Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Kẻ móc túi thời @

Hiện nay nhan nhản các trò lừa đảo thông qua mạng: gửi tin nhắn qua điện thoại, gửi messenger qua Facebook hoặc các OTT, gửi mail… Người dùng nếu thiếu cảnh giác bấm vào đường link kèm theo, hoặc làm theo hướng dẫn trong các messenger trên sẽ bị sập bẫy. Không dừng lại ở đó, mới đây Thanh tra Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) TP Hà Nội đã phát hiện trường hợp người dùng không hề tin theo các thông tin lừa đảo qua mạng mà vẫn bị lừa mất tiền như thường.

Kết luận của Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội

Ngày 2/11/2015, Sở TT&TT Hà Nội thông tin cho biết: Ngày 19/10/2015 vừa qua, Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã ký ban hành Kết luận Thanh tra số 199/KL-TTR về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TT&TT đối với Công ty TNHH Đầu tư Vinamob.

Theo đó, thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phát hiện công ty Vinamob ký kết hợp đồng hợp tác với 3 doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc để cung cấp dịch vụ nội dung số thông qua việc cài đặt sẵn các mã lệnh nhắn tin đến đầu số 8x61 trên các máy điện thoại sản xuất tại Trung Quốc.

3 doanh nghiệp Trung quốc đã ký kết hợp đồng hợp tác với Vinamob thiết lập hệ thống thiết bị máy chủ đặt tại Trung Quốc để kết nối với hệ thống máy chủ của Vinamob đặt tại Việt Nam phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ một cách bất hợp pháp để móc túi người tiêu dùng.

Điện thoại giá rẻ Zes Z10 Trung quốc do Vinamob cung cấp được chào bán trên mạng. Đây là một trong những mẫu điện thoại có cài đặt ứng dụng “móc túi”.

Họ đã móc túi như thế nào?

Có thể giải thích “quy trình móc túi” một cách đơn giản như thế này:

Trên các điện thoại thông minh thường có cài sẵn những ứng dụng, trong đó có ứng dụng cung cấp nội dung số. Sử dụng ứng dụng này, người dùng nhắn tin đến một đầu số quy định sẵn và được cung cấp thông tin, về thời tiết, tỷ giá, giá vàng, kết quả bóng đá… chẳng hạn. Muốn được cung cấp thông tin thì phải mất phí, và đương nhiên là thông tin chỉ được cung cấp khi người dùng chủ động sử dụng dịch vụ (tức là có bấm máy nhắn tin).

Đối với các máy điện thoại do Vinamob cung cấp thì cài sẵn những ứng dụng đó, nhưng nó tự động gửi tin nhắn yêu cầu cung cấp dịch vụ đến đầu số 8x61 (là đầu số mà Vinamob thuê bao) và tự động trừ tiền mà người dùng không hề hay biết. Các tin nhắn đi, đến này được ẩn toàn bộ nên người dùng không thể phát hiện ra.

Các công ty Trung quốc là đối tác của Vinamob được xác định là Công ty Global Wireless Consulting (GWC), Bei Jing Chang Yuan Hong Da Technology (HK Canal) và Phone Me Technology (Shiny Mobi). Nhiệm vụ của các công ty này là cung cấp thông tin (tin nhắn không hề được yêu cầu), còn nhiệm vụ của Vinamob là theo dõi hoạt động để thu lại tiền từ các nhà mạng.

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã xác định: số lượng tin nhắn bị tính cước trong các dịch vụ do đối tác GWC của Vinamob cung cấp là hơn 504.000, tương ứng số tiền “móc túi” của các thuê bao di động là hơn 1,15 tỉ đồng; với HK Canal là 65.000 tin, tương ứng 895 triệu đồng; với Shiny Mobi là 104.000 tin, tương ứng 625 triệu đồng. Tổng số tiền mà cơ quan thanh tra xác định có sai phạm là hơn 2 tỷ đồng.

Đoàn thanh tra đã tiến hành xác minh và phát hiện hầu hết khách hàng sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 đều ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, các khách hàng khi được hỏi đều cho biết không sử dụng dịch vụ của đầu số 8x61 nhưng vẫn bị trừ tiền trong tài khoản không rõ nguyên nhân.

Họ đã bị phạt như thế nào?

Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội xác định hành vi của Công ty Vinamob vi phạm quy định tại Khoản 7 và Khoản 9 Điều 23a Nghị định số 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ về chống thư rác.

Do đó, thanh tra Sở TT&TT Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính Công ty Vinamob theo quy định tại Điểm d và Điểm g Khoản 2 Điều 61 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện. Tổng số tiền xử phạt là 50 triệu đồng; đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung qua đầu số 8x61 trong thời gian 2 tháng; buộc hoàn trả lại số tiền đã thu của người dùng đối với mã lệnh người dùng không nhận được dịch vụ.

Các công ty Trung quốc ngoài phạm vi xử phạt của Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội.

Nỗi lo của người sử dụng

Vụ việc này được phát hiện tạo nên mối lo âu cho người sử dụng và đặt ra nhiều câu hỏi:

-          Thủ đoạn lừa đảo và móc túi người tiêu dùng của doanh nghiệp viễn thông ngày càng khó lường.
-          Việc quản lý các nhà cung cấp nội dung (Content Provider: CP) của nhà mạng (Mobiphone, Vinaphone, Viettel…) khá lỏng lẻo. Theo quy định hiện hành, các nhà mạng phải là người duyệt kịch bản và nội dung các dịch vụ trước khi ký kết hợp đồng với các CP. Lẽ ra họ phải tự phát hiện những sai phạm này chứ không phải đợi thanh tra “xử” rồi mới biết.
-          Với những điều luật và quy định hiện nay, hình thức xử phạt sai phạm như nêu trên có vẻ như là quá nhẹ, không đủ sức răn đe kẻ vi phạm.
-          An toàn thông tin của người dùng điện thoại ngày càng bị đe dọa, đặc biệt là đối với các thiết bị có xuất xứ từ Trung quốc. Còn nhớ hồi năm ngoái mẫu điện thoại Redmi Note của Xiaomi cùng vài mẫu điện thoại Trung quốc khác đã bị phát hiện âm thầm thu thập thông tin người dùng và gửi về máy chủ ở Trung quốc.

Phải làm gì?

Người dùng phải tự bảo vệ mình, một mặt luôn cảnh giác trước những thông tin (tin nhắn, mail..) có nguồn gốc không rõ ràng, mặt khác khi mua điện thoại hay cài đặt các ứng dụng lên đó cần chọn những nguồn đáng tin cậy.

Về phía cơ quan chức năng, qua vụ việc này Sở TT&TT đã báo cáo Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương rà soát các dịch vụ cung cấp qua các đầu số. Đồng thời, Sở cũng đề nghị người dùng điện thoại khi phát hiện hiện tượng bất thường cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng ở địa phương để ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.


Thái Thư
LĐĐN - 14/11/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét