Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Bảo đảm An toàn thông tin mạng là nhu cầu bức thiết

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích thiết thực, nhưng kèm theo đó là sự gia tăng các nguy cơ, hiểm họa mất an toàn thông tin. Vì vậy việc đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) là một nhu cầu bức thiết đối với mỗi quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tình hình ATTT quốc gia

Theo báo cáo tổng quan của Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông, tình hình mất ATTT đang diễn ra rất phức tạp. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được đầy đủ hiểm họa  mất ATTT cũng như chưa có biện pháp phòng ngừa, hạn chế những lỗ hổng. điểm yếu của hệ thống thông tin do mình quản lý và vận hành, khiến xảy ra sự cố mất ATTT.

Theo khảo sát của Hiệp hội ATTT Việt Nam năm 2014, hơn 60% số cơ quan, tổ chức không hề có khả năng ghi nhận, cảnh báo hành vi dò quét, thử tấn công của kẻ xấu nhằm vào hệ thống thông tin của mình. Gần 50% số cơ quan, tổ chức không có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, ngay cả khi đã phát hiện ra mình bị tấn công. Đặc biệt, công tác bảo đảm ATTT cho hệ thống quan trọng quốc gia chưa được quan tâm đúng mức.


Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc hại ở mức cao. Theo tính toán của Bộ TT-TT năm 2014, tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại của Việt Nam trên máy tính vào khoảng 66%, tức là cứ 3 máy tính thì có 2 máy được ghi nhận đã từng bị phần mềm độc hại tấn công, cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình trên thế giới. Vấn nạn này đã và đang gây ra nhiều thiệt hại lớn, đồng thời đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và mức độ tin cậy của Việt Nam trong thế giới số.

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTT còn thiếu nên không có cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý cũng như biện pháp kỹ thuật mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.

Đảng và Chính phủ đã có những quyết định, chỉ thị chỉ đạo để giảm thiểu được những ảnh hưởng của việc mất ATTT đối với lợi ích quốc phòng, an ninh của đất nước, cụ thể:

-          Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ATTT quốc gia đến năm 2020.
-          Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
-          Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/09/2013 của Ban Bí thư về tăng cường công tác bảo đảm ATTT mạng.
-          Chỉ thị số 15-CT/TTg ngày 17/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và ATTT mạng trong tình hình mới.
-          Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01.07/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Gần đây nhất, Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII gồm 8 chương 54 Điều. Luật này quy định về hoạt động ATTT mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTT mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTT mạng; kinh doanh trong lĩnh vực ATTT mạng; phát triển nguồn nhân lực ATTT mạng; quản lý nhà nước về ATTT mạng. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ATTT mạng tại Việt Nam. Luật ATTT mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Tình hình ATTT tại Đồng Nai

Đội Ứng cứu sự cố Máy tính đang diễn tập ứng phó sự cố. Ảnh: Đắc Nhân

Theo báo cáo của Sở TT-TT Đồng Nai, tình hình ATTT trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây tương đối ổn định. Những nội dung bảo đảm ATTT Sở TT-TT đã thực hiện được như sau:

Xây dựng các quy chế, quy định bảo đảm ATTT: bao gồm tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định 02/2014/QĐ-UBND ngày 14/01/2014 ban hành quy chế đảm bảo ATTT trong hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh; chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 24/05/2013 về việc Kiểm tra thiết bị điện tử, máy tính được sử dụng truyền và lưu trữ thông tin bí mật Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 10/04/2015 về tăng cường công tác đảm bảo ATTT của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; kế hoạch số 11405/KH-UBND ngày 5/12/2014 về triển khai Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 06/08/2015 về triển khai Quyết định số 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT đến năm 2020.

Về giải pháp, biện pháp kỹ thuật: Hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và hệ thống quản lý văn bản & điều hành của các cơ quan, đơn vị được xây dựng tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng danh mục tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ TT-TT. Việc trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử, tài liệu giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân với nhau hầu hết thông qua hệ thống thư điện tử Đồng Nai và phần mềm quản lý văn bản và điều hành.

Hạ tầng ứng dụng CNTT do Trung tâm CNTT-TT của Sở TT-TT quản lý gồm 40 trang thông tin điện tử sở ngành, hơn 10.000 hộp thư điện tử, 11 hệ thống Một cửa điện tử cấp huyện, 20 hệ thống quản lý  văn bản và Một cửa điện tử. Để triển khai thành công, vấn đề ATTT rất được chú trọng, vì vậy cuối năm 2015 Đồng Nai đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu (Datacenter) giai đoạn 1, dễ dàng quản lý, giám sát sự dò quét và tấn công của hacker, kịp thời có phương án phòng chống.

Về nguồn nhân lực, Đồng Nai luôn coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách CNTT tại các sở, ban, ngành về ATTT là ưu tiên. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2013 Sở TT-TT phối hợp với các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch “Đào tạo an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức chuyên trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh”. Dựa trên nguồn nhân lực này, tỉnh đã thành lập Đội Ứng cứu sự cố máy tính tỉnh Đồng Nai, giai đoạn giai đoạn 2014-2016.

Sở TT-TT cũng đã nêu ra những khó khăn trong công tác bảo đảm ATTT như sau: Chưa có văn bản, quy định về ATTT có cơ sở pháp lý đủ mạnh để bắt buộc cá nhân, tổ chức phải tuân theo; đa số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chưa có nhận thức đầy đủ về việc bảo đảm ATTT; nguồn nhân lực về ATTT còn thiếu và yếu; kinh phí triển khai công tác ATTT còn hạn chế.

Phạm Hoài Nhân

(Tổng hợp theo báo cáo của Cục An toàn Thông tin và Sở TT-TT Đồng Nai)
LĐĐN - 07/12/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét