Quá nhanh, quá nguy hiểm (Fast & Furious) là sê-ri phim hành động
nổi tiếng của Hollywood, chủ yếu tập trung vào những màn phóng xe rợn người.
Hiện nay ở Việt Nam cũng đang có hiện tượng “quá nhanh, quá nguy hiểm” nhưng
không phải phóng xe mà là cách hành xử của các cư dân mạng, chủ yếu là trên
Facebook.
Từ những chuyện đời
thường
Cách đây không lâu, một người đã lén chụp được cảnh hoa hậu
Nguyễn Cao Kỳ Duyên đang ngủ trên máy bay trong một tư thế khá hớ hênh. Người
này đã nhanh chóng đưa ảnh lên Facebook kèm theo những lời bình phẩm nặng nề.
Thật nhanh chóng, bức ảnh này đã được lan truyền rộng rãi
cùng vô số lời bình của những người khác với đầy ác ý, ai cũng tỏ ra mình là
người “chuẩn mực, đạo đức” và trách mắng cô hoa hậu không tiếc lời. Ghê gớm hơn
nữa, một số báo mạng cũng đăng lại ảnh với nội dung bài viết thiếu cẩn trọng.
Tội nghiệp cho cô hoa hậu, hình ảnh cô dang chân ra khi ngủ
trên máy bay quả là không đẹp nhưng hoàn toàn không đáng để bị chụp lén rồi đưa
lên công khai trên mạng, và càng không đáng để mọi người chửi bới. Thế nhưng ai
cũng muốn mình “tỏ ra nguy hiểm” nên lên giọng dạy đời. Điều này ảnh hưởng
không nhỏ đến tâm lý của cô gái trẻ.
Mới đây, cũng lại trên máy bay, một hành khách tình cờ chứng
kiến người cùng đi trên chuyến bay là ca sĩ Lệ Quyên cho con tè vào túi nôn.
Theo những thông tin sau này được biết, lúc ấy máy bay sắp hạ cánh nên phi hành
đoàn yêu cầu hạn chế vào nhà vệ sinh, trong lúc cấp bách cậu con nhỏ cần tiểu
tiện, ca sĩ Lệ Quyên đã giải quyết bằng cách cho con tè vào túi nôn. Với lời
trần tình của Lệ Quyên về sự cố này, rằng là người mẹ trong hoàn cảnh ấy cô đã
cố gắng giải quyết ở mức tốt nhất có thể và nhận được sự chia sẻ của nhiều
người mẹ khác. Thế nhưng ngay khi người chứng kiến cảnh ấy đưa tin lên Facebook
kèm theo những lời mô tả không mấy tốt đẹp (có ảnh Lệ Quyên với gương mặt bị
che bằng hình trái tim) và nhận xét đấy ác ý thì vô số người chưa cần biết mô
tả ấy đúng đến mức nào vội vã buông nhiều lời thóa mạ.
Mỗi sự kiện, hình ảnh
đưa lên Facebook nhận được vô số lời bình phẩm
Dường như người ta rất vội vã khi có cơ hội chê bai ai đó để
cho thấy mình ở một tầm cao hơn hẳn. Nói cách khác, họ cố “tỏ ra nguy hiểm”!
Đến chuyện quốc gia
đại sự
Vào Facebook, ta sẽ thấy có rất nhiều người tỏ ra là những
chuyên gia lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đúng là Facebook là một diễn
đàn rộng mở, trên đó có những chuyên gia thực sự nêu lên nhận định, phân tích
rất có giá trị của mình để mọi người tham khảo, nhưng bên cạnh đó có nhiều, rất
nhiều những ý kiến khác mà người viết góp ý rất hùng hổ (và bất lịch sự) trong
khi bản thân mình chẳng có hiểu biết gì về vấn đề ấy cả.
Thí dụ vấn đề xây dựng sân bay Long Thành, là một sự kiện
lớn được đưa ra trước quốc hội nhiều lần, nhiều chuyên gia tầm cỡ đã trăn trở
nêu lên những phản biện nghiêm túc, dựa trên những số liệu và những phân tích
khoa học. Bên cạnh những ý kiến nghiêm túc ấy (rất ít, vì đâu thể có nhiều
chuyên gia), và những đường link dẫn lại những ý kiến ấy kèm theo quan điểm
thận trọng của người dẫn (nhiều hơn) thì có những người khác (rất nhiều) “tỏ ra
nguy hiểm” khi phán những điều chắc như đinh đóng cột để mạt sát chủ trương của
chính phủ.
Nghiêm trọng hơn là một số vấn đề chính trị. Có nhiều tin
đồn không rõ xuất xứ và cũng không có độ tin cậy nhưng có đặc điểm là nhạy cảm
và dễ gây chú ý của dư luận. Nhiều người đã “quá nhanh, quá nguy hiểm” tiếp nhận
ngay những thông tin ấy và phát tán ngay trên trang Facebook của mình. Để tăng
“độ nguy hiểm” của mình, họ dùng những lời lẽ khẳng định và phân tích võ đoán.
Điều đáng nói là đa số những tin đồn phát tán ấy và những
lời bình đều mang hơi hướng chống phá nhà nước (có lẽ những người phát tán cho
rằng như vậy mới chứng tỏ được sự “nguy hiểm” của mình chăng?). Vô hình chung,
họ đã rơi vào bẫy kích thích của những nguồn tung tin đồn.
Quá nhanh, quá nguy
hiểm
Đối với những nguồn thông tin mang tính chất xúc phạm người
khác một cách vội vã, thiếu cân nhắc, có lẽ người cho lan truyền thông tin và
buông ra những lời nhận định ác ý không hề nghĩ rằng hành động ấy chẳng mang
lại sự tôn trọng nào của người khác đối với mình. Về phía người bị phê phán, họ
là người gánh chịu sự nguy hiểm, phải chịu một áp lực tâm lý nặng nề trong khi
lỗi do họ gây ra (nếu có) không đáng phải bị như vậy. Vì vậy, đây là những việc
làm rất thiếu tính nhân văn.
Đối với những tin đồn chính trị, việc lan truyền thông tin
này gây ra sự nguy hiểm là sự bất ổn trong xã hội. Bản thân những người phát
tán tin đồn không phải là những người “nguy hiểm” như họ mong muốn, mà chính là
những người phải gánh chịu sự nguy hiểm: đó là sự trừng trị của pháp luật đối
với hành vi gây rối của mình.
Tác động truyền thông của mạng xã hội đã được thừa nhận. Đây
là kênh thông tin đa chiều và có độ bao quát rất lớn. Cũng chính vì thế mà độ
xác thực, tính chính thống của nó không cao. Việc đọc và tiếp nhận những thông
tin từ mạng xã hội không phải là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng tiếp nhận nó
một cách bình tĩnh, có suy xét để có những ứng xử phù hợp là điều cần thiết.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 03/08/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét