Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Kinh doanh tên miền

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam mới diễn ra gần đây có một thông tin đáng chú ý: Lê Thúy Hạnh, người được xem là sở hữu nhiều tên miền Việt Nam nhất, đã trần tình với Phó Thủ tướng về những khó khăn trong việc kinh doanh tên miền tại Việt Nam của cô. Vậy kinh doanh tên miền là như thế nào? Có những vấn đề gì cần quan tâm.

Tên miền là gì?

Hội thảo Thương hiệu Việt với tên miền .vn tại Đồng Nai, tháng 8/2015. Ảnh: Đắc Nhân


Trong thời đại Internet hiện nay, hầu như tất cả mọi doanh nghiệp, tổ chức đều cần phải có website để quảng bá thương hiệu và hoạt động của mình. Chẳng những thế, các cá nhân cũng có nhu cầu sử dụng website để xây dựng thương hiệu cá nhân. Để có website riêng, cần có 3 yếu tố sau đây:

-          Một domain name hay tên miền – tức là địa chỉ của trang web đó trên mạng intetnet. Thí dụ: dongnai.gov.vn, laodongdongnai.vn, tuoitre.vn…
-          Một giao diện website, tức là những gì bạn nhìn thấy trước màn hình máy tính
-          Một nơi lưu trữ dữ liệu của website đó (hosting hoặc server)

Trong đó tên miền là yếu tố tiên quyết, nó giống như một địa điểm, một bất động sản cần có để từ đó ta xây dựng nên trụ sở cơ quan và tiến hành các hoạt động.

Tên miền thường gồm có 2 hoặc 3 thành phần:

-          Phần tên. Thí dụ: tên miền của trang web tỉnh Đồng Nai dongnai.gov.vn là dongnai.
-          Phần phân loại. Trong đó .com là thương mại, .gov là chính phủ, .edu là giáo dục, v.v… Trong tên miền của tỉnh Đồng Nai nêu trên thì phần phân loại là .gov, xác định rằng đây là tên miền của một đơn vị nhà nước.
-          Phần quốc gia. Dùng để xác định tên miền đó đăng ký ở nước nào. Theo quy định, tên miền Việt Nam có phần đuôi này là .vn.

Trong tên miền có thể không có phần phân loại, như laodongdongnai.vn, tuoitre.vn…

Đăng ký tên miền thế nào?

Tên miền .vn do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) quản lý. Khi tạo lập hoặc sở hữu một tổ chức, bạn sẽ chọn một tên gọi để làm tên miền, thường là tên của tổ chức hoặc ngành nghề để mọi người dễ nhận ra. Sau đó sẽ tiến hành đăng ký thông qua các nhà đăng ký tên miền được VNNIC công nhận. Mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền đăng ký tên miền cho mình. Chi phí đăng ký tên miền được quy định thống nhất như sau:

Loại tên miền
Phí khởi tạo
Phí duy trì hàng năm
.vn
350.000 đ
480.000 đ
.com.vn, .net.vn, .biz.vn
350.000 đ
350.000 đ
.edu.vn, .org.vn, .gov.vn
200.000 đ
200.000 đ

Thủ tục đăng ký rất đơn giản, có thể thực hiện online, hoàn thành trong ít phút và sau đó gởi bản khai thông tin về chủ sở hữu cho VNNIC quản lý.

Kinh doanh tên miền là thế nào?

Như nêu trên, thủ tục đăng ký tên miền rất đơn giản và chi phí đăng ký cũng không cao. Vậy có vấn đề gì khó khăn ở đây?

Thật sự sẽ không có gì trở ngại nếu như tên miền bạn chọn không trùng với một tên miền đã được đăng ký. Việc đăng ký tên miền theo nguyên tắc ai đăng ký trước sẽ được sở hữu trước, vì thế nếu có một tổ chức hay cá nhân nào khác đã chọn tên miền nào rồi thì bạn sẽ không được đăng ký tên miền đó nữa.

Trong trường hợp này, bạn phải chọn tên miền khác không đúng với tên miền mong muốn. Nếu vẫn muốn đăng ký tên miền đã chọn, bạn phải thương lượng với người đang sở hữu tên miền ấy để mua lại. Chi phí mua lại là vô chừng, có thể gấp 100 lần, thậm chí 1.000 lần chi phí đăng ký chính thức nêu trên. Những người bỏ tiền ra đăng ký trước tên miền để sau này nhượng lại cho tổ chức, cá nhân khác được gọi là những nhà kinh doanh tên miền. Với mức giá bán bằng hàng trăm, hàng ngàn lần giá mua, kinh doanh tên miền là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận.

Hãy xem thử các giao dịch mua bán tên miền sau đây để hình dung:

Các tên miền của các doanh nghiệp, tổ chức đã giao dịch thành công, như tên miền dienmay.com của Thế giới Di động được định giá 10 tỷ đồng, bkav.com được Bkav mua lại với giá 2,3 tỷ đồng, hsbc.com.vn được bán cho Ngân hàng HSBC với giá trị gần 1 tỷ đồng…

Các tên miền hiện đang được rao giá như: Vietnam.com (khoảng 8 tỷ đồng), TravelVietnam.com (trên 500 triệu đồng), VietnamFlights.com (trên 500 triệu đồng), Chungkhoan.com (200 triệu đồng), Tuyensinh.com, Daihoc.com (khoảng 190 triệu đồng)…

Lê Thúy Hạnh là ai?

“Nữ hoàng tên miền” Lê Thúy Hạnh. Ảnh: vhdn.vn

Lê Thúy Hạnh là tổng giám đốc Digimarketing JSC, phó tổng giám đốc đối ngoại Micronet Group. Hiện cô đang sở hữu khoảng 3.000 tên miền, trong đó có nhiều tên miền .vn rất “hot” như tên miền của các ngân hàng Vietcombank, Agribank, những tên miền được sự quan tâm của rất nhiều người như batdongsan.vn, nguoimau.vn, doanhnghiep.vn… Là một cô gái trẻ, đẹp, Lê Thúy Hạnh được giới truyền thông đặt cho biệt danh là “Nữ hoàng tên miền”. Theo VNNIC hiện nay có gần 300.000 tên miền .vn đã được đăng ký, Lê Thúy Hạnh đã sở hữu 1% số tên miền này, và là những tên đã chọn lọc.

Với giá bán tên miền gấp hàng trăm, hàng ngàn lần giá mua có thể thấy rằng nếu bán được số tên miền đã đăng ký Lê Thúy Hạnh sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ. Thế nhưng vấn đề là cô chỉ có thể thu lợi nhuận nếu bán được. Khi chưa bán được chi phí Lê Thúy Hạnh đã bỏ ra để mua số tên miền trên (với giá chính thức chỉ vài trăm ngàn cho một tên miền) đã khoảng 2 tỷ đồng, ngoài ra để duy trì tên miền mổi năm cô phải bỏ ra khoảng 1 tỷ nữa. Đây chính là bài toán hóc búa cho người kinh doanh tên miền.

Những vấn đề “nữ hoàng tên miền” nêu lên với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi gặp mặt cộng đồng khởi nghiệp là: Cần có một sàn giao dịch tên miền (giống như sàn giao dịch bất động sản) vì đây là sàn rất phổ biến trên thế giới, thế nhưng hơn 10 năm qua tại Việt Nam không có một thông tư hướng dẫn để cho sàn tên miền được ra mắt. Ngoài ra, trước đây tại Việt Nam cấm chuyển nhượng tên miền, đến nay được chuyển nhượng tên miền tự do nhưng vẫn không có hướng dẫn. Hiện đang có rất nhiều sự bất cập, trong đó có sự bất cập giữa các bộ ngành liên quan đến Luật Sở hữu Trí tuệ, tên miền là địa chỉ trên Internet, hoàn toàn là tên thông thường nhưng lại gặp cản trở.

Tại buổi gặp mặt này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao cho Bộ TT&TT và Bộ KH&CN xem xét, nghiên cứu cụ thể về các ý kiến được bà Lê Thúy Hạnh nêu lên.

Tên miền ở Đồng Nai

Theo VNNIC số tên miền .vn đã đăng ký ở Đồng Nai chỉ mới khoảng 3.600, chiếm 1,24% số lượng tên miền cả nước. Điều này cho thấy khả năng khi doanh nghiệp, tổ chức ở Đồng Nai muốn đăng ký tên miền thì tên ấy đã bị đăng ký mất rồi và sẽ phải mua lại với giá rất cao.

Bài viết này không nhằm mục đích đề nghị thực hiện kinh doanh tên miền ở Đồng Nai, chỉ nhằm lưu ý các doanh nghiệp Đồng Nai hãy quan tâm đăng ký tên miền để bảo vệ thương hiệu cho mình.


Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 24/08/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét