Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra từ Câu View, một thuật ngữ nửa Anh nửa Việt nhưng thật chính xác để
diễn tả tình trạng câu khách vào đọc
trang web của mình. Hiện tượng này ngày nay đang diễn ra tràn lan, từ những trang
web cá nhân cho đến những trang thông tin điện tử chính thống.
Câu View là gì?
Khi tạo nên một nội dung trên trang web của mình, người chủ
trang luôn luôn muốn thu hút khách vào xem trang web ấy. Xem, tiếng Anh là View, còn câu được hiểu như… câu cá, câu
khách. Giải pháp câu khách đàng hoàng nhất là tạo nên những nội dung hấp
dẫn, có giá trị. Thế nhưng không hề dễ để có những nội dung hấp dẫn, có giá
trị, từ đó người chủ trang web dùng những tiểu xảo để lôi cuốn người đọc. Cũng
từ đó những điều bi hài đã xảy ra.
Có người đã tổng kết rằng những yếu tố dễ thu hút người đọc
được tóm gọn bằng 3 chữ S: Sex, Scandal và Soul – trong đó Sex và Scandal là
những từ dễ hiểu rồi, còn Soul ý nói những nội dung tạo nên sự thương cảm.
Những người câu View luôn tạo nên nội dung từ 3 yếu tố này.
Câu View vì… ham vui
Đối với đa số trang web cá nhân, người ta câu view vì ham
vui, vì thích được quan tâm, thích được nổi tiếng. Một trạng thái đăng lên
trang Facebook cá nhân được nhiều người bấm Thích,
nhiều người chia sẻ là chủ trang
cảm thấy vui thích rồi.
Có vẻ như dễ thu hút người xem nhất là ảnh sex. Có khá nhiều
cô gái post lên Facebook hình ảnh khỏa thân hoặc nửa kín nửa hở của chính mình
để kêu gọi mọi người vào xem, bất chấp những tác hại về mặt đạo đức. Hầu hết
những cô gái này đều không thấy hổ thẹn mà còn vui thích khi thấy những hình
ảnh hở hang của mình được xem nhiều, chia sẻ nhiều. Cũng có khi là một lời hứa
hẹn sẽ khỏa thân để chiêu dụ mọi người, như nội dung sau đây, chủ trang
Facebook viết: Nếu tối nay Việt Nam thua
Thái Lan mình sẽ up ảnh khỏa thân lên FB. Dòng trạng thái này được hàng
ngàn lượt Thích.
Một dạng khác là đăng lên các scandal. Có thể đó là những sự
kiện có thật như tai nạn, vụ án, nhưng thay vì ghi lại chân thực và có tính
nhân văn về tình tiết của sự kiện, thì người đưa tin cố xoáy sâu, phóng đại
những tình tiết rùng rợn, bi thảm. Tệ hại hơn, có những vụ việc không hề có
thật, nhưng được người đưa tin dựng chuyện lên để tạo nên sự tò mò của người
đọc. Chẳng hạn sự kiện về nữ quái Hương mắt lồi bắt cóc con nít, hay thông tin
rằng có chuột cống trong nồi hủ tiếu gõ… Những thông tin này nhanh chóng được
chia sẻ và gây xôn xao trong dư luận. Dù rằng sau đó cơ quan chức năng xác định
rằng không có tội phạm nào là Hương mắt lồi như mô tả hay không hề có chuyện
phát hiện chuột cống trong hủ tiếu gõ thì những người liên quan đều phải lâm
vào cảnh điêu đứng. (Thông tin về Hương mắt lồi có cả chụp ảnh sau lưng nhân
vật với biển số xe khiến người chủ xe bị hăm dọa, còn thông tin về hủ tiếu gõ
khiến những người mưu sinh chân chính bằng những xe hủ tiếu này khốn đốn).
Dạng thứ ba là tận dụng những hình ảnh có vẻ như bi thương
để tạo nên sự cảm thông của cộng đồng. Rất nhiều trường hợp là bịa chuyện.
Chẳng hạn hình ảnh 2 em bé vùng cao đang ngồi với nhau được dựng chuyện lên
rằng nào là nghèo khổ, cha chết, mẹ chết với sự thương cảm sụt sùi. Bức ảnh đã
được chia sẻ tràn lan trên mạng với những lời lẽ chia buồn thống thiết, đến nỗi
tác giả thực sự của bức ảnh phải lên tiếng rằng đây chỉ là bức ảnh anh chụp 2
đứa trẻ đang ngồi chơi bình thường, không hề có điều gì bi thảm hay thống khổ
cả!
Ngoài ra, còn nhiều cách câu view khác nữa, hầu hết đều thể
hiện sự lệch lạc trong suy nghĩ của người đăng tin, gây ảnh hưởng xấu trong
công chúng và gây khó chịu cho người đọc.
Câu view vì… ham tiền
Điều đáng buồn là không chỉ các trang web cá nhân mà cả
những trang báo điện tử chính thống cũng câu view, vì mục tiêu kinh doanh. Nguồn
thu chính của những trang báo điện tử này là quảng cáo online, mà các nhà quảng
cáo luôn cân nhắc để đăng và trả chi phí cao trên những trang báo có lượng
người đọc cao. Chính vì thế các tòa báo này bằng mọi giá phải câu view để số
độc giả theo dõi trang báo của mình càng nhiều càng tốt. Trên thực tế rất nhiều
tờ báo trả nhuận bút cho người viết tin dựa theo số lượt người xem tin bài đó,
xem đó là một tiêu chí đánh giá chất lượng tin bài thay vì là nội dung.
Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều phóng viên, cộng tác viên
thay vì đeo bám những mảng đề tài có chiều sâu, có giá trị xã hội thì chạy theo
những thông tin giật gân về tình, tiền, cướp, giết… vừa viết nhanh, ít tốn
công, vừa có nhuận bút cao. Một số khác lại lười viết, cứ chăm chăm vào những
thông tin được đưa trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm, xào nấu lại
thành bài viết của mình mà không thèm kiểm chứng.
Bi hài hơn nữa là việc đặt lại tựa bài để hút khách, vì
người đọc sẽ lướt qua tựa bài để click vào xem nội dung chi tiết. Thí dụ tin về
công ty A quyết định đầu tư vào việc XYZ thì thay vì đặt tựa chân phương như
vậy, biên tập báo V. đã sửa thành: Công
ty của người tình tin đồn ca sĩ M. sẽ đầu tư vào… Việc đặt tựa này sẽ thu
hút nhiều người quan tâm đến ca sĩ M. click vào đọc, mặc dù đọc từ đầu chí cuối
không thấy liên quan gì đến ca sĩ M. cả (dĩ nhiên)! Nhiều phóng viên chuyên
nghiệp lâu năm đã phải cười đau khi thấy bài viết của mình bị sửa bởi những anh
biên tập trẻ theo kiểu rẻ tiền như vậy.
Câu view – điều không
tránh khỏi
Trên thực tế, trừ một số trường hợp quá đáng, gây ảnh hưởng
đến xã hội hay vi phạm thuần phong mỹ tục thì các biện pháp câu view không lành
mạnh sẽ bị xử lý hành chính hay xử lý hình sự còn đa số các trường hợp đều là
hợp pháp và không thể ngăn cấm, nhất là đối với báo điện tử, đó là điều liên
quan đến chén cơm manh áo của họ.
Điều còn lại là thái độ ứng xử của người đọc. Đối với các
trang web cá nhân, cần tỉnh táo nhận định tính đúng sai, chín chắn của thông
tin, tránh vội vã bấm Thích hoặc chia
sẻ thông tin, tạo sự hưng phấn cho đối tượng câu view không lành mạnh. Đối với
các trang tin điện tử thì có khó hơn, độc giả cần xác định đúng thị hiếu, sự
quan tâm của mình đối với những dòng thông tin nào. Chính thái độ của công
chúng đọc mới định hướng được sự câu view theo chiều hướng tốt, còn bản thân
việc câu view không là điều xấu và cũng không thể ngăn cấm được.
Phạm Hoài Nhân
LĐĐN - 02/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét