, nhạc nền, hình động…) và
thương mại điện tử. Ông Khải cho rằng, thương mại điện tử trên di động sẽ bùng
nổ cùng với OTT nhưng cần có khá nhiều thời gian để cụ thể hóa và thành công
với mô hình này.
Đối với các công ty viễn thông, điều kiện tiên quyết là phải
giữ và tăng được số khách hàng (số thuê bao) để làm tiền đề cho việc duy trì và
phát triển doanh thu. Vì thế phải cung cấp được dịch vụ mà các đối thủ đang
cung cấp. Chính vì thế họ phải tạo nên các OTT cho chính mình.
Đối với người dùng, sự phát triển các ứng dụng/dịch vụ OTT
và sự cạnh tranh của các công ty giúp người dùng được hưởng những tiện ích rẻ
tiền hơn và chất lượng tốt hơn.
Zalo – sự thành công thú
vị
Ở thời điểm Zalo ra đời (tháng 8 năm 2012) hầu như không ai
nghĩ rằng OTT này sẽ thành công. Sinh sau đẻ muộn khi các OTT ngoại đã có nền
tảng kỹ thuật và năng lực tài chính vững mạnh. Lại nữa, thường thì các sản phẩm
Made in Vietnam đều “chết trên sân
nhà”. Điều này càng rõ hơn nữa, khi 4 tháng sau khi ra đời Zalo lẹt đẹt đứng ở
cuối bảng.
Vậy mà chỉ hơn 2 năm sau, Zalo đã hiên ngang đánh bạt mọi
đối thủ ngoại sừng sỏ để trở thành OTT được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Mốc 20 triệu người dùng đạt được vào ngày 12/11/2014 cho thấy rằng OTT Việt này
được cài đặt trên hầu hết mọi smartphone tại Việt Nam.
Khó có thể lý giải hết những nguyên nhân thành công của
Zalo, nhưng việc chiếm lĩnh thị trường công nghệ cao của một sản phẩm Việt là
một thành công rất thú vị và đáng khích lệ. Xin chúc mừng Zalo!
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 04/05/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét