Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

Ngày mua sắm trực tuyến 2015: đến hẹn lại lên

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 và lấy ý tưởng từ ngày Thứ Sáu đen của Mỹ, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam được chọn là ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12, năm nay đó là ngày 04/12/2015. Đây là lần thứ hai, ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam được tổ chức.

Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2015 (Online Friday 2015) được khởi động khá ấn tượng. Từ đêm 3/12 tòa tháp Bitexco tại TPHCM chơi đèn rực rỡ, và đúng 0 giờ ngày 4/12 tại sân đậu trực thăng của tòa tháp, Cục Thương mại Điện tử và các đối tác ấn nút khởi động Online Friday 2015.

Hoạt động chính diễn ra trên trang web OnlineFriday.vn từ 0 giờ đến 24 giờ ngày 4/12. Trên đó, các nhà bán lẻ tham gia chào bán rất nhiều sản phẩm thuộc nhiều chủng loại khác nhau. Các sản phẩm được chào bán trong ngày này được chào giá khuyến mãi, rẻ hơn giá bình thường rất nhiều.

Trang web Ngày mua sắm trực tuyến OnlineFriday.vn


So với ngày mua sắm trực tuyến năm 2014, ngày mua sắm trực tuyến năm 2015 được truyền thông rầm rộ hơn rất nhiều, và kết quả thống kê sơ bộ cũng cho thấy lượng khách hàng tham gia mua sắm cao hơn hẳn. Cụ thể, tối 4/12, đại diện Cục Thương mại điện tử và CNTT cho biết tính đến 14g cùng ngày, thống kê từ 26 doanh nghiệp thương mại điện tử lớn tham gia chương trình, tổng doanh thu đã đạt được ước khoảng 165 tỉ đồng, với 230.000 giao dịch đã được thực hiện. Năm ngoái, tổng doanh số năm ngoái chỉ đạt được 154 tỉ đồng, từ 1.000 doanh nghiệp bán hàng.

Tuy nhiên, hàng loạt nhược điểm của ngày này bị khách hàng than phiền:

-          Trang web chính để mua hàng OnlineFriday.vn thường xuyên bị quá tải. khó truy cập (những lúc đó thường bị màn hình trắng). Hai công cụ kiếm tra, so sánh giá là Web So sánh và Chọn Giá Đúng cũng bị quá tải, đặc biệt nghiêm trọng hơn là với Web So Sánh (thường gặp màn hình tối đen).
-          Các mặt hàng giảm giá một cách giả tạo, tức là nâng giá gốc lên thật cao để rồi khi giảm giá sốc thì thật ra cũng chẳng là giảm giá bao nhiêu cả. Ví dụ: Lazada.vn để giá gốc của iPhone 6S 16GB màu vàng hồng lên tới 36,6 triệu đồng. Mức giá niêm yết 16.089.000 đồng được trang này quảng cáo là đã giảm tới 52%. Trên thực tế iPhone 6S 16GB hàng chính hãng đang được phân phối qua hệ thống của FPT Shop cũng chỉ có 18.899.000 đồng!
-          Ngược lại, có một số mặt hàng chào giá rẻ thực sự thì lại bị phát hiện là hàng giả. Ví dụ: mặt hàng nước hoa cao cấp trên trang Sendo.vn.

Mặc dù có sự nỗ lực rất lớn của ban tổ chức, nhưng với những hiện tượng kém chất lượng hoặc tráo trở như trên, nhiều người cho rằng điều này đã làm khách hàng mất niềm tin vào thương mại điện tử của Việt Nam và khiến cho lĩnh vực này khó phát ttriển.


Thái Thư
LĐĐN - 7/12/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét