Mãi đến gần đây, dịch vụ taxi Uber vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
Người dùng dịch vụ thì tỏ ra thích thú, nhưng cơ quan quản lý cho rằng cần phải
cấm. Mặc dù vậy, các dịch vụ tương tự Uber taxi lần lượt được ra đời, như
Grabtaxi, Easytaxi. Mới đây, bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị và được Thủ
tướng Chính phủ đồng ý cho phép thí điểm dịch vụ này, nhưng với Grabtaxi chứ
không phải Uber taxi.
Uber taxi
Uber là một dịch vụ ra đời trên thế giới từ năm 2009. Đây
thực chất là một phần mềm cho phép kết nối giữa những người có xe nhàn rỗi và
người có nhu cầu đi xe. Khi dịch vụ vận chuyển được thực hiện, đơn vị sở hữu
phần mềm (Uber) sẽ được hưởng phần trăm trên cước vận chuyển đó.
Tại Việt Nam, Uber taxi có mặt ở TP Hồ Chí Minh từ tháng
7/2014 và nhanh chóng được người đi xe hưởng ứng, vì giá cước rẻ hơn, xe sang
hơn… Người có xe nhàn rỗi cũng thích thú tham gia, vì nhờ dịch vụ này họ tận
dụng được phương tiện của mình, có thêm thu nhập. Ngược lại, giới kinh doanh
taxi cực lực phản đối vì họ bị cạnh trang. Các cơ quan quản lý như ngành giao
thông vận tải, ngành thuế cũng lên tiếng không chấp nhận vì không quản lý được.
Đã có những đề nghị cấm hoạt động dịch vụ Uber taxi tại Việt Nam.
Grabtaxi so với Uber
taxi
Giao diện trang chủ
của Grab Taxi
Không thể phủ nhận tính sáng tạo trong dịch vụ Uber cũng như
những lợi ích mà nó mang lại. Chính vì vậy, phỏng theo mô hình Uber, nhiều dịch
vụ vận tải tương tự đã xuất hiện tại Việt Nam, như Grabtaxi, Easytaxi,
Livetaxi… bất chấp rằng mô hình này chưa được thừa nhận từ cấp quản lý.
Hãy so sánh dịch vụ nổi bật Grabtaxi và Uber taxi. Cùng theo
nguyên tắc chung, nhưng giữa Uber và Grabtaxi có những khác biệt nhỏ. Ta có thể
xem trong bảng so sánh sau:
-
Về hệ điều hành: Cả hai ứng dụng đều chạy được trên hệ
diều hành Android và iOS. Riêng với Grabtaxi có thể gọi điện đến tổng đài để
đặt xe.
-
Phương thức thanh toán: Cả hai đều chấp nhận thanh toán
qua thẻ Visa. Grabtaxi có chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.
-
Cách tính tiền cước: Cách tính của Uber phức tạp hơn:
Cước gọi xe: 5000 đồng, cộng với quãng đường đi được nhân với giá cước của xe
đi, nhân với hệ số điều chỉnh (phụ thuộc vào loại xe, thời điểm bắt xe, thời
gian ngồi trên xe). Cách tính của Grabtaxi: Giá cước phụ thuộc vào loại xe và
số km đi xe.
-
Hình thức thanh toán: Uber căn cứ theo hệ thống định vị
vệ tinh (GPS) để xác định quãng đường, trả tiền thông qua visa sau khi đi xe.
Grabtaxi căn cứ theo hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để xác định quãng đường,
tính tiền trước khi đi xe (để xem khách có đồng ý đi không), trả tiền sau khi
đi xe.
Đó là các khác nhau về cách thức đi xe và thanh toán tiền.
Ngoài ra còn 2 điểm khác quan trọng về mặt quản lý nữa:
-
Uber được quản lý bởi công ty nước ngoài. Grabtaxi tuy
cũng là một ứng dụng nước ngoài nhung được quản lý bởi công ty Việt Nam (trụ sở
tại quận 10, TPHCM).
-
Xe và lái xe cho dịch vụ Grabtaxi được quản lý chặt hơn
Uber.
Một số người đã sử dụng cả 2 dịch vụ này kết luận như sau:
-
Nếu bạn cần đi taxi rẻ và an toàn, trả được tiền mặt
thì sử dụng GrabTaxi.
-
Nếu bạn cần một chiếc xe taxi trông có vẻ sang trọng
thì hãy dùng Uber!
Chọn Grabtaxi làm thí
điểm
Ngày 20/8/2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có văn bản số
11098 gửi Chính phủ về việc xin thí điểm thực hiện đề án triển khai ứng dụng
khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo
hợp đồng, dịch vụ được chọn làm thí điểm là GrabCar của Công ty TNHH GrabTaxi
Việt Nam.
Theo đề xuất, các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận
tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng (khai thác xe ô tô dưới 9 chỗ được lắp
đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu xe hợp đồng) tại 5 tỉnh, thành
phố gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, và Khánh Hòa sẽ được thực hiện thí
điểm việc đặt xe qua phần mềm trên điện thoại di động.
Thời gian đề nghị thực hiện đề án thí điểm từ năm 2015 đến
tháng 12/2018. Sau khi kết thúc đề án thí điểm, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng với
các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các
giải pháp hoàn chỉnh chính sách về vận tải hành khách bằng ô tô.
Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2015 đã có công văn số
1850/TTg-KTN đồng ý cho phép Bộ Giao thông vận tải thực hiện Đề án thí điểm này.
Tại sao là Grabtaxi?
Theo bộ GTVT, trong thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất
hiện nhiều ứng dụng tin học hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị vận
tải. Điều này đã phản ánh xu thế phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông
tin vào lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tượng này
cũng bộc lộ một số bất cập, như có trường hợp phần mềm hỗ trợ kết nối được cung
cấp bởi tổ chức thành lập và đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, song cũng
có trường hợp phần mềm được cung cấp bởi một tổ chức nước ngoài, không đăng ký
hoạt động ở Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn
Hồng Trường cho biết: Grabtaxi đã thực hiện tốt việc sử dụng công nghệ thông
tin, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải. Đây là cách làm sáng tạo, ứng
dụng được công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính trong vận tải nên Bộ có
kiến nghị Chính phủ trước mắt giao cho Công ty Grabtaxi thí điểm tại 5 thành
phố lớn: Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng.
Ông cũng nói thêm rằng: “Không thể xem Grab và Uber giống
nhau đươc vì Grab taxi sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt
động an toàn với cả người lái, hành khách... và đã công khai còn Uber thực chất
là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Lẽ ra, các xe đó
(Uber) phải đăng ký vào một DN vận tải, được phép chuyên chở, phải được kiểm
tra bất cứ lúc nào và dễ dàng được quản lý trên hệ thống. Cơ quan quản lý phải
dễ dàng xem xe ông vận tải theo công ty nào...”
Bên cạnh đó, còn một điều mà mọi người dễ nhận ra: Grabtaxi
do một công ty Việt Nam đăng ký và quản lý, khác với Uber là một công ty nước
ngoài. Như vậy, việc quản lý hoạt động của Grabtaxi về nhiều mặt sẽ thuận tiện
hơn.
Thái Thư
LĐĐN - 07/11/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét